Mặt tích cực

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam (Trang 64 - 66)

Hơn 50 trôi qua kể từ khi các doanh nghiệp Ấn Độ lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Quá trình hoạt động OFDI lâu dài cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nước đã giúp cho các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng lớn mạnh. Điều đó thể hiện ở tiềm lực tài chính, ở kinh nghiệm đầu tư, ở lĩnh vực đầu tư, khu vực đầu tư và hình thức đầu tư. Trong những năm đầu tiên, với tiềm lực tài chính khiêm tốn cùng với sự chặt chẽ của khung pháp lý, phần lớn hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Ấn Độ đều dưới dạng liên doanh với quyền sở hữu doanh nghiệp liên doanh hạn chế; điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ chủ yếu là các nước đang phát triển có trình độ phát triển cũng như công nghệ thấp hơn Ấn Độ; lĩnh vực đầu tư chủ yếu là ngành công nghiệp; mục đích đầu tư chủ yếu là để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, hòa chung vào sự bùng nổ kinh tế của Ấn Độ, tiềm lực tài chính cũng như công nghệ của các doanh nghiệp Ấn Độ tăng lên một cách đáng kể. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ cũng vì thế mà thay đổi cả về lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, khu vực đầu tư… Về hình thức đầu tư, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đa dạng hóa hình thức đầu tư theo sự lớn mạnh về khả năng tài chính và trình độ công nghệ của mình. Thay vì đầu tư mới, hoạt động mua lại và sát nhập đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Ấn Độ. Khu vực đầu tư cũng dịch chuyển dần dần từ khu vực các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn OFDI của các doanh nghiệp Ấn Độ. Ngoài ra, động cơ đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ cũng thay đổi mạnh mẽ, từ chỗ đơn thuần là đi tìm kiếm thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp Ấn Độ đã có tầm nhìn xa hơn khi đầu tư nhằm vào các tài sản chiến lược như công nghệ, thương hiệu…, và nguồn tài nguyên

thiên nhiên ở nước nhận đầu tư nhằm tìm nguồn cung cấp cho nguồn tài nguyên đang cạn kiệt trong nước.

Với kinh nghiệm lâu năm đi đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng hoàn thiện trình độ quản lý, kỹ năng đầu tư,….Từ đó, tính hiệu quả của các dự án đầu tư ngày càng cao, tỷ lệ sinh lời ngày càng lớn.

Với tầm nhìn chiến lược và khả năng nhạy cảm về đầu tư, các doanh nghiệp Ấn Độ đã có cái nhìn về sự phát triển lâu dài khi đầu tư vào các khu vực kém phát triển như châu Phi – nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, hay đầu tư vào những nước có trình độ phát triển hơn hẳn Ấn Độ về mọi mặt nhằm học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm.

Thêm vào đó, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng được cải thiện. Với đội ngũ tri thức trẻ, đông đảo và tài năng các doanh nghiệp Ấn Độ chiếm ưu thế trong hoạt động OFDI của mình với những đường lối sáng tạo và hiệu quả. Với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Sự tìm kiếm hợp tác kinh tế trong đó việc thu hút đầu tư và đi đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của mình. Vì vậy, các nước luôn khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng nguồn lực cho sự phát triển kinh tế trong nước. Hơn nữa, các nước nhận đầu tư thường đưa ra những chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, đối với các nước có tiềm lực đi đầu tư ra nước ngoài nói chung và với Ấn Độ nói riêng, cơ hội đầu tư ra nước ngoài ngày càng lớn.

Chính phủ Ấn Độ ngày càng nới lỏng chính sách OFDI nhằm khuyến khích hoạt động OFDI của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ còn đưa ra những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác nhận đầu tư bằng những cơ quan ngoại giao của mình như các trung tâm xúc tiến đầu tư đặt ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ tham gia ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương, trong khu vực và trên toàn thế giới nhằm có được những ưu tiên trong việc phát triển kinh tế quốc tế nói chung và hoạt động OFDI nói riêng.

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w