PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TRÀ BẮC
4.1.3 Tình hình sản xuất
Từ nhiều năm qua công ty đã xác định và tập trung phát triển sản xuất các mặt hàng chiến lược được chế biến từ dừa đó là than hoạt tính, xơ dừa, cơm dừa sấy khô, thảm xơ dừa với phương châm “Phát triển quy mô, năng lực sản xuất; đầu tư chiều sâu, gia tăng giá trị sản phẩm”
Bảng 6: TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CỦA CÔNG TY TRÀ BẮC TỪ NĂM 2008 ĐẾN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011 Chỉ tiêu Đvt 2008 2009 2010 6 tháng đầu 2011 Than hoạt tính Tấn 3.513,751 2.521,106 3.935,191 1.750,000 Cơm dừa Tấn 2.018,700 2.883,629 1.909,256 925,120 Xơ dừa Tấn 15.835,700 16.409,600 12.169,000 4.582,420 Thảm xơ dừa 1000m2 1.249,650 1.404,200 1.265,631 592,850
(Nguồn: Phòng kế hoạch- thị trường)
Từ bảng tổng hợp số liệu trên, để có thể đánh giá cụ thể được mức độ chênh lệch của các mặt hàng qua từng năm ta sẽ xem bảng chi tiết sau:
Bảng 7: CHÊNH LỆCH SỰ BIẾN ĐỘNG SẢN LƯỢNG SẢN XUẤT CỦA CÔNG TY TRÀ BẮC TỪ 2008- 2010
Chỉ tiêu Đvt
Chênh lệch Chênh lệch
2009/2008 2010/2009
Tuyệt đối % Tuyệt đối %
Than hoạt tính Tấn (992,645) (28,25) 1.414,085 58,09 Cơm dừa Tấn 864,929 42,85 (974,373) (33,79)
Xơ dừa Tấn 573,9 3,62 (4.240,6) (25,84)
Thảm xơ dừa 1000m2 154,55 12,38 (138,569) (9,87)
(Nguồn: tổng hợp từ bảng 5)
Qua bảng phân tích chênh lệch trên ta thấy mặt dù công ty đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm từ trái dừa nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất của công ty chưa ổn định, luôn có sự tăng giảm qua các thời kỳ.
Về than hoạt tính: năm 2008 công ty sản xuất được 3.513,751 tấn nhưng đến năm 2009 thì sản lượng này đã giảm đi 28,25% tức là còn 2.521,106 tấn. Nguyên nhân là thời điểm giữa năm, lò hoạt hoá số 2 tạm ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn để công ty thực hiện công tác tu bổ, nâng cao công suất sản xuất. Đến năm 2010, sản lượng than hoạt tính đã tăng trở lại với con số 3.935,191 tấn, so với năm trước là tăng 1.414,085 tấn, về số tương đối là 58,09%. Có được mức gia tăng mạnh như thế là do lò hoạt hoá số 2 sau khi được nâng cấp vào năm 2009 đã tăng năng suất sản xuất từ 2.500 tấn/năm lên 3.200 tấn/năm. Bên cạnh đó, cuối tháng 5/2010 công ty đã kịp thời đưa vào khai thác cùng lúc 3 lò hoạt hoá nhằm đáp ứng nhu cầu than hoạt tính cho thị trường và xuất khẩu. Chính vì thế mà năm 2010, sản lượng than hoạt tính không những tăng hơn năm trước 58,09% mà còn tăng 20% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, dù nhu cầu về than hoạt tính đang còn rất lớn ở các thị trường Nhật Bản, Châu Âu nhưng công ty chỉ sản xuất được 1.750,000 tấn, giảm 110,595 tấn so với cùng kỳ năm trước, về số tương đối là giảm 5,94%. Sản lượng than hoạt tính bị giảm là vì từ cuối năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2011, công ty gặp phải tình trạng thiếu hụt nguyên liệu gáo dừa khô vì hiện nay dừa đang có giá, nông dân tranh thủ thu hoạch dừa tươi để bán do lo ngại giá giảm trong những ngày tới. Ngoài ra còn có thêm một số công ty nước ngoài mới tham gia vào lĩnh vực sản xuất than hoạt tính với vốn đầu tư cao và công suất khá lớn, nên công ty không thể cạnh tranh lại trong hoạt động thu mua than gáo dừa và dừa nguyên liệu.
Đối với các sản phẩm còn lại như cơm dừa, xơ dừa và thảm xơ dừa năm 2009 đều gia tăng sản lượng. Cụ thể là cơm dừa sấy khô 42,85% so với năm 2008, tương ứng với số lượng là 864,929 tấn, còn xơ dừa thì tăng 573,9 tấn, về số tương đối là 3,62% nâng giá trị sản lượng lên 16.409,600 tấn. Thảm xơ dừa cũng tăng lên 12,38% so với năm 2008 với con số là 1.404,200m2. Năm 2009, công ty gia tăng sản xuất các mặt hàng này là do chúng đang có đầu ra khá tốt, được nhiều đối tác nước ngoài ký hợp động thu mua. Tại thời điểm đó, mặt hàng xơ dừa đang có giá khá cao 17.000- 18.000 đồng/kg so với các năm trước chỉ có 5.000- 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên qua năm 2010 thì các mặt hàng trên đều giảm sản lượng đáng kể, trong đó giảm nhiều nhất vẫn là cơm dừa sấy khô với số tương đối là 33,79% tức khoảng 974,373 tấn so với năm trước, đứng thứ hai là xơ dừa với lượng giảm là 4.240,6 tấn, số tương đối là 25,84% và giảm ít nhất là thảm xơ dừa chỉ khoảng 9,87%.
Những tháng đầu năm 2011, tình trạng sụt giảm sản lượng trên vẫn tiếp diễn so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, cơm dừa chỉ sản xuất được 925,120 tấn, giảm 2,68% so với cùng kỳ năm trước, ước khoảng 25,508 tấn. Mặt hàng xơ dừa và thảm xơ dừa cũng không nằm ngoài khó khăn trên khi sản lượng chỉ đạt lần lượt là 4.582,420 tấn và 592,850 m2. Tại thời điểm 6 tháng năm 2010, con số này đối với xơ dừa là 5.884,500 tấn và đối với thảm xơ dừa là 675,500 m2. Như vậy, xơ dừa đã giảm mạnh với khoảng 22,13% và thảm xơ dừa giảm 12,24%.
Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng giảm sản lượng hàng hoá sản xuất từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2011 là do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài từ nhiều yếu tố như năng suất cho trái của cây dừa giảm vì bị già cỗi, bị sâu bệnh tấn công và chưa được quan tâm chăm sóc đúng cách. Kết quả là dẫn đến chất lượng của trái dừa nguyên liệu không đồng đều, khả năng cho chỉ xơ và cơm sữa của trái dừa giảm đi rõ rệt. Một yếu tố khác khiến hoạt động sản xuất bị hạn chế là công ty gặp phải tình trạng thiếu hụt điện liên tục từ 2- 3 tỷ kWh, nhất là vào mùa khô thì sự thiếu hụt điện lại càng trầm trọng. Trong khi đó, công ty chỉ mới đầu tư mua mới máy phát điện dự phòng khoảng 1,59 tỷ đồng dành cho nhà máy sản xuất than hoạt tính còn các xí nghiệp sản xuất cơm dừa sấy, xơ dừa, thảm xơ dừa thì vẫn nằm trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Nhìn chung, trong thời gian qua hoạt động sản xuất của công ty chưa thật sự ổn định, còn bị tác động mạnh mẽ bởi sự biến động của nguồn nguyên liệu cụ thể là hoạt động sản xuất gia tăng vào thời điểm nguồn dừa vào vụ thu hoạch và phải hoạt động cầm chừng khi nguyên liệu vào nghịch mùa. Như vậy, năng lực sản xuất hiện nay của công ty là chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới công ty cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu mua, tăng cường dự trữ nguyên liệu để tránh khỏi tình trạng thừa thiếu như hiện nay. Chủ động hơn nữa trong công tác đầu tư các thiết bị dự phòng nhằm duy trì ổn định hoạt động sản xuất của mình từ đó tiến đến đảm bảo và gia tăng cả về số lượng và chất lượng của sản phẩm.