- Phương thức bảo lãnh phát hành
3.2.9 Tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện cần thiết khách quan để tăng cường huy động vốn TPCP cho NSNN và cho ĐTPT. Kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập quốc dân, tăng tỷ lệ tích luỹ, từ đó dẫn đến tăng cầu về TPCP, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với việc kiểm soát lạm phát, làm cho các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào TPCP (vì rủi ro TPCP chính là lạm phát). Nền kinh tế vĩ mô ổn định cũng bao hàm các yếu tố lãi suất, tỷ giá hối đoái được kiểm soát chặt chẻ. Lãi suất bất ổn sẽ gây khó khăn trong việc xác định giá và quan hệ cung cầu TPCP trên thị trường, ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường TPCP. Rủi ro về tỷ giá là trở ngại đối với cả nhà đầu tư và nhà phát hành trái phiếu ngoại tệ.
Để tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cần có chính sách kinh tế, chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đối với nước ta, trong điều kiện hiện nay để ổn định môi trường kinh tế vĩ mô cần thực hiện các vấn đề sau :
- Nhà nước cần thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế phải được đối xử bình đẳng. Quan tâm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện và môi trường để thành phần kinh tế này phát triển. Nhà nước cần tạo ra một môi trường sản xuất kinh doanh ổn định bằng luật
pháp, có chính sách khơi dậy tiềm năng về vốn để phát huy năng lực sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp.
- Duy trì và thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ có hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để ổn định môi trường kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ cần phải có đủ năng lực và phải can thiệp kịp thời đối với những thay đổi thường xuyên của thị trường, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển đi theo đúng định hướng, tạo công ăn việc làm cho xã hội và kiểm soát được lạm phát.
- Tiếp tục tạo lập và đồng bộ hoá các yếu tố thị trường, phát triển thị trường hàng hoá - dịch vụ, mở rộng thị trường lao động, tổ chức thị trường khoa học - công nghệ, phát triển nhanh và bền vững thị trường vốn. Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng cường tích luỹ ngoại tệ cho nền kinh tế để ổn định tỷ giá hối đoái, tăng sức mua của đồng tiền trong nước, nâng cao độ tín nhiệm của nền kinh tế quốc dân.
- Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý nền kinh tế trên cơ sở : Triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính Nhà nước. Phân định rỏ nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, Ngành, các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác quản lý.