Sự phân liệt Nam – Bắc triều và chính sách thống trị của nhà Mạc:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 26 - 27)

Quốc gia Việt Nam trải qua hơn năm thế kỉ thống nhất với một nhà nước trung ương tập quyền ngày càng được củng cố. Nhưng đến đầu thế kỉ XVI, sự mục nát của nhà Lê đã đến đỉnh điểm và Mạc Đăng Dung giành lấy ngôi vua vào năm 1527, thì đó cũng là sự mở đầu của một thời kì nội chiến phân liệt triền miên giữa các tập đoàn phong kiến. Ra đời trong sự thoán đoạt vương quyền, nhà Mạc luôn gặp phải sự chống đối của các cựu thần muốn khôi phục cơ đồ thống trị của nhà Lê.

Cuộc chiến tranh Lê – Mạc (còn gọi là cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều) mở đầu sự chia cắt đất nước. Nhà Mạc thành lập trong hoàn cảnh đất nước khủng hoảng về mọi mặt, gặp phải sự chống đối của các cựu thần nhà Lê, nhà Minh nhân cơ hội này cũng phao tin sang xâm lược Việt Nam, mặc dù lúc này nhà Minh đang gặp rất nhiều khó khăn. Ở phía Bắc, nhà Minh đang phải tập trung vào việc phòng ngự phương Bắc, chống sự xâm nhập, cướp phá của các bộ tộc Mông Cổ ở miền Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Bắc. Mặc khác, nhà Minh phải dồn nhiều lực lượng vào việc đàn áp phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nông dân Trung Hoa đang bùng lên ở các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Bắc, Quảng Đông và nhiều nơi khác. Tình hình này không cho phép nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta. Tuy nhiên, nhà Minh vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược, nhân sự cầu cứu của một số cựu thần nhà Lê, nhà Minh muốn uy hiếp nhà Mạc buộc phải đầu hàng. Rõ ràng ý chí xâm lược của nhà Minh đã bị nhân dân ta giáng cho một đòn mãnh liệt từ sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy vậy, trước thái độ hèn nhát của Mạc Đăng Dung, nhà Minh vẫn tìm cách hư trương thanh thế, giả vờ chuẩn bị rậm rịch ở biên giới, phao tin sẽ kéo quân sang đánh nước ta. “Năm 1537, nhà Minh phái Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ và Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, xuống miền Lưỡng Quảng, Vân Nam điều động quân lính đóng dọc biên giới nước ta, nhằm uy hiếp nhà Mạc. Nhà Minh còn sai viết hịch kể tội Mạc Đăng Dung và treo thưởng “nếu ai bắt sống hay chém được đầu cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh thì thưởng một vạn lạng bạc”; lại dụ bảo cha con Mạc Đăng Dung nếu biết tự trói mình đền tội, thành khẩn dâng hết sổ sách điền hộ thì được tha tội chết” [75, I, tr. 64 – 65]. Run sợ trước thế lực của nhà Minh, để yên mặt Bắc, Mạc Đăng Dung cho sứ giả đến cửa quân nhà Minh trần tình và nguyện xin ra biên giới đầu hàng. Nhà Mạc cắt đất năm động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát và La Phù thuộc châu Vĩnh An để cho lệ thuộc vào Khâm Châu của nhà Minh, thực hiện triều cống đầy đủ. Với chính sách đầu hàng nhục nhã đó, nhà Mạc tạm thời ổn định được mặc Bắc, lo chống lại cuộc khởi nghĩa “phù Lê”. Chính vì thế, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa vẫn tiếp tục được diễn ra thông qua hình thức cống sứ, đồng thời nhân dân hai nước cũng tiếp tục buôn bán dọc theo biên giới hai nước.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 26 - 27)