PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TRÀ BẮC
4.3.1.2 Môi trường trong nước
Môi trường chính trị- pháp luật của Việt Nam
Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sự quản lý của nhà nước. Nước ta chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 168 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, bao gồm tất cả các nước và trung tâm chính trị lớn của thế giới. Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hàng trăm tổ chức phi chính phủ. Năm 2007, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO). Đây thật sự là một bước ngoặc lớn trong tiến trình hội nhập nền kinh tế thế toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, để phát triển nền kinh tế trong nước, khuyến khích xuất khẩu, chính phủ áp dụng mức thuế suất 0% đối với các mặt hàng xuất khẩu, can thiệp vào việc giữ vững và nâng cao tỷ giá, ban hành quy định về việc ưu đãi lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhất là ngành gạo, thuỷ sản, cà phê,… và dần dần cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản hoá. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước am tâm phát triển sản xuất và vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, về hệ thống pháp luật thì nước ta còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập, hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước còn yếu, sự nhất quán và đồng bộ, gây khó khăn trong công việc thực thi các chỉ thị của nhà nước. Đặc biệt, đối với các luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật chống phá giá vẫn còn đang trong giai đoạn
hoàn thiện, cho nên các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của các loại luật này, dẫn đến thiệt hại không nhỏ khi vi phạm.
Tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây
Sự phát triển nền kinh tế trong nước có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của công ty, nhất là khi nền kinh tế phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sự việc này đã gây ra không ít khó khăn cho công ty Trà Bắc nói riêng và toàn thể các doanh nghiệp trong nước nói chung trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê thì nền kinh tế Việt Nam đã dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng với tốc độ hồi phục nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạc đề ra (6,5%). Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt hơn 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, nhiều giá cả các mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đáng kể đã góp phần tăng trưởng kim ngạch.
Bên cạnh những kết quả khả quan trong thời gian qua thì nhìn chung nền kinh tế nước ta cũng còn bộc lộ nhiều vấn đề đáng ngại. Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng còn thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ. Tình trạng lạm phát năm 2010 vẫn tiếp tục leo thang với con số lên đến 11,75% sau khi đã được khống chế khá tốt ở năm 2009. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên hai con số đã gây ra tình trạng bão giá, khiến các doanh nghiệp sản xuất và người dân đều gặp khó khăn. Mặt khác, hiện nay nền kinh tế còn bị tác động bởi sự biến động của lãi suất trên thị trường tiền tệ với lãi suất huy động có thời điểm đạt 17%/năm, từ đó làm tăng lãi suất vay vốn từ 16%/năm dần tiến đến 20%/năm, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong năm qua.
Một vấn đề khác có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là tỷ giá hiện nay đang diễn phức tạp. Dù ngân hàng trung ương đã hai lần nâng tỷ giá liên ngân hàng nhưng khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do luôn ở mức cao, khoảng 10%. Nguyên nhân dẫn đến bất ổn về tỷ giá là do bội chi cao, nhập siêu lớn và hiệu quả đầu tư công thấp đã làm cho cầu ngoại tệ lớn hơn cung ngoại tệ. Sang năm 2011, dù nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng tương đối ổn định khoảng 6,5% nhưng những vấn đề về lạm phát, biến động tỷ
giá, nhập siêu và bùng nổ lãi suất vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đó, gây không ít những khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chính sách của nhà nước đối với ngành dừa
Hiện nay, nước ta đã có nhiều ưu đãi để khuyến khích và phát triển xuất khẩu trong nông nghiệp nhưng chủ yếu là dành cho các mặt hàng gạo, thuỷ sản, các cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, điều. Tuy nhiên một ngành đóng góp vai trò không nhỏ cho nền kinh tế cũng như cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm mà trên thực tế vẫn chưa được nhắc đến đó là ngành dừa. Ngoài những người dân trồng dừa, các doanh nghiệp sản xuất chế biến những sản phẩm từ cây dừa và các nhà khoa học nghiên cứu về cây dừa thì loại cây này chưa phải là đối tượng giành được nhiều sự quan tâm của nhà nước và các bộ ban ngành. Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường tăng đột phát về các sản phẩm của ngành này, khiến cho các tỉnh trồng dừa không khỏi lúng túng khi đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp phải tự xoay sở để tìm hướng đi cho mục tiêu xây dựng thương hiệu cây dừa Việt Nam, họ không nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước nên đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cho đến bây giờ, nước ta chỉ có một tổ chức duy nhất được thành lập nhằm tháo gỡ những khó khăn này là Hiệp hội Dừa Việt Nam. Mặc dù cây dừa được xếp vào danh mục cây công nghiệp nhưng nó cũng như một loại cây trồng thông thường khác nên phần lớn việc đầu tư trồng dừa chỉ mang tính tự phát của người dân chứ chưa được quy hoạch thành những đồn điền, trang trại như cao su, điều, cà phê, ca cao,…. Đặc biệt về khâu chọn giống, gần như chưa có một trung tâm chính quy nào chuyên nghiên cứu và phát triển giống dừa, ngoại trừ Trung tâm thực nghiệm giống, thuộc vườn quốc gia U Minh Thượng. Nguồn giống do trung tâm nghiên cứu gần như chỉ mới đáp ứng cho việc trồng thực nghiệm. Ngoài ra, còn một đơn vị khác là Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò- Bến Tre, thuộc Viện nghiên cứu dầu, cũng có nghiên cứu về giống dừa, nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở mức độ bảo tồn nguồn gen dừa Việt Nam chứ chưa cung cấp giống cho người trồng dừa. Vì vậy, người trồng dừa chủ yếu vẫn phải tự tìm kiếm giống dừa theo kiểu may rủi. Trong khi vòng đời của cây dừa là khoảng 60 năm, nếu người dân chọn sai giống dừa thì hệ lụy của nó cũng kéo dài đến khoảng thời gian đó. Loại giống dừa được ưa chuộng hiện nay vẫn là giống dừa dâu vàng và dâu xanh. Đây
là loại dừa cho năng suất cao nhưng cũng chỉ khoảng 60 quả/năm. Trong khi đó, tại Philippines đã có những giống dừa cho năng suất trên 100 quả/năm và một loại khác ở Thái Lan có thể cho đến 200 quả/năm. Điều đáng nói người dân Việt Nam không thể có cơ hội tiếp cận với những giống dừa này. Chính những khó khăn trên đã làm cho cây dừa Việt Nam mất đi thế mạnh và chưa khẳng định được tiềm lực kinh tế của mình, trong khi nước ta lại là một trong các quốc gia có diện tích trồng dừa hàng đầu thế giới.
Cho đến thời điểm này, chưa có một chính sách gì cụ thể ngoài việc đưa dừa trái (dừa nguyên liệu) vào danh mục thuế xuất khẩu với thuế suất 3% có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20/5/2011 theo TT 46 của bộ Tài chính. Dù sao đây là một tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam khi mà ngành này bắt đầu nhận được sự quan tâm của Chính phủ, trước tiên là lĩnh vực thuế, giúp cho các doanh nghiệp chế biến dừa trong nước đảm bảo được hoạt động sản xuất khi mà nguồn nguyên liệu hiện nay ồ ạt chảy sang Trung Quốc, Thái Lan.
Một thiệt thòi khác cho các doanh nghiệp ngành dừa là họ chưa nhận được chính sách ưu đãi tài chính, chẳng hạn như mặt hàng than hoạt tính sản xuất từ gáo dừa, đây là một mặt hàng có giá trị cao nhưng lại có thời gian dự trữ nguyên liệu kéo dài, các doanh nghiệp rất cần được vay vốn ưu đãi hoặc nên nhận được thuế suất ưu đãi đầu vào để gia tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác trên thế giới. Do đó, thực tế trên là một trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành nói chung và công ty Trà Bắc nói riêng.