Thu nhập thuộc diện chịu thuế

Một phần của tài liệu 184 Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam (Trang 51 - 55)

- Việc ban hành và từng bước hoàn thiện thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã từng bước tập dượt trong công tác quản lý thuế.

CÁC GIẢI PHÁP NHẰM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN Ở VIỆT NAM

3.3.2.1 Thu nhập thuộc diện chịu thuế

Về nguyên tắc, phạm vi điều chỉnh của thuế thu nhập cá nhân phải bao gồm toàn bộ thu nhập từ mọi nguồn phát sinh trong năm tính thuế của cá nhân. Tuy nhiên, để xác định chính xác thu nhập chịu thuế cần tiến hành phân loại thu nhập nhằm xem xét đặt điểm của từng nguồn để có chính sách điều tiết hợp lý, cách phân chia dựa vào các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, căn cứ vào tính chất của từng loại thu nhập. Mỗi loại thu nhập có tính chất thu nhập khác nhau. Đánh thuế theo tính chất của từng loại thu nhập sẽ đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế.

Thứ hai, xem xét khả năng động viên đối với từng loại thu nhập.

Thứ ba, căn cứ vào khả năng quản lý các loại thu nhập. Dựa vào tiêu thức này có thể nắm bắt được nguồn hình thành thu nhập và xem xét khả năng có thể động viên được

mức độ bao nhiêu từ từng nguồn thu nhập.

Dựa vào các nguyên tắc trên có thể phân chia thu nhập cá nhân thành các loại sau:

(1) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công, tiền phù lao, các khoản có tính chất tiền lương, tiền công bằng tiền hoặc không bằng tiền của cá nhân trong năm tính thuế trừ đi các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo biểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp và các khoản giảm trừ gia cảnh.

(2) Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh là tổng các khoản thu trong năm tính thuế trừ đi các khoản chi phí tạo ra các khoản thu nhập đó và khoản chiết trừ gia cảnh. Gồm các khoản thu nhập sau: Thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, thu nhập của các hộ nông dân có thu nhập cao. Hiện nay các đối tượng này đang được điều chỉnh của Luật thuế TNDN, còn cá nhân không kinh doanh có thu nhập từ tiền tiền lương, tiền công thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh thuế TNĐVNCTNC. Để công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế cần chuyển đối tượng cá nhân kinh doanh vào diện điều chỉnh của thuế TNCN.

(3) Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là các khoản lãi tiền gởi tiết kiệm, lãi cho vay, lãi từ hợp động bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu, tín phiếu, lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh mà người nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh thu nhập.

Các khoản thu nhập từ đầu tư vốn hiện nay vẫn tạm thời chưa thu thuế TNCN. Tuy nhiên, thuế TNDN ở nước ta qui định các khoản thu nhập trên phải nộp thuế TNDN. Do vậy các tổ chức và cá nhân kinh doanh có thu nhập từ đầu tư vốn thì phải nộp thuế TNDN, còn các cá nhân không kinh doanh có thu nhập từ đầu tư vốn thì chưa bị điều chỉnh bởi loại thuế nào. Điều đó dẫn đến sự không công bằng khi một cá nhân kinh doanh có thu nhập từ đầu tư vốn phải hạch toán vào thu nhập khác để chịu thuế còn cá nhân không kinh doanh có thu nhập về đầu tư vốn không phải nộp thuế thu nhập.

Mặt khác, sự phân biệt đối tượng chịu thuế lợi tức tiền vay của cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh trách thuế bằng cách núp dưới hình thức ký các hợp đồng vay vốn với cá nhân. Như vậy chi phí trả tiền vay vừa được hạch

toán vào chi phí làm giảm thu nhập chịu thuế TNDN, còn cá nhân nhận được thu nhập từ lãi cho vay không phải chịu thuế nên khoản thu nhập này vừa không đánh thuế cấp công ty, vừa không đánh thuế cấp cá nhân.

Riêng đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh: Theo qui định hiện nay thì Lợi nhuận của Công ty sau khi nộp thuế ở cấp công ty (thuế TNDN), lợi tức còn lại sau thuế mới chia lãi cổ tức cho các cổ đông. Vì vậy nếu đánh thuế đối với cổ tức của các cổ đông thì khoản thu nhập này bị đánh thuế hai lần (một lần ở cấp công ty, một lần ở cá nhân). Tuy nhiên, đưa thu nhập này vào đối tượng chịu thuế vừa phù hợp với chính sách thuế TNCN của các nước, vừa đồng bộ với chính sách thuế TNDN ở nước ta và đồng thời khuyến khích người góp vốn nên để lãi lại công ty tiếp tục đầu tư hơn là chia cổ tức.

(4) Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là chênh lệch giữa giá chuyển nhượng với giá vốn và các chi phí có liên quan theo từng lần phát sinh thu nhập.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia thị trường vốn không còn chỉ là người Việt Nam mà còn có người nước ngoài tham gia, khoản thu nhập này đối với cá nhân hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh bởi một luật thuế nào, trong khi theo Luật thuế TNDN thì đây là khoản thu nhập chịu thuế, như vậy không phù hợp với thông lệ quốc tế và không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

(5) Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản là chênh lệch giữa giá chuyển nhượng với giá vốn và các chi phí có liên quan theo từng lần chuyển nhượng.

Hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay chỉ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất với mức thuế suất 2% đối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm mụối; thuế suất 4% đối với đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất khác không quan tâm đến vấn đề là người có bất động sản chuyển nhượng đó lãi hay lỗ (có thu nhập hay không). Trong trường hợp có thu nhập thì khoản thu nhập này vẫn chưa được đánh thuế. Như vậy, đưa khoản thu nhập này vào thu thuế TNCN là hợp lý, ngoài ra còn phần nào ổn định thị trường bất động sản ở nước ta thường xuyên biến động.

(6) Thu nhập chịu thuế khác bao gồm: thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mãi, trò chơi có thưởng, từ quà tặng, từ thừa kế.

Đối với thu nhập chịu thuế từ bản quyền, trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mãi, trò chơi có thưởng, thì thừa hưởng chính sách thuế TNĐVNCTNC đang được áp dụng, chỉ điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế từ 15 triệu đồng xuống còn 10 triệu đồng và thay vì chịu thuế trên tổng thu nhập thì được điều chỉnh phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng/lần phát sinh thu nhập mới chịu thuế. Theo Tôi thì điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp, vì phần nào các khoản thu nhập này được xem như “của trên trời rơi xuống” nên cần hạ thấp mức thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, mức thu nhập chịu thuế giảm xuống nhưng thu nhập chịu thuế chỉ tính trên phần vượt 10 triệu đồng chứ không tính trên tổng thu nhập như đang được áp dụng.

Ví dụ: Theo Pháp lệnh TNĐVNCTNC đang được áp dụng thì người trúng thưởng 15 triệu đồng không phải nộp thuế, có nghĩa thu nhập sau thuế là 15 triệu đồng, nhưng nếu người trúng thưởng 16 triệu đồng thì phải nộp thuế 1,6 triệu đồng (16 triệu đồng x 10% = 1,6 triệu đồng), có nghĩa thu nhập sau thuế là 14,4 triệu đồng (16 triệu đồng – 1,6 triệu đồng = 14,4 triệu đồng). Như vậy, người trúng thưởng 15 triệu đồng được lãnh trọn 15 triệu đồng, còn người trúng thưởng 16 triệu đồng chỉ được lãnh 14,4 triệu đồng, điều này trở nên bất hợp lý.

Đối với thu nhập là quà tặng (từ nước ngoài gởi về hoặc quà biếu tặng trong nước) thì hiện nay nước ta vẫn chưa thu thuế, tuy nhiên qua kinh nghiệm của các nước cho thấy, vừa để kiểm soát được dịch chuyển tài sản, vừa để công nhận khoản thu nhập hợp pháp của cá nhân, vừa đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi người lao động tự tạo ra thu nhập, không trông chờ, ỉ lại vào người khác. Hầu hết ngày nay các nước đều đánh thuế và đánh thuế rất cao vào khoản thu nhập này, chính vì vậy nước ta cũng nên đưa khoản thu nhập này vào đối tượng chịu thuế. Và mức thu nhập chịu thuế đề nghị là trên 10 triệu đồng như trường hợp thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ trúng thưởng xổ số, trúng thưởng khuyến mãi và trò chơi có thưởng.

Riêng đối với thu nhập từ thừa kế thì một số nước đã thu thuế, nhất là đối với các nước tiên tiến thu thuế rất cao. Nhưng đối với Việt Nam, do tổ chức và truyền thống gia đình Việt Nam không giống như phương tây, thông thường thì toàn bộ tài sản trong gia đình do người đứng đầu trong gia đình đứng tên (bố, mẹ) mặt dù các con của họ đã đến tuổi trưởng thành, và tài sản có được chưa hẳn là tài sản riêng của bố, mẹ mà là tài sản

chung của bố, mẹ và các con. Khi số tài sản này được chia theo luật thừa kế thì chưa hẳn là người nhận thừa kế được “hưởng không” tài sản trên mà có thể nói đó là phần tài sản của họ, nhưng theo truyền thống gia đình Việt Nam thì bố, mẹ họ đại diện đứng tên pháp luật. Do đó, đưa thu nhập này vào thu thuế TNCN thì phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời kiểm soát được thu nhập là cần thiết. Nhưng, để phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta trong những năm tới đây, đồng thời để người dân quen dần với loại thu nhập chịu thuế này, mức thu nhập chịu thuế đề nghị là trên 100 triệu đồng/lần thừa kế.

Một phần của tài liệu 184 Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)