1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN DA GIẦY XUẤT KHẨU HÀ NỘ
1.3.2. Môi trường kinh doanh của Công ty
Môi trường chung
Môi trường kinh doanh là môi trường chung bao gồm tất cả các lực lượng nằm ngoài Công ty Cổ phần Da Giầy xuất khẩu Hà Nội, cụ thể:
Môi trường kinh tế: Nền kinh tế nước ta đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, chỉ số GDP là 8,5%. Thu nhập của người dân cũng đã cải thiện hơn trước điều đó tạo sẽ giúp cho Công ty phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới. Nhưng tỷ lệ lạm phát tăng cao lên đến 12,63%, kéo theo đó là chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng đến hơn 20%, giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng làm cho chi phí, giá thành đầu vào tăng lên.
Bên cạnh đó là sự mất ổn định của thì trường bất động sản, trượt giá trên thị trường chứng khoán, giá vàng không ngừng leo thang, sự bất ổn định tỷ giá ngoại tệ, đồng USD. Điều đó làm ảnh hưởng đến hoạt động định giá thành sản phẩm của Công ty, nếu Công ty định giá cao có thể làm cho người tiêu dùng ngần ngại khi đưa ra quyết định mua hàng, nhưng nếu định giá thấp thì sẽ gây ra thiệt hại về lợi nhuận. Do đó, Công ty Cổ phần Da Giầy xuất khẩu Hà Nội phải chú ý theo dõi sự biến động của các yếu tố môi trường kinh tế để phân tích, dự đoán và tiến hành điều chỉnh các biện pháp cần thiết nhằm đối phó.
Môi trường chính trị - pháp luật: Bao gồm luật pháp, các chính sách cơ chế của Nhà Nước Việt Nam cũng như các bộ luật, công ước thế giới. Một môi trường chính trị ổn định, duy nhất do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo là điều kiện thuận lợi cho Công ty phát triển mở rộng sản phẩm, yên tâm và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Tại các thị trường chính hiện nay của Công ty như thị trường Mỹ và Nhật Bản tình hình chính trị và pháp luật cũng tương đối ổn định, luật xuất nhập khẩu của họ có những bổ sung và thay đổi định kỳ. Nên tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh sản xuất.
Môi trường kỹ thuật công nghệ: Có ý nghĩa quan trọng, quyết định năng suất lao động, quyết định tính năng vượt trội của sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của Công ty. Vì vậy, để không bị tụt hậu về mặt công nghệ năm 2006 Công ty đã đầu tư nhập 4 dây chuyền sản xuất từ Đài Loan và Hàn Quốc, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam về kỹ thuật cũng như trình độ của công nhân viên trong Công ty. Bao gồm 2 dây chuyền sản xuất giầy dép da của Hàn Quốc và 2 dây chuyền sản xuất giầy thể thao, giầy vải cao cấp xuất khẩu, giầy bảo hộ lao động, cao su hóa. Đây là dây truyền hoàn toàn khép kín từ khây may mũ giầy vào form, cắt gân “OZ” (đường viền quanh đế giầy), các dây chuyền có tính tự động hóa. Trong xưởng sản xuất công nhân không phải đi lại, hệ thống băng chuyền cung cấp nguyên vật liệu chạy đều khắp nơi. Chính đặc điểm quy trình công nghệ sản xuất này đã đảm bảo cho quá trình sản xuất được cân đối nhịp nhàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Môi trường tự nhiên: Gồm các yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, đất đai khí hậu thời tiết… nó ảnh hưởng đến Công ty trên các mặt như sau:
- Tác động đến việc làm và thu nhập của các tầng lớp dân cư, do đó ảnh hưởng đến sức mua và khả năng tiêu thụ hàng hóa của Công ty.
Môi trường tự nhiên được dự đoán trong các năm tới là khắc nhiệt và có nhiều biến động hơn như sự nóng lên của trái đất, lũ lụt và động đất… như vụ động đất gần đây tại Trung Quốc làm thiệt hại cho nền kinh tế thế giới nói chung và ảnh hưởng phần nào đến thị trường các nước mà Công ty đang kinh doanh. Làm tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Do đó khi tiến hành hoạt động kinh doanh Công ty Cổ phần Da Giầy xuất khẩu Hà Nội cũng phải tính đến những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên.
Môi trường văn hóa – xã hội: Yếu tố văn hóa xã hội có ý nghĩa quyết định đến nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu như người Nhật có size nhỏ thì người Mỹ dùng size lớn hơn, người Mỹ ưa chuộng giầy da cao cấp thì người Nhật không yêu cầu cao lắm về chất lượng sản phẩm họ là những người dễ tính hơn. Khi đàm phán người Mỹ coi trọng sự thẳng thắn đi thẳng vào vấn đề, còn người Nhật thì luôn coi trọng sự tinh tế và họ rất điềm tĩnh… sự khác biệt về văn hóa tập quán của mỗi nước, mỗi vùng là khác nhau. Vì vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách sản phẩm của Công ty, đòi hỏi Công ty phải nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, thiết lập chính sách sản phẩm đa dạng và có các chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp.
Sự tác động của môi trường kinh doanh bên ngoài luôn là yếu tố khách quan, khó lường trước, nó có thể mang lại cho Công ty những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Đặt ra cho các nhà quản trị những vấn đề cần giải quyết, mang lại cho Công ty nhận thức. Từ đó đưa ra cách thức cho Công ty thích nghi được với môi trường nắm bắt mọi cơ hội và né tránh các nguy cơ có thể xảy ra.
Môi trường đặc thù
Người cung cấp: Cung ứng cho Công ty các yếu tố đầu vào để quá trình sản xuất được tiến hành liên tục. Hiện nay Công ty Cổ phần Da Giầy xuất khẩu Hà Nội dùng một số nguyên liệu trong nước như vải, cao su, một số loại da của Công ty Dệt Kim Hà Nội, Công ty Dệt 19/5. Hóa chất, da cao cấp thì nhập ngoại từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài đôi khi cũng gây cho Công ty rất nhiều khó khăn khi tỷ giá không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao theo giá xăng dầu…
Ý thức được tầm quan trọng của hoạt động đảm bảo các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, Công ty luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bạn hàng cung cấp thường xuyên ổn định, bên cạnh đó Công ty đang thực hiện một số biện pháp như sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm chi phí của việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Khách hàng: Là người đang và sẽ mua hàng của Công ty đây là yếu tố quyết định cho sự thành bại của Công ty. Trước kia thị trường tiêu thụ chính của Công ty là thị trường nội địa, thị trường Đông Nam Á, một số nước khác như Đức, Anh, Mĩ…Ngoài ra Công ty còn nhận gia công dệt may của một số đối tác EU. Nhưng hiện nay Công ty đang tập trung vào thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ. Đây là hai thị trường có tiềm năng lớn, có nền kinh tế phát triển nhất thế giới do đó việc phát triển tại hai thị trường này là rất có tiềm năng. Tuy nhiên, các đòi hỏi của họ khắt khe hơn hẳn các thị trường khác. Nhu cầu trong lĩnh vực da giầy lại rất khác nhau đối với từng đối tượng khách hàng, họ không chỉ đòi hỏi sản phẩm phải có đầy đủ các tính năng, chất lượng cao mà còn phải sang trọng, đôi khi chỉ yêu cầu tiện lợi và bền. Chính vì vậy chính sách đa dạng hóa sản phẩm, phân đoạn thị trường là vô cùng cần thiết đòi hỏi Công ty không ngừng nghiên cứu và mở rộng.
Đối thủ cạnh tranh: Bao gồm các Công ty đang có mặt trên thị trường da giầy, các đối thủ tiềm ẩn như các Công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thay thế. Những đối thủ của Công ty hiện nay như Công ty da giầy Hà Nội, Công ty da giầy Thượng Đình, các hãng cung cấp da giầy nước ngoài (Adidas,Reebok, Nike…) hay Công ty Biti’s, đặc biệt là mặt hàng da giầy của Trung Quốc với giá rẻ rất phổ biến trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới. Khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, cùng với các Công ty khác, Công ty Cổ phần Da Giầy xuất khẩu Hà Nội sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng bên cạnh đó thì cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều.
Để tồn tại Công ty phải tìm cách để nắm bắt và phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của từng đối thủ. Biết tận dụng thế mạnh của Công ty mình, không ngừng nâng cao đổi mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng có như vậy thì Công ty mới tồn tại và phát triển được.