Những chủ trương cải cách của Quang Trung:

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 30 - 33)

Năm 1771, khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở đất Tây Sơn (thuộc Qui Nhơn, Bình Định) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Phong trào Tây Sơn diễn ra vào thời điểm đất nước bị chia cắt, chiến tranh liên miên giữa các thế lực phong kiến: Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn. Chính vì vậy, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng được sự ủng hộ của nhân dân và nhanh chóng giành thắng lợi, biên giới Đàng Trong, Đàng Ngoài bị xoá bỏ. Một triều đại phong kiến mới được thiết lập, đất nước thống nhất được khôi phục trở lại. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên

ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại Quang Trung. Do điều kiện lịch sử chi phối, các thủ lĩnh Tây Sơn sau đó cũng đi vào con đường phong kiến hoá, xưng vương, xưng đế, phân chia khu vực cai trị: toàn bộ Bắc Hà thuộc phạm vi cai trị của triều đại Quang Trung; Nguyễn Nhạc chiếm giữ khu vực ở giữa chạy dài từ Quảng Nam đến Nam Trung Bộ; Nguyễn Lữ coi giữ đất Gia Định. Nhìn chung, phong trào Tây Sơn chưa tạo được cơ sở phát triển mạnh cho nền kinh tế, chưa phát huy được những điều kiện thuận lợi để góp phần thiết thực vào công cuộc khôi phục đất nước, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống nhân dân. Trong phạm vi lãnh thổ Quang Trung cai trị, xét về chủ trương cải cách, có thể coi triều đại Quang Trung là triều đại phong kiến tiến bộ nhất về mọi mặt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Về xây dựng chính quyền, Quang Trung biết trọng dụng người tài, tổ chức thi cử để chọn ra những người tài giỏi tham gia vào bộ máy nhà nước, xoá dần tệ quan lại tham nhũng, thực hiện chế độ bổng lộc đối với quan lại bằng cách cấp cho họ một số dân đinh để thu thuế, không ban cấp ruộng lộc điền. Với qui định này, ruộng đất được mở rộng đến tay người nông dân, cho họ có tư liệu sản xuất. Năm 1790, Quang Trung cho lập lại sổ hộ khẩu, qui định chế độ trưng tập quân lính, phát thẻ tín bài, tất cả căn cứ trên tuổi tác chứ không phân biệt danh phận. Đây là những biện pháp tiến bộ không chỉ có lợi về mặt quân sự mà còn có tác dụng về mặt kinh tế, tài chính và ổn định xã hội.

Về kinh tế, sau thời kì khủng hoảng kéo dài, năm 1789, Quang Trung ban bố chiếu khuyến nông, đề ra những biện pháp tích cực để giải quyết nạn lưu vong và tình trạng ruộng đất bỏ hoang: “Dân phiêu tán đều phải trở về quê quán nhận ruộng cày, chỉ trừ những người đã sinh cơ lập nghiệp ở nơi khác trên ba đời thì cho nhập tịch ở xã ấy. Những nông dân lưu tán trở về quê được cấp ruộng đất công cày cấy. Quá thời hạn đã định mà không thanh toán hết diện tích ruộng đất bỏ hoang thì nếu là ruộng công sẽ phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư bị tịch thu làm ruộng công” [74, II, tr. 102]. Nhờ đó, trong vòng ba, bốn năm, sản xuất nông nghiệp đã được phục hồi nhanh chóng, cuộc sống người dân dần ổn định.

Thời Quang Trung, tình hình công thương bị đình trệ hàng thế kỉ trước cũng được phục hồi dần. Quang Trung thực hiện chính sách phát triển công thương nghiệp trong nước và mở rộng quan hệ ngoại thương. Quang Trung chủ động mở rộng quan hệ ngoại thương trước hết là với nhà Thanh ở Trung Hoa và đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa buôn bán với nước ta, khiến cho hàng hoá không ngưng đọng, để làm lợi cho sự tiêu dùng của nhân dân.

Về quan hệ đối ngoại với Trung Hoa, sau chiến thắng Đống Đa năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung đã phải tiến hành một chính sách ngoại giao khôn khéo với nhà Thanh để tránh đương đầu bằng quân sự, giữ vững hoà bình và kiến thiết đất nước. Trước khi xuất quân tiêu diệt giặc Thanh, đường lối ngoại giao của Quang Trung đã được thể hiện trong lời nói với các tướng lĩnh: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?” [71, tr. 221]. Đúng với phương châm ngoại giao như trên, nên sau khi chiến thắng quân Thanh, Quang Trung đã thi hành một chính sách ngoại giao thời hậu chiến trên cơ sở nhận thức đúng đắn vị thế của Việt Nam: “về phía Bắc thì nuớc ta hăng hái chống cự không để cho nước Tàu chinh phục, nhưng vẫn biết phận mình nhỏ yếu nên đời vua nào cũng chịu xưng thần” [2, tr. 37]. Quang Trung đã dâng biểu “tạ tội”, xin giảng hoà với nhà Thanh, phản ánh chiến lược ngoại giao mềm dẻo trong quan hệ với Trung Hoa nhằm cố gắng tranh thủ thời gian xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng mạnh để đủ sức đối phó với kẻ thù.

Bên cạnh đó, Quang Trung cũng có thái độ ngoại giao kiên quyết, luôn kiên định lập trường bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền lợi tối cao của quốc gia, bảo vệ quốc thể. Sự kiên quyết này được thể hiện hầu như trong mọi hoạt động cụ thể với nhà Thanh, qua thái độ, lời lẽ cứng rắn trong thư từ, văn kiện ngoại giao, qua việc Quang Trung thoái thác không chịu sang triều cận vua Thanh,…

Sự kiên quyết của Quang Trung khiến nhà Thanh phải nhiều lần nhượng bộ. Trong tác phẩm Chuyện đi sứ, tiếp sứ thời xưa, tác giả Nguyễn Thế Long đã nhận xét: “Chưa bao giờ trong lịch sử ngoại giao của nước ta, “thiên triều” lại bị động, xuống thang, không trịch thượng như thế” [51, tr. 281].

Như vậy, những chính sách tiến bộ của Quang Trung đã khôi phục được đất nước sau một thời gian dài xảy ra chiến tranh liên miên, tạo điều kiện cho đất nước phát triển, nhất là về kinh tế. Đặc biệt, chính sách ngoại giao khôn khéo của Quang Trung đã giúp cho hai nước Việt Nam, Trung Hoa có thời gian hoà bình để thiết lập mối quan hệ kinh tế. Quang Trung rất coi trọng

việc buôn bán với Trung Hoa, thực hiện mọi biện pháp để thúc đẩy ngoại thương phát triển. Chính vì thế, dưới thời Quang Trung quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Hoa diễn ra tốt đẹp, góp phần phát triển nền kinh tế hàng hoá của cả hai nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, những chính sách tiến bộ của Quang Trung còn nhiều hạn chế. Bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền của Quang Trung căn bản vẫn không khác bộ máy cũ của các triều đại trước, Quang Trung sử dụng lại một số lớn quan lại thời Lê, Trịnh, do đó, nhiều người tham gia chính quyền của Quang Trung nhưng vẫn có ý chờ thời cơ hay ngấm ngầm phá hoại, biến những chủ trương tích cực thành những việc phiền hà. Chính sách ruộng đất vẫn nằm trong quan hệ sản xuất phong kiến, duy trì chế độ sở hữu ruộng đất công làng xã và quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Người dân chưa có cơ sở giữ mảnh ruộng cày cấy không bị chiếm đoạt trở lại, kinh tế tiểu nông không phát triển. Mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng, nhất là sau cái chết của Quang Trung. Trong khi đó, Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của thế lực tư bản phương Tây cuối cùng đã lật đổ vương triều Tây Sơn, trở lại thiết lập sự thống trị vào đầu thế kỉ XIX.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc trong TK XI-XIX (Trang 30 - 33)