So sánh hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vớ

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam (Trang 81 - 86)

doanh nghiệp Ấn Độ

a. So sánh về khung chính sách

+ Sự giống nhau về khung chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và Ấn Độ

Xác định được tầm quan trọng của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, chính phủ hai nước đã đều phản ứng bằng cách đưa ra những văn bản điều chỉnh về đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo ra khung pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp nước nhà trong việc đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, cả Việt Nam và Ấn Độ đều đã phản ứng hơi chậm khi đưa ra luật điều chỉnh chậm hơn so với thực tế khoảng 10 năm. Tại Ấn Độ, lần đầu tiên có một công ty Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài là vào năm 1959 và mãi tới 10 năm sau ( tức là năm 1969), chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên ban hành hướng dẫn chính thức hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, tại Việt Nam, 1989 là năm đầu tiên có một công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và tới tận năm 1999 chính phủ mới ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/2009 quy định hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong những văn bản đầu tiên quy định về đầu tư ra nước ngoài, khung chính sách của cả hai nước đều cho thấy sự thận trọng trong việc quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ như, tại Ấn Độ, thời gian đầu, khung chính sách chỉ cho phép doanh nghiệp Ấn Độ tham gia vào một số ít những dự án chìa khóa trao tay mà không liên quan tới chuyển tiền mặt, và giới hạn tỷ lệ nắm quyền sở hữu thực thể đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp. Trong khi đó ở Việt Nam, trong Nghị định 22/1999/NĐ-CP, có sự giới hạn về chủ đầu tư (chẳng hạn như không cho phép cá nhân đi đầu tư ra nước ngoài), thủ tục xin cấp phép đầu tư rườm rà, phức tạp, khó hiểu…

Tuy nhiên, trong những văn bản pháp luật sau đó, cả Việt Nam và Ấn Độ đều cho thấy sự cải cách trong chính sách của mình nhằm tạo hành lang thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ như, tại Ấn Độ, giới hạn tỷ lệ nắm quyền sở hữu thực thể đầu tư được gỡ bỏ, các doanh nghiệp Ấn Độ được phép chuyển tiền mặt ra nước ngoài. Trong khi đó ở Việt Nam, với sự ra đời của Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có quyền đầu

tư ra nước ngoài, quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tăng cường hơn hiệu quả của quản lý nhà nước.

+ Sự khác nhau về chính sách đầu tư ra nước ngoài của 2 nước Thứ nhất, về việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư:

Theo Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và Thông tư số 01/2001/TT-NHNN ngày 19/1/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp phải mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng Việt Nam được phép hoạt động ngoại hối. Mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp phải thực hiện thông qua tài khoản này trong đó có việc góp vốn đầu tư.

Doanh nghiệp phải đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn ra nước ngoài. Hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký tài khoản và chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (theo mẫu); - Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng);

- Giấy phép đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao có công chứng);

- Văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp (kèm bản dịch tiếng Việt có dấu và chữ ký xác nhận của giám đốc hoặc tổng giám đốc);

- Văn bản quy định tiến độ góp vốn đầu tư (ghi trong điều lệ hoặc hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền của nước

tiếp nhận đầu tư phê duyệt (nếu có) hoặc bản dự kiến tiến độ góp vốn đầu tư của doanh nghiệp được phép đầu tư ra nước ngoài).

Doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của mình mở tại ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài góp vốn đầu tư trên cơ sở quy định tại giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư phải đăng ký hai tài khoản (một tài khoản ở một ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, một tài khoản tại chi nhánh của ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương), trong khi đó các doanh nghiệp Ấn Độ chỉ cần một tài khoàn tài bất kỳ một ngân hàng thương mại nào đang hoạt động trong nước.

Thứ hai, ở Ấn Độ đã áp dụng cơ chế một cửa từ năm 1995, tất cả các hoạt động liên quan tới đầu tư ra nước ngoài đều do ngân hàng dự trữ Ấn Độ thực hiện. Trong khi đó ở Việt Nam, doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài phải qua rất nhiều các khâu và nhiều cơ quan khác nhau: từ chi nhánh ngân hàng Nhà nước ở địa phương nơi có trụ sở chính đến bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, Bộ thương mại, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có những dự án phải cần sự phê duyệt của thủ tướng chính phủ

Thứ ba, từ năm 1992, Ấn Độ đã áp dụng lộ trình tự động (tức là chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra thì các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tự do đầu tư ra nước ngoài mà không cần sự phê duyệt trước của bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào ngay cả của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ- cơ quan quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ra nước ngoài, hay của Chính phủ Ấn Độ). Trong khi đó, ở Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải đi qua tất cả các quy trình và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật đầu tư nước ngoài để có giấy phép đầu tư mới được đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu, trong khi đó, các văn bản luật của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài lại không quy định điều này.

b. So sánh hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam

+ Nét tương đồng

Việt Nam và Ấn Độ có xuất phát điểm đều là những nước đang phát triển. Nền kinh tế của hai nước trước đây đều mang tính chất kế hoạch hóa tập trung. Cả hai nước đều tiến hành những cải cách kinh tế và theo đuổi nền kinh tế thị trường nhằm hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Trong giai đoạn đầu, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đều vấp phải những khó khăn do sự thiếu khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Các dự án đầu tư đều mang tính tự phát riêng của doanh nghiệp đầu tư mà không nằm trong chiến lược hay định hướng chung cũng như nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính phủ hai nước. Do còn yếu về năng lực, nên ban đầu , lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp hai nước đều vào ngành công nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ thấp, và những nước nhận đẩu tư chủ yếu là những nước đang phát triển.

Trong sự lựa chọn đầu tư của mình, doanh nghiệp hai nước đều hướng tới những khu vực thuận lợi về mặt địa lý, tương đồng về văn hóa, hay cùng trong những tổ chức kinh tế nhằm tận dụng lợi thế đầu tư cũng như các ưu đãi đầu tư. Xu hướng đầu tư chung mà doanh nghiệp hai nước đang và sẽ hướng tới trong tương lai là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng như sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khai thác dầu khí và khoáng sản khác.

+ Sự khác nhau

Ấn Độ là nước đi trước Việt Nam khá lâu trong việc tiến hành cải cách kinh tế nói chung và đầu tư ra nước ngoài nói riêng. Do vậy, trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nếu so với các doanh nghiệp Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam còn kém xa về nhiều mặt.

Về quy mô đầu tư ra nước ngoài, nếu như cho tới hết năm 2009, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài chỉ khoảng 7 tỷ USD, thì chỉ trong năm 2007, vốn đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ đã đạt tới khoảng 14 tỷ USD.

Về số nước nhận đầu tư, tính tới năm 2009, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khoảng 50 nước trên thế giới, trong khi đó, con số này của Ấn Độ là trên 100. Xét về lĩnh vực đầu tư, hiện tại, dịch vụ là ngành đầu tư chủ đạo của các doanh nghiệp Ấn Độ, trong khi đó ở Việt Nam là vẫn ngành công nghiệp. Về khu vực nhận đầu tư, điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các nước đang phát triển. Trong khi đó, vốn đầu tư vào nước phát triển của Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài.

Sự khác nhau kể trên phản ánh sự khác nhau về mục tiêu đầu tư, tiềm lực đầu tư và kinh nghiệm đầu tư. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam dù đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và chứng tỏ sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam song so với các doanh nghiệp Ấn Độ thì tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn. Mục tiêu đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở việc tìm thị trường chứ chưa kèm theo các mục tiêu khác như nắm bắt được tài sản chiến lược như công nghệ, thương hiệu,…

Một điểm khác nhau nữa giữa hoạt động đầu tư ra nước ngoài của hai nước là sự hỗ trợ của chính phủ hai nước. Nếu như ở Việt Nam, hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhận được rất ít sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành thì ở Ấn Độ lại được sự hỗ trợ tích cực của nhiều tổ chức hỗ trợ đầu tư. Một trong những tổ chức đó là ngân hàng xuất nhập khẩu Ấn Độ. Ngân hàng này hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Ấn Độ bằng nhiều cách như cung cấp các sản phẩm dịch vụ cần thiết cho quá trình tiếp cận thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Ấn Độ, dịch vụ tư vấn trước đầu tư, cho vay vốn đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích liên quan tới các nước nhận đầu tư…

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam (Trang 81 - 86)