PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TRÀ BẮC
4.2.2 Phân tích tình hình xuất khẩu của công ty theo cơ cấu mặt hàng
Các mặt hàng từ trái dừa do công ty sản xuất tương đối nhiều và xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, ba mặt hàng chủ yếu được công ty quan tâm và chú trọng xuất khẩu gồm than hoạt tính, cơm dừa sấy khô và xơ dừa.
Than hoạt tính
Bảng 9: KIM NGẠCH XUẤT KHẨU THAN HOẠT TÍNH THEO THỊ TRƯỜNG CỦA CÔNG TY TRÀ BẮC TỪ 2008 ĐẾN 6 THÁNG ĐẦU 2011
Đơn vị tính: nghìn USD Quốc gia 2008 2009 2010 6 tháng đầu 2010 6 tháng đầu 2011 Nhật Bản 1.923,865 1.469,714 2.269,984 1.090,422 1.137,920 Châu Âu 1.034,209 1.038,070 2.046,167 673,490 872,686 Khác 800,945 0 43,434 415,881 448,142 Tổng 3.759,019 2.507,784 4.359,585 2.179,793 2.458,748
(Nguồn: Phòng kế hoạch- thị trường)
ngạch xuất khẩu của mặt hàng này 3.759,019 nghìn USD, tương đương với sản lượng 3.970,56 tấn. Sang năm 2009, giá trị kim ngạch chỉ ở mức 2.507,784 nghìn USD, giảm 33,29% so với năm trước, về số tuyệt đối là 1.251,235 nghìn USD. Nguyên nhân chính khiến cho kim ngạch thay đổi theo chiều hướng xấu là vì sản lượng sản xuất trong năm 2009 bị hạn chế nên công ty đã phải bỏ lỡ một vài đơn đặt hàng của vài đối tác không thường xuyên đến từ Singapore, Ấn Độ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu, bắt đầu hạn chế hoạt động sản xuất cho nên một vài khách hàng truyền thống từ Nhật Bản đã giảm khoảng 23,61% lượng cầu nhập khẩu. Sự việc trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng kim ngạch xuất khẩu than hoạt tính của năm 2009 do Nhật Bản chính là thị trường chủ lực ở mặt hàng này. Chính vì thế, cả năm 2009 công ty chỉ xuất được 1.841 tấn than hoạt tính, giảm khoảng 53,63% so với năm trước.
Đến năm 2010 dù tình hình sản xuất của công ty vẫn chưa thể phục hồi theo đúng kế hoạch nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể là năm 2010, hoạt động xuất khẩu than hoạt tính mang về kim ngạch là 4.359,585 nghìn USD, tương ứng với sản lượng 1.760,96 tấn. Giá trị kim ngạch năm 2010 đã tăng đến 73,84% so với năm 2009. Sở dĩ công ty đạt được kết quả này là do các thị trường chủ lực là Nhật Bản và châu Âu đã gia tăng lượng cầu trở lại. Tại thị trường Nhật, công ty đã xuất được 1.736,7 tấn với giá trị là 2.269,984 nghìn USD và thị trường Châu Âu là 1.038,070 tấn với giá trị 2.046,167 nghìn USD. Nếu so với năm trước thì nhu cầu than hoạt tính của khách hàng Nhật Bản tăng gần 61% và Châu Âu tăng 142%. Một yếu tố khác giúp kim ngạch tăng nhiều như vậy là do năm 2010 giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng nhanh do lượng cung không đủ lượng cầu hiện tại, vì thế công ty đã nhiều lần điều chỉnh giá phù hợp với giá thế giới. Hiện nay giá trung bình của mặt hàng này 1.200 USD/tấn, mức giá này vẫn còn thấp so với các nước như Sri Lanka (1.330 USD/tấn), Indonesia (1.255 USD/tấn) và Philippines (1.650 USD/tấn).
Trong 6 tháng đầu năm 2011, hoạt động xuất khẩu than hoạt tính của công ty cũng nằm trong xu hướng tích cực trên bởi nhu cầu than hoạt tính của các thị trường trên còn rất lớn. Cụ thể là kim ngạch đạt giá trị 2.458,749 nghìn USD, tăng hơn 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong những tháng đầu năm 2011, do nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm nên sản lượng xuất khẩu than hoạt tính
của công ty chỉ đạt 1.700,15 tấn, giảm 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2010 nhưng kim ngạch xuất lại khả quan là do giá cả của mặt hàng này trên thế giới vẫn đang tăng mạnh. Xét từ đầu năm đến nay nhu cầu nhập khẩu than hoạt tính trên thế giới đạt mức 32.680 tấn, tăng 12% so với năm trước. Lượng cầu khá lớn như thế nhưng các nước các nước xuất khẩu than hoạt tính hàng đầu như Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ đều giảm lượng cung ra thị trường thế giới khoảng 5,98% khiến cho giá bình quân của mặt hàng này tăng gần 18,7% so với thời điểm năm trước. Đặc biệt là Nhật Bản, sau khi trải qua vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, khách hàng Nhật Bản đã gia tăng sản lượng nhập khẩu than từ công ty để hấp thụ chất phóng xạ trong nước và trong không khí. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu tăng và giá cả diễn biến theo chiều hướng có lợi là những nguyên nhân chính đưa kim ngạch xuất khẩu than hoạt tính trong những tháng đầu năm nay tăng lên đáng kể và hứa hẹn một năm xuất khẩu thành công cho mặt hàng này.
Cơm dừa sấy khô
Bảng 10: KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CƠM DỪA SẤY KHÔ THEO THỊ TRƯỜNG CỦA CÔNG TY TRÀ BẮC TỪ 2008 ĐẾN 6 THÁNG ĐẦU 2011
Đơn vị: nghìn USD Quốc gia 2008 2009 2010 6 tháng đầu 2010 6 tháng đầu 2011 Châu Âu 1.291,095 880,392 994,972 647,079 804,960 Jordan - 83,500 319,500 95,310 164,320 Khác 66,569 701,156 632,208 522,818 775,345 Tổng 1.357,664 1.665,048 1.946,680 1.265,207 1.744,625
(Nguồn: Phòng kế hoạch- thị trường)
Từ bảng trên ta thấy kim ngạch xuất khẩu cơm dừa sấy khô của công ty cổ phần Trà Bắc qua các năm cũng nằm trong chiều hướng thay đổi. Năm 2009, sản lượng cơm dừa sấy bán ra thị trường thế giới đạt kim ngạch 1.665,048 nghìn USD, tăng 22,64% so với năm trước, tương ứng với lượng xuất khẩu là 1.977,625 tấn. Nguyên nhân chính giúp kim ngạch năm 2009 tăng là do công ty đã khai thác tốt một số hợp đồng xuất khẩu với các đối tác như Trung Quốc, Brazil, Paragoay với tổng giá trị là 701,156 nghìn USD. Đặc biệt cũng trong năm này, công ty có thêm một đối tác mới là Jordan ký hợp đồng nhập khẩu cơm dừa sấy khô với giá trị là 83,500 nghìn USD. Đây là một quốc gia Trung Đông có nhu cầu lớn về loại thực phẩm này do đây là thức ăn truyền thống vào dịp lễ hội Ramadan vào tháng 9 của
người Hồi giáo. Ngược lại, trong năm 2009 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu lại sụt giảm mạnh, khoảng 31,8% so với năm trước, cụ thể chỉ đạt 880,392 nghìn USD. Sở dĩ hoạt động xuất khẩu cơm dừa sang thị trường này gặp khó khăn là cuối năm 2009 xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công, các quốc gia bị tác động nặng nề như Hà Lan, Pháp bị suy giảm sức mua và thu hẹp nhu cầu nhập khẩu.
Sang năm 2010, dù sản lượng xuất khẩu có sụt giảm theo tình hình sản xuất của công ty nhưng kim ngạch vẫn tăng lên 16,91% so với năm 2009, đạt 1.946,680 nghìn USD. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm như hiện nay. Có được như vậy là do công ty đã nâng cao chất lượng mặt hàng cơm dừa thông qua kiểm soát gắt gao khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và nhất là công ty đã khẳng định uy tín cho sản phẩm khi bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000: 2005. Bên cạnh đó, năm nay thị hiếu về sử dụng thực phẩm có chất béo thay thế mỡ động vật nên khách hàng dần hướng đến sử dụng cơm dừa như một loại thức ăn béo, hoặc chế biến dầu dừa nhất là ở các quốc gia phương Tây. Điển hình là Châu Âu, sau khi bước qua một năm kinh tế đầy biến động, thị trường truyền thống này đã bắt đầu khởi sắc với giá trị nhập khẩu không ngừng gia tăng. Cụ thể là kim ngạch cơm dừa xuất khẩu năm 2010 sang Châu Âu đạt 994,972 nghìn USD, tăng hơn 13% so với năm trước. Hơn thế nữa, thị trường mới là Jordan cũng trở thành khách hàng ưu thế của công ty với sản lượng và giá trị xuất khẩu là 325 tấn và 319,500 nghìn USD. Nếu so với năm trước thị trường này đã tăng 225% về sản lượng và 282,63% về kim ngạch. Đây là một kết quả đáng ghi nhận khi mà cả năm 2010 công ty phải đối mặt với tình trạng sản xuất không đủ hàng để xuất khẩu.
Đến 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vẫn duy trì tình trạng khả quan như năm trước. Mặt dù hiện nay, mặt hàng này không đủ nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu nhưng vì giá cơm dừa sấy đang tăng cao khoảng 1.644 USD/tấn trong khi các nước xuất khẩu mạnh mặt hàng này như Indonesia, SriLanka, Malaysia đều giảm lượng cung ra nên kim ngạch công ty thu về tăng đến 37,89%, đạt mức 1.744,625 nghìn USD, con số này vào cùng thời điểm năm 2010 chỉ là 1.265,207 nghìn USD.
Bảng 11: KIM NGẠCH XUẤT KHẨU XƠ DỪA THEO THỊ TRƯỜNG CỦA CÔNG TY TRÀ BẮC TỪ 2008 ĐẾN 6 THÁNG ĐẦU 2011
Đơn vị tính: nghìn USD Quốc gia 2008 2009 2010 6 tháng đầu 2010 6 tháng đầu 2011 Trung Quốc 3.061,555 3.869,660 3.050,477 739,060 696,123 Đài Loan 209,509 193,390 122,160 81,440 180,744 Tổng 3.271,064 4.063,050 3.172,637 820,500 876,867
(Nguồn: Phòng kế hoạch- thị trường)
Mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm của mặt hàng xơ dừa khá lớn nhưng hiện nay vẫn chưa được công ty quan tâm đúng mức vì đây là nguyên liệu thô, có giá trị thấp. Từ nhiều năm qua, mặt hàng này chủ yếu là xuất khẩu sang hai thị trường là Trung Quốc và Đài Loan. Nếu như năm 2008 công ty xuất khẩu được 15.290 tấn xơ dừa thu về 3.271,064 nghìn USD thì sang năm 2009, giá trị kim ngạch này đạt giá trị 4.063,050 nghìn USD tăng 24,21% so với năm trước. Nguyên nhân là năm nay xơ dừa có đầu ra khá tốt ở thị trường Trung Quốc với giá trị kim ngạch là 3.869,660 nghìn USD, tăng hơn năm 2008 là 26,39%. Tuy nhiên, sang năm 2010 hoạt động xuất khẩu xơ dừa của công ty lại biến động theo chiều hướng xấu khi mà kim ngạch cả năm chỉ đạt 3.172,637 nghìn USD, giảm 21,92% so với năm trước. Sở dĩ mặt hàng này sụt giảm như vậy là do năm nay số lượng xơ dừa của công ty bán cho thị trường Trung Quốc đã giảm gần 3.000 tấn do công ty bị các đối thủ Philippines, Ấn Độ cạnh tranh gay gắt về chủng loại và chất lượng xơ dừa. Thêm vào đó, do tình hình khan hiếm nguồn dừa khô để tách lấy xơ dừa đang diễn biến phức tạp, khiến cho công ty không đủ hàng để xuất khẩu. Cho đến 6 tháng đầu năm 2011, tình hình vẫn chưa khả quan trở lại vì so với cùng thời điểm năm trước sản lượng xuất khẩu cũng chỉ ở mức 2.612,10 tấn, con số này đã giảm 2.918,438 tấn. Tuy nhiên do tình hình giá cả chung của thế giới ngày một tăng lên nên kim ngạch xuất khẩu công ty thu về cũng tăng hơn thời điểm năm trước 6,87%, đạt mức 876,867 nghìn USD. Trong thời gian tới, công ty cần phát huy hơn nữa điểm mạnh của sản phẩm xơ dừa để nó trở thành những mặt hàng chủ lực của công ty.
Để có thể đánh giá được mặt hàng nào mang lại giá trị nhiều nhất cho công ty trong các năm qua ta sẽ phân tích tỷ trọng đóng góp của chúng vào kim ngạch
Hình 7: Cơ cấu tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty Trà Bắc từ 2008 đến 6 tháng đầu 2011
Qua biểu đồ thể hiện cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của công ty cổ phần Trà Bắc trong tổng kim ngạch ta thấy năm 2008 than hoạt tính đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu với 3.759,019 nghìn USD chiếm 44,81% trong tổng kim ngạch, đứng thứ hai là xơ dừa với 39% và thấp nhất là cơm dừa sấy khô chỉ với 16,19%. Tuy nhiên năm 2009, mặt hàng xơ dừa đã vươn lên vị trí dẫn đầu với tỷ trọng đóng góp tương đối lớn 49,33% tổng kim ngạch và than hoạt tính chỉ xếp thứ hai với tỷ trọng 30,45%. Nguyên nhân như đã phân tích ở trên, do năm 2009 sản lượng than công ty bán ra thị trường thế giới giảm do nhiều yếu tố đã khiến cho giá trị kim ngạch cũng giảm theo. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2011, than hoạt tính đã giành trở lại vị trí dẫn đầu với tỷ trọng trên 45% do nhu cầu tiêu dùng không ngừng tăng lên qua các năm. Có thể nói rằng, than hoạt tính chính là mặt hàng tạo nên thương hiệu cho công ty.
Trái lại với chiều hướng gia tăng của than hoạt tính thì thảm xơ dừa càng ngày càng giảm tỷ trọng. Năm 2010, xơ dừa đứng vị trí thứ hai với 39,46% nhưng đến 6 tháng đầu 2011 thì con số này chỉ còn 17,26%, về giá trị là thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sở dĩ tỷ trọng đóng góp của mặt hàng này trong tổng kim ngạch bị giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ đang giảm nhu cầu, thêm vào đó vì đây là
nguyên liệu thô nên giá của mặt hàng này không tăng nhiều như than hoạt tính nên kim ngạch thu không thể có tăng nhưng đáng kể. Đối với mặt hàng cơm dừa sấy khô, một mặt hàng luôn ổn định với vị trí thứ hai. Tuy nhiên nếu xét về số tuyệt đối thì tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch luôn tăng qua các năm, cụ thể là từ 16,19% năm 2008 thì 6 tháng đầu năm 2011 đã là 34,34%. Nguyên nhân là do mặt hàng đang có xu hướng tiêu dùng ngày càng nhiều nên giá cả cũng đang dần tăng lên.
Tóm lại trong những năm qua, tình hình kim ngạch xuất khẩu theo cơ cấu mặt hàng của công ty có thay đổi nhưng theo chiều hướng tốt. Bởi vì than hoạt tính, cơm dừa sấy khô là những mặt hàng có giá trị cao luôn có tỷ trọng tăng dần trong tổng kim ngạch và mặt hàng ít giá trị như xơ dừa đang có chiều hướng giảm dần tỷ trọng. Như vậy, than hoạt tính và cơm dừa sấy khô đang chính là mặt hàng chủ lực, đem về phần lớn giá trị xuất khẩu cho công ty trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới.