Vai trò của quan hệ kinh tế với Trung Hoa đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 95 - 98)

Trong các thế kỉ độc lập, nhà nước Việt Nam đã cố gắng xây dựng đất nước ngày càng hoàn chỉnh về mọi mặt, nhất là về kinh tế và quốc phòng. Với quan niệm “thực túc binh cường”, từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn đều có những chính sách cụ thể để phát triển kinh tế. Các vua Việt Nam đều chủ trương “trọng nông” nhưng thương nghiệp cũng có điều kiện để phát triển. Ngoài việc mở chợ, thúc đẩy trao đổi buôn bán trong nước, các triều đại Việt Nam đều quan tâm đến quan hệ kinh tế với nước ngoài, đặc biệt là với nước Trung Hoa láng giềng.

Trong việc buôn bán với Trung Hoa, nhà nước nắm độc quyền những mặt hàng xuất khẩu là sản vật thiên nhiên gồm những mặt hàng thuộc lâm thổ sản, hải sản, động vật và khoáng sản hiếm, các loại gỗ quí (gỗ nhuộm, gỗ trắc, xạ hương, gỗ mun, hồng mộc, ô mộc, tô mộc,…), các loại dược liệu (kỳ nam, nhục quế, nhựa thông, sa nhân, thư hoàng, thảo quả, hồ tiêu, cau), các loại hải sản (yến sào, tôm khô, vây cá, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, mực khô), các động vật hiếm (tê giác, ngà voi, gân hươu, bạch trĩ, da voi, xương voi, xương trâu), các loại đá quí và kim khoáng, sản phẩm thủ công (tơ, lụa, đường cát, đường phèn),... Đây là những mặt hàng được thương nhân nước ngoài ưa chuộng. [5, tr. 98 – 99].

Tuy nhiên, do sự kiểm soát của nhà nước cịn lỏng lẻo, quan lại tham nhũng nên thương nhân vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa, kể cả hàng quốc cấm và đặc sản quí hiếm do nhà nước độc quyền xuất khẩu như những sản vật thiên nhiên và hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong việc triều cống nước lớn Trung Hoa, các triều đại ở Việt Nam đã giữ được mối quan hệ hòa hiếu, tranh thủ được nền hòa bình và hợp tác trao đổi về kinh tế. Nhờ có mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa, đặc biệt là thông qua việc triều cống và có sự trao đổi thêm, Việt Nam đã có những mặt hàng quí từ Trung Hoa, nhất là về sách vở, Kinh Phật, lịch pháp hoặc các loại vải tốt, các sản phẩm thủ công để triều đình sử dụng.

“Các mặt hàng nhập khẩu được thống kê dưới thời Nguyễn là những hàng mỹ nghệ cao cấp của Trung Hoa như tơ lụa: gấm đoạn, sa, lĩnh, trừu kim tuyến, áo cừu, hầu bao, khuy áo, gối, hàng sợi len, trừu len, vải trắng, vải sợi xe, vải sơn dầu, đoạn len, lụa len, vải in hoa, nhung, vải

buồm. Ngoài các mặt hàng gấm mua từ Trung Hoa còn có sâm, hổ phách, nút mã não, quạt đan hương, các thứ đồ sành, các trang phục cao cấp như giày yên chi, nút trân châu, nút sa hồ, các hạng quạt,...

Riêng hàng vải như đoạn, gấm, sa, nhung, trừu trong một chuyến buôn đầu tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) do một thương nhân ở phố Hàng Buồm Hà Nội đi Trung Hoa đã mua về 1644 cây vải.

Dưới thời Tự Đức, nhập thêm các loại nước uống, dược liệu như thuốc cảm, dầu bạc hà, dầu ngự phong, dầu tường vi, bánh bạc hà, rượu ngọc lệ, châu ngọc băng phiến, các loại trà và độc dược.

Mặt hàng đồ sứ của Trung Hoa cũng được nhập với một khối lượng lớn. Trong Châu bản triều Minh Mạng ngày 7 tháng 6 Minh Mạng năm thứ 1 (1820), nhà vua đã phê đưa 30 thùng hàng đồ sứ của tàu trưởng Phan Tây Ký chuyển về kinh đô Huế.

Thuyền buôn Trung Hoa còn mang đến bán cho triều đình Việt Nam các nguyên liệu để chế tạo vũ khí, đạn dược, đỉnh, vạc như: đồng, sắt, diêm trắng, diêm vàng,…” [5, tr. 100 – 101].

Thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, nhà nước phong kiến Việt Nam đã có điều kiện xuất khẩu những mặt hàng có giá trị ở trong nước. Việc trao đổi này giúp triều đình thu được số tiền lớn, hàng hóa được lưu thông dễ dàng, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất thủ công ở Việt Nam phát triển như: gốm sứ, tơ lụa, hàng mỹ nghệ vàng bạc,... Đồng thời cũng qua trao đổi, Việt Nam có được những mặt hàng Việt Nam không có hoặc không sản xuất được.

Ngoài những hoạt động trao đổi hàng hóa được thực hiện giữa triều đình và tư nhân hai nước, những hoạt động kinh tế của người Việt gốc Hoa ở Việt Nam cũng có sự đóng góp nhất định cho nền kinh tế của Việt Nam. Thành phần người Hoa trên đất nước ta chủ yếu là di dân từ nước Trung Hoa do bất đồng với chính quyền cai trị, một số khác là hậu duệ của những người đã cư trú lâu đời, họ đã được Việt hóa rất nhiều. Trong các thế kỉ XIII – XVI, sự có mặt của di dân người nước Đại Tống, Đại Minh về sau là những đợt di dân của người Hoa vào Việt Nam thời chúa Nguyễn đã có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực buôn bán, trao đổi hàng hóa và tiền tệ. Họ trở thành một cộng đồng dân cư hòa nhập vào cộng đồng dân cư chung của Việt Nam, cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Đến thời Nguyễn vào đầu thế kỉ XIX, số lượng người Việt gốc Hoa rất đông, họ sinh sống trải rộng khắp lãnh thổ Việt Nam.

Người Hoa có truyền thống và kinh nghiệm trong hoạt động thương mại và mở mang phố chợ, trao đổi hàng hóa theo phương thức thu mua, đầu cơ tích trữ. Những hoạt động thương mại của họ góp phần rất quan trọng vào nền kinh tế của Việt Nam, thúc đẩy ngành thương nghiệp Việt Nam phát triển. Người Hoa sống riêng biệt, đặt quan cai trị riêng theo phong tục, tập quán của mỗi nước. Nhiều làng Minh Hương được thành lập, đối với người Minh Hương nhà Nguyễn có qui định rõ: “… người nước Thanh tự đến tình nguyện lưu ở sáu tỉnh Nam Kì, hễ đích xác có dân trong bang hay dân Minh Hương ở hạt ấy bảo nhận thì cho phép trú ngụ ở đấy và khoan miễn thuế lệ ba năm” [109, tr. 62]. Cũng như làng Minh Hương, Hội Quán ra đời do đặc thù dân tộc người Hoa. Hội Quán là nơi hội họp, thờ phụng mang tính nghi lễ cổ truyền từ Trung Hoa, nhưng thực chất đó là tổ chức buôn bán của thương nhân. Hội Quán được chia thành hai bộ phận, một chịu trách nhiệm bán hàng ở cửa hiệu do thuyền buôn Trung Hoa mang đến và một làm nhiệm vụ thu nhận hàng dự trữ để khi các lái đến có hàng chở đi. Mỗi Hội Quán là tổ chức của một hoặc nhiều bang kết hợp, dấu tích về Hội Quán đến nay vẫn còn thấy nhiều ở phố cổ Hội An, nhờ những tổ chức này giúp những người Việt gốc Hoa có điều kiện làm ăn. Những hoạt động kinh doanh của họ góp phần tạo điều kiện cho hoạt động thương mại trên đất nước ta khởi sắc, nhất là trong các thế kỉ XVII, XVIII, XIX. Nguồn thuế thu được từ hoạt động kinh doanh của người Việt gốc Hoa cho nhà nước Việt Nam rất lớn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Việc kinh doanh, bao trưng các mỏ của người Hoa cũng tạo thêm điều kiện cho triều đình thu được một khoản thuế rất lớn, bên cạnh đó còn góp phần khai thác khoáng vật làm thành hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ thủ công nghiệp phát triển. Khi người Pháp sắp sửa chiếm hết Nam Kì, “theo các bản lược kê tài chính sao lại bởi các nhà truyền đạo, quan thuế hàng năm đưa về một số tiền tương đương với 3.000.000 đồng phật-lăng vàng, trên một tổng ngân sách là 40.000.000. Như thế, quan thuế cung hiến gần một phần mười lợi tức quốc gia, và có lẽ còn nhiều hơn, nếu tin lời Legrand de la Liraye, đã cho rằng các quan viên giữ lại ít nhất là gấp đôi số tiền nói trên, và như vậy thì số thuế thu được thật sự vượt quá số tiền tải về triều đình ở Huế rất nhiều” [1, tr. 163].

Phương thức thuê mướn nhân công của người Hoa đã giải quyết được số lượng lao động trong nước, cùng với sự kinh doanh của người Việt (rất ít) đã tạo bước tiến mới trong sự phát

triển kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, dưới thời Nguyễn, chính nhờ các thương gia Hoa kiều mà các sự mậu dịch quốc tế khá hoạt động.

Duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Hoa đã giúp cho Việt Nam học hỏi được các kĩ thuật tiến bộ trong nông nghiệp, thủ công nghiệp và cả nghề buôn bán,… tạo điều kiện cho cư dân Việt Nam có điều kiện tiếp xúc, giao lưu kinh tế, kĩ thuật với nhau (đã trình bày kĩ ở chương 2).

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)