nhiều hiệp định, hiệp ước kinh tế song phương và đa phương, trong đó có hiệp định đầu tư song phương với nhiều nước. Nhờ vậy, các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài nhận được sự ưu đãi của nước nhận đầu tư đã ký kết hiệp định với chính phủ Ấn Độ. Ví dụ như, doanh nghiệp Ấn Độ không bắt buộc phải mua nguyên vật liệu tại nước nhận đầu tư khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài…Học hỏi từ trường hợp của Ấn Độ, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, chính phủ Việt Nam cần tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương hơn nữa.
3.3.2. Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngoài
a. Giải pháp vĩ mô
+ Hoàn thiện khung pháp lý
Sau nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ, ta có thể thấy hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Ấn Độ có những biến đổi mang tính chất bước ngoặt đi kèm với sự thay đổi rất tích cực của khung chính sách khuyến khích OFDI. Qua đó có thể thấy tầm quan trọng của khung chính sách trong hoạt động OFDI.
Trong trường hợp của Việt Nam, đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động OFDI đã được ban hành. Những văn bản đó cũng đã có tác động tích cực đối với hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam khi mà vốn đầu tư và số dự án OFDI ngày một tăng bất chấp hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.Tuy nhiên, không thể phủ nhận được một thực tế rằng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động OFDI còn nhiều nhiêu khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư ra nước ngoài. Sau đây là một vài ví dụ điển hình về trở ngại mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi đầu tư ra nước ngoài liên quan tới thủ tục giấy tờ.
Thứ nhất, muốn đầu tư ra nước ngoài, một trong những giấy tờ bắt buộc mà doanh nghiệp phải có là giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Vấn đề là ở chỗ việc
cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chưa được phân cấp, còn tập trung ở bộ kế hoạch và đầu tư. Các doanh nghiệp ở địa phương muốn đầu tư ra nước ngoài đều phải tốn thời gian đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin phép. Tính ra doanh nghiệp muốn hoàn thiện thủ tục để có được giấy phép đầu tư ra nước ngoài phải qua 11 đầu mối các cơ quan quản lý trong nước.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước muốn có giấy phép đầu tư ra nước ngoài phải có văn bản cho phép hoặc thoả thuận với bên nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều quốc gia lại có quy định chỉ được phép đầu tư vào quốc gia đó khi đã được sự cho phép của quốc gia mà doanh nghiệp đầu tư mang quốc tịch. Điều này để tránh được nạn “rửa tiền” thông qua việc đầu tư ra nước ngoài, quốc gia tiếp nhận đầu tư muốn những đồng tiền “sạch” chảy vào thị trường của mình. Sự trái nhau về những quy định cấp phép đầu tư này sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp muốn đem vốn ra nước ngoài kinh doanh.
Thứ ba, vướng mắc nhiều nhất hiện nay là vấn đề chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện đầu tư. Thông tư số 01/2001/TT- NHNN ngày 19/1/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp phải mở một tài khoản tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải được thực hiện thông qua tài khoản này. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải làm thủ tục đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương mình có trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, cùng một việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài doanh nghiệp phải hai lần đăng ký mở tài khoản, với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và với ngân hàng thương mại khác hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài góp vốn đầu tư trên cơ sở quy định tại giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, để mở được tài khoản tại ngân hàng phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư doanh nghiệp phải chứng minh được dự án đầu tư, giấy phép đầu tư do nước ngoài cấp...
Như vậy giai đoạn làm khảo sát, thăm dò, thiết kế dự án của doanh nghiệp tại nước ngoài sẽ không được chuyển tiền ra nước ngoài. Đây sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động chuẩn bị cho dự án đầu tư, trong khi đây là giai đoạn cần thiết để có được giấy phép chấp thuận đầu tư của nước doanh nghiệp muốn đầu tư.
Tiềm năng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Để phát huy được hết tiềm năng này, rất cần có sự hỗ trợ từ nhà nước Việt Nam với những sửa đổi khung pháp lý về đầu tư ra nước ngoài. Với khung pháp lý hoàn thiện, hoạt động OFDI của Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
+ Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Thứ nhất, hỗ trợ về thông tin
Các cơ quan quản lý thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thu thập thông tin về môi trường đầu tư tại các nước để cung cấp cho doanh nghiệp trong nước đang có ý định đầu tư ra nước ngoài những thông tin như: chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư, luật pháp chính sách liên quan tới đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể tại nước mà doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, đồng thời công bố thông tin về các dự án đầu tư cụ thể đã được Chính phủ Việt Nam ký với nước ngoài…
Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước có các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cơ quan quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam những thông tin sau đây: Thông tin về chính sách thu hút đầu tư và các chính sách, pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; những thông tin cập nhật liên quan tới những chính sách này; các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước sở tại như quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế…, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; thông tin về các thị trường cụ thể nhà đầu tư quan tâm
Thứ hai, hỗ trợ về tài chính
Đối với các dự án đầu tư tác động tới sự phát triển kinh tế của nước ta như: dự án điện để xuất khẩu điện về Việt Nam, dự án khai thác khoáng sản để thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước…Theo đó, những dự án này sẽ được vay
vốn của Nhà nước thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) với mức vay tối thiểu 30% tổng số vốn đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi và được miến hình thức đảm bảo tiền vay bằng tài sản. Nếu các dự án này đầu tư tại các thị trường truyền thống như Nga, Lào, Campuchia sẽ được Chính phủ bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại trong nước với mức vay được vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cho vay. Với một số dự án đặc biệt, doanh nghiệp còn có thể đề nghị Nhà nước góp vốn đầu tư. Những dự án này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước mà doanh nghiệp đầu tư.
Thứ ba, đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư
Bên cạnh nhưng chính sách đã thực hiện như chính sách ưu đãi về thuế (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…), nhà nước nên ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác như giảm lãi suất cho vay, hay tăng cường mức cho vay… Đối với những doanh nghiệp làm ăn tốt, xây dựng được thương hiệu và làm tăng uy tín của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Nhà nước nên áp dụng những ưu đãi như rút gọn thủ tục hành chính xin cấp phép đầu tư, thủ tục tái đầu tư lợi nhuận…
Thứ tư, một số đề xuất khác
Để làm tăng thêm kênh thông tin giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với thị trường nước nhận đầu tư cũng như các chính sách của nước nhận đầu tư… một cách nhanh nhất, nhà nước nên thành lập thêm các Quỹ và các tổ chức hỗ trợ đầu tư, có thể đặt trụ sở tại các nước hoặc các vùng tập trung nhiều nhà đầu tư của Việt Nam. Thực tế trên thế giới, những nước đầu tư ra nước ngoài mạnh đã làm rất tốt việc này như JICA của Nhật Bản hay EXIM Bank của Ấn Độ…
Tăng cường tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các nước và các khu vực nhằm khuyến khích và bảo vệ nhà đầu tư trong nước.
b. Giải pháp vi mô
+ Phát triển nội lực và tích lũy kinh nghiệm trong nước trước khi đầu tư ra nước ngoài
Khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều bất lợi do nhiều yếu tố như không quen môi trường kinh doanh, có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh,… Do đó, muốn thành công ở ngoại quốc, đòi hòi các doanh nghiệp phải có năng lực thực sự. Lịch sử đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp thất bại do quá nóng vội đầu tư ra nước ngoài như trường hợp của SK Telecom đã được đề cập đến ở chương 1 của bài viết này.
Do vậy, đối các doanh nghiệp Việt Nam, kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài chưa có nhiều, tiềm lực cũng còn hạn chế, một trong những điều kiện quan trọng để làm tăng tỷ lệ thành công khi đầu tư ra nước ngoài là phải phát triển vững mạnh tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó phải quan sát và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ những nước đi trước để tránh đi vào bánh xe đổ mà các nước này đã trải qua.
+ Có tầm nhìn dài hạn
Trong bất cứ một lĩnh vực gì, có lẽ nhân tố quan trọng nhất để có được thành công là phải có một tầm nhìn dài hạn và hoạt động OFDI cũng không phải là một ngoại lệ. Khi quyết định đầu tư ra nước ngoài vào một khu vực hay lĩnh vực nào đó, doanh nghiệp phải đặt trong tầm nhìn dài hạn của mình mà không vì cái lợi trước mắt. Ví dụ như khi đầu tư vào một khu vực doanh nghiệp phải xác định chiến lược đầu tư sao cho từ khu vực đó có thể mở rộng đầu tư ra các khu vực lân cận, tức là coi địa điểm đầu tư đó là bàn đạp để có thể vươn tới các thị trường rộng lớn hơn. Với tầm nhìn đó, doanh nghiệp sẽ chọn được địa điểm đầu tư có lợi thế nhất để sau này dễ dàng mở rộng ra các khu vực khác.
+ Phát triển nguồn nhân lực
Nhân tố con người luôn là nhân tố quan trọng nhất. Trong hoạt động OFDI, doanh nghiệp nên coi trong nhân tố này hơn cả. Trước khi đầu tư vào một khu vực, hay một lĩnh vực, doanh nghiệp phải có được một đội ngũ nhân lực có năng lực thực sự và có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về khu vực và lĩnh vực đó mới mong có được thành công ở nước ngoài. Bên cạnh đội ngũ nhân công, thì cũng cần có người lãnh
đạo giỏi, có đủ năng lực và bản lĩnh xử lý những tình huống khó khăn tại nước nhận đầu tư.
+ Tìm hiểu kỹ thị trường đầu tư
Thất bại của Wal-mart tại thị trường Đức là một ví dụ điển hình về việc thiếu hiểu biết thị trường đầu tư. Hiểu biết văn hóa, tập quán, phong tục, pháp luật của nước và người dân nước nhận đầu tư là điều kiện tiên quyết để thành công khi đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu về môi trường kinh doanh như các đối thủ cạnh tranh, về phân đoạn thị trường, để xem xét khả năng có lời khi đầu tư ra nước ngoài. Điều kiện làm việc cũng phải nằm trong cân nhắc của các nhà đầu tư. Thất bại của Duhaco như được đề cập đến trong chương 1 là ví dụ về việc không tìm hiểu rõ điều kiện làm việc có phù hợp với nhân lực của doanh nghiệp đi đầu tư.
KẾT LUẬN
Đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và phát triển kinh tế của nước chủ đầu tư. Ấn Độ đã nắm bắt xu hướng này rất tốt khi hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ phát triển liên tục trong thời gian vừa qua. Tuy có những bước tiến đáng kể song nếu so với Ấn Độ nói riêng và các nước khác nói chung thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Cả chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam cần phải học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước mà Ấn Độ là một ví dụ điển hình để phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài hơn nữa.
Mặc dù, chắc chắn trong khóa luận còn rất nhiều thiếu sót do sự hạn chế về trình cũng như thời gian của người viết, song theo người viết trong khóa luận cũng có những điểm mới. Thứ nhất, trong khóa luận, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Ấn Độ được chia thành các giai đoạn rõ ràng với các đặc trưng của các giai đoạn đó đồng thời nêu bật lên sự khác nhau giữa các giai đoạn theo nhiều tiêu chí và giải thích được sự khác nhau đó. Thứ hai, trong khóa luận, có sự nghiên cứu rất kỹ và nêu lên sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt của chính sách đầu tư ra nước ngoài
của chính phủ Ấn Độ và dựa vào sự thay đổi chính sách đó đối phân tích ảnh hưởng của nó đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ. Thứ ba, khóa luận đã nêu được thực trạng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam từ khi bắt đầu đầu tư cho tới năm gần đây nhất (2009), qua đó so sánh với trường hợp của Ấn Độ và một vài ví dụ khác để rút ra bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ, người viết mong muốn đóng góp phần nào đó nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, có thể góp phần vào tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới đồng thời cải thiện vị thế hiện tại của Việt Nam trên trường quốc tế và sự phát triển lâu dài của nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Tài liệu tiếng Việt
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư số 05/2001/TT-BKH ngày 30/8/2001 2. Chính phủ, Nghị định 121/2007/NĐ-CP ngày 27/07/2007
3. Chính phủ, Nghị định 22/1999/NĐ-CP ngày 14/04/1999 4. Chính phủ, Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 5. Đại học Ngoại thương, Giáo trình đầu tư nước ngoài
6. Luật đầu tư 2005
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 01/2001/TT-NHNN ngày 19/01/2001 8. PGS. TS Vũ Chí Lộc, Giáo trình đầu tư nước ngoài, Nhà xuất bản Giáo dục 1997 9. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
10. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X
B. Tài liệu tiếng Anh
11. Amitendu Palit (July 2009), India’s Foreign Investment Policy: Achievements & Inadequacies, Institut français des relations internationales, 6-19