Chiến lược phát triển kinh kinh tế hướng vào xuất khẩu là một chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong điều kiện hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần thích nghi với những điều kiện, quy định trong thương mại quốc tế dù vẫn đang gặp không ít khó khăn trong con đường khẳng định vị trí của mình trên thương trường quốc tế. Hoà vào dòng chảy hội nhập của nền kinh tế, công ty cổ phần Trà Bắc đã không ngừng nổ lực vươn lên, từng bước tăng trưởng và phát triển, tạo vị trí vững chắc cho mình. Sau 6 năm chuyển đổi sang công ty cổ phần, Trà Bắc đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia ở khắp châu lục với giá trị sản lượng và kim ngạch các năm không ngừng tăng lên.
Qua phân tích cho thấy tình hình xuất khẩu của công ty đang chuyển biến tốt, dù có thời điểm cũng gặp khó khăn do tác động của nền kinh tế và do số lượng, giá cả nguồn nguyên liệu không ổn định, gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, công ty còn đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như hệ thống kho bãi chưa hoàn thiện, công ty chưa có bộ phận Marketing chuyên trách nên hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh của công ty. Những khó khăn này là điều không thể tránh khỏi đối với một doanh nghiệp xuất khẩu như công ty Trà Bắc trong kinh doanh quốc tế. Điều quan trọng ở đây là công ty đã luôn cố gắng khắc phục những nhược điểm này, phát huy ưu điểm hiện có để không tiếp tục khẳng định mình trong thương trường quốc tế. Để làm được như thế, công ty cần có chiến lược dài hạn như một kim chỉ nam định hướng phát triển. Một yếu tố không kém phần quan trọng chính là sự đồng lòng nhất trí và quyết tâm của toàn thể công ty từ cấp lãnh đạo đến các thành viên để phát huy tiềm năng, đưa công ty cổ phần Trà Bắc vươn xa hơn trong thời gian sắp tới.
6.2 KIẾN NGHỊ
Đối với nhà nước
Hiện nay, ngành dừa đã dần khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế và đang trở thành một ngành có nhiều tiềm năng để phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn như hiện nay, ngành này cần nhiều sự quan tâm từ phía Nhà nước để có thể phát triển vững mạnh như các ngành khác. Cụ thể như:
Cần thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu sản xuất và ươm giống dừa có năng suất cho trái cao, quả to, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến công cho cây dừa.
Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô như dừa trái, than gáo dừa, chỉ dừa,… bằng chính sách thuế xuất khẩu mạnh và kiên quyết hơn nữa
Cần phát triển các làng nghề trồng và sơ chế dừa nguyên liệu, sản xuất các mặt hàng trung gian cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến dừa kỹ thuật cao.
Ngoài Hiệp hội Dừa Việt Nam, cần thành lập thêm nhiều tổ chức khác để tập hợp mối liên kết giữa 4 nhà, nhằm tạo thành một khối thống nhất nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm dừa Việt Nam trong nước và trên toàn thế giới
Nhà nước cần có chính sách tiêu thụ, chính sách hổ trợ giá cho cây dừa giống, chính sách thuế, cũng như chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất chế biến, xuất khẩu và người dân trồng dừa.
Đối với công ty
Công ty nên nhanh chóng thành lập bộ phận Marketing để bộ máy tổ chức hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh từ bên trong nội bộ.
Tiến hành đào tạo nguồn nhân lực hiện tại sao cho phù hợp với quá trình phát triển của công ty trong thời gian tới.
Có chính sách đãi ngộ nhân tài, khuyến khích khen thưởng hợp lý để thúc đẩy nhân viên tích cực làm việc, tạo điều kiện để họ phát huy nhiều hơn trong công việc và công hiến nhiều hơn cho công ty.
Hiện đại hoá trang thiết bị, máy móc công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của quốc tế và phù hợp với điều kiện của công ty.
Ngoài việc tăng cường nghiên cứu, khai thác thông tin từ các thị trường xuất khẩu, công ty cũng nên tham gia vào các hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu và tìm kiếm đối tác mới.