Thời Quang Trung:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 78 - 81)

Chính sách đối ngoại của vua Quang Trung cũng giống như các triều đại phong kiến khác, đó là vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao hết sức mềm dẻo, đặc biệt là với Trung Hoa. Chính vì thế, vua Quang Trung cũng tiếp tục thực hiện triều cống hàng năm, số lượng lễ vật cống như sau:

- Bình hoa và lư hương bằng vàng: mỗi thứ hai bộ nặng 104 lạng 5 đồng cân. - Chậu bạc: 6 chiếc nặng 345 lạng 5 đồng cân.

- Trầm hương nặng 480 lạng. - Tốc hương nặng 1810 lạng. - Quạt lá dừa: 300 cái.

- Hương xe để thấp hạng trắng 50 nén, hạng đen 30 nén. Lễ tạ ơn như sau:

- Vàng nén 10 dật. - Bạc nén 30 dật.

- Sừng tê giác đen 1 chiếc, tê giác hoa 7 chiếc, ngà voi 2 đôi. - Nhục quế thượng hạn: 40 cân.

Vua Quang Trung lợi dụng những lần đi sứ sang Trung Hoa, sai sứ mua những loại hàng quí hiếm như nhân sâm và được triều Thanh hai lần tặng cho. Một lần được Tổng đốc Phúc Khang An tặng, lần sau được vua Thanh tặng: “… Quốc vương (Quang Trung) nhân vì mùa xuân năm nay (1790) sang chầu chúc phúc, muôn dặm đi xa phải tạm nhãng việc định tỉnh nên có dặn bồi thần mua nhân sâm để phụng dưỡng mẹ già. Thế đủ thấy rằng Quốc vương đã chăm tỏ tấc thành chiêm cận, lại tha thiết lo việc thần hôn. Thật là trung hiếu kiêm toàn, đáng khen đáng chuộng lắm lắm. Vậy ban cho một cân nhân sâm để giúp mẹ khanh tẩm bổ tuổi già…” [52, IV, tr. 51].

Sau thất bại của Tôn Sĩ Nghị, việc nghiêm cấm thông thương của nhà Thanh lại càng chặt chẽ hơn. Nhà Thanh ra lệnh: “Việc biên giới phải rất cẩn mật, những người vượt cửa ải vụng trộm đi buôn bán lén lút đều nhất thiết ngăn cấm” [76, tr. 154]. Vì thế, việc mua bán giữa hai nước đã sa sút lại càng sa sút trầm trọng.

Sau cuộc đại phá quân Thanh xâm lược, triều Quang Trung đã đề ra những chính sách tích cực để khôi phục và chấn hưng kinh tế đất nước. Vua Quang Trung quan niệm cần phải mở rộng giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hoá với nước ngoài mới có thể góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế nước nhà được. Chính vì vậy, sau khi giảng hoà với nhà Thanh, vua Quang Trung nhanh chóng chủ động đặt vấn đề khôi phục giao thương, cử sứ giả sang Trung Hoa điều đình với nhà Thanh về việc mở cửa ải, lập chợ búa, thông thương mua bán ở vùng biên giới của hai nước. Nhà Thanh đã chấp nhận cho thương nhân hai nước qua lại một số cửa ải dọc biên giới để mua bán. “Các thương nhân có thể qua cửa ải Bình Nhi và Thuỷ Khẩu đến buôn bán ở phố Mục Mã (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), hoặc qua ải Du Thôn đến buôn bán ở phố Kỳ Lừa (Lạng Sơn)” [76, tr. 154]. Theo Đại Nam nhất thống chí: “ải Du Thôn cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 30 dặm về phía Bắc, ở địa phận Du Thôn, xã Bảo Lâm, châu Văn Uyên, phía

Bắc giáp thôn Điếu Sách, châu Thượng Thạch nước Thanh… phàm công việc giao tống công văn và khách buôn qua lại, đều do cửa ải này” [78, tr. 245].

Vua Quang Trung còn đề nghị miễn việc đánh thuế cho mua bán ở các chợ biên giới, đề nghị này cũng được vua Thanh chấp nhận.

Năm 1790, vua Quang Trung đề nghị với nhà Thanh cho lập một cửa hàng ở Nam Ninh (Quảng Tây) làm cơ quan giới thiệu và trao đổi hàng hóa. Nhờ vậy, quan hệ buôn bán giữa hai nước vùng biên giới từng bị gián đoạn hoặc suy tàn suốt thời gian dài lại được phục hồi dần.

Việc triều Thanh chấp thuận mở cửa ải, thông thương chợ búa, miễn thuế mua bán ở các chợ biên giới góp phần phát triển thuận lợi kinh tế trong nước, nên trong thư gởi Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, vua Quang Trung có đoạn: “Mở cửa ải, thông ngõ chợ, khiến cho trăm thứ hàng hoá không ứ đọng. Cho lợi dân sinh…” [69, I, tr. 376]. Đồng thời nhà vua sai viết biểu tạ ơn vua Thanh: “… nghĩ đến nước tôi luôn năm việc binh, vật lực suy hao, đặc ân cho mở đường thông thương, mua bán, trao đổi...” [69, I, tr. 454].

Nhờ những nỗ lực ngoại giao của triều Quang Trung, hoạt động buôn bán giữa hai nước đã được khôi phục trở lại. Lạng Sơn – một thị trấn giáp sát biên giới – đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, tấp nập, là nơi giao lưu kinh tế quan trọng giữa hai nước.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho trao đổi, buôn bán được dễ dàng, vua Quang Trung còn cho đúc tiền “Quang Trung thông bảo” gồm nhiều loại tiền khác nhau với một số lượng lớn, hầu như đã thay thế được tiền Trung Hoa. Tác giả Đỗ Văn Ninh trong bài viết “Về việc nghiên cứu tiền cổ Việt Nam” đã cho biết: “Lần đầu tiên khảo cổ học ghi nhận một hiện tượng trong tất cả mọi di chỉ khảo cổ: đó là tiền Quang Trung đã áp đảo hẳn tiền Trung Quốc” [65, tr. 61].

Tiền Quang Trung không chỉ được nhân dân trong nước tín nhiệm tiêu dùng mà còn được lưu hành sang cả Trung Hoa. Theo sách Trung Quốc hoá tệ sử của Bành Tiến Uy đã ghi việc “cấm dùng tiền ngoại Quang Trung” [67, tr. 158]. Tiền “Quang Trung thông bảo” được lưu hành sang tận Trung Hoa, điều này cho thấy ở thời Quang Trung, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước được tiến hành khá thuận lợi.

Như vậy, dưới thời Quang Trung, mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa được diễn ra, đặt biệt là về giao thương giữa hai nước. Vua Quang Trung đã chủ động mở rộng hoạt động thông thương với nước ngoài, khẳng định được vai trò quan trọng của thương nghiệp, đặc biệt là ngoại thương đối với nền kinh tế của đất nước. Vua Quang Trung đã khéo léo sử dụng

thế mạnh, uy tín của một nước thắng trận để tranh thủ thiết lập mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa. Qua đó đã góp phần làm cho nền kinh tế của Việt Nam được phục hồi và phát triển. Những chính sách đối với ngoại thương đã giúp cho hàng hoá được lưu thông dễ dàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu trao đổi của nhân dân. Trong thời kì phong kiến Việt Nam, dù thời đại Quang Trung tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng các chính sách tiến bộ đã thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển, uy tín của Việt Nam được nâng cao, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Hoa.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 78 - 81)