Đặc điểm kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Việc làm và chính sách tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay (Trang 39 - 42)

8. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Đặc điểm kinh tế xã hội

Ở Hải Dương hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính đóng góp vào nền kinh tế và ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh. Kinh tế nông nghiệp và nông thôn có bước chuyển biến khá mạnh nhờ chú trọng các biện pháp thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Hiện có gần 20% diện tích đất nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/ ha trở lên, 208 trong số 513 cơ sở sản xuất cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn... có quy mô trang trại được cấp giấy chứng nhận. Từ năm 1995 đến 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo giá so sánh đã tăng từ 2160 tỷ đồng lên 3650 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2001-2004 tăng trung bình 5,53%/năm. Cơ cấu ngành trồng trọt giảm được 5,54%, ngành chăn nuôi tăng thêm 4,4% và ngành dịch vụ nông nghiệp tăng 1,2% so với năm 1995.

Những năm gần đây, công nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chính đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh. GDP ngành công nghiệp -xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân giai đoạn 1996-2000 đạt 10,6%, giai đoạn 2001-2004 đạt 14,79%; trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến (16,4% và 15,36%); công nghiệp sản xuất điện nước (16,4% và 15,65%); công nghiệp khai khoáng (36,2% và 8,99%). Dự kiến 2001-2005 tăng trưởng toàn ngành công nghiệp - xây dựng đạt 14,5%. Năm 2004 tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 10810,5% tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, tạo môi trường, địa điểm và hạ tầng cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 khu công nghiệp được phê duyệt với tổng diện tích 642,785ha, có 9 cụm công nghiệp với diện tích 504,97ha đã được tỉnh phê duyệt, hiện đã thu hút 102 dự án

với tổng diện tích cho thuê là 141,74ha và số vốn đăng ký là 1797 tỷ đồng, sử dụng được 22.896 lao động.

Các ngành dịch vụ đã có bước phát triển và chuyển dịch khá tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng GDP các ngành dịch vụ bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2000 là 12,4%/năm, giai đoạn 2001-2004 là 10,79%/năm. Năm 2004 giá trị tăng thêm (GDP) của ngành dịch vụ đạt 2109 tỷ đồng, gấp 2,69 lần so với năm 1995. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như thương mại, đảm bảo lưu thông hàng hóa và vật tư cho sản xuất. Ngành du lịch hoạt động kinh doanh ổn định và có doanh thu cao hơn các năm trước, giai đoạn 2001-2004 tốc độ doanh thu bình quân 18,6%/năm.

Lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của tỉnh bao gồm tất cả các thành phần kinh tế, trong đó lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, trên 50%, trong đó 10% có trình độ đại học và 70% có trình độ trung và sơ cấp. Tuy vậy, Hải Dương vẫn chưa có được một đội ngũ doanh nhân giỏi, tinh thông nghiệp vụ kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và xuất nhập khẩu theo yêu cầu ngày càng cao.

Thu ngân sách những năm qua liên tục tăng. Năm 2004 có số doanh thu cao nhất từ trước tới nay, đạt 1855,87 tỷ đồng, tăng 63,4% so với năm 2003, trong đó thu nội địa tăng 61% so với năm 2003.

Vận tải hành khách, hàng hóa những năm qua phát triển nhiều nhờ hệ thống giao thông được cải thiện, các phương tiện vận tải được nâng cấp. Năm 2004 doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách đạt 339,3 tỷ đồng, trong đó vận tải đường bộ chiếm 78,3%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất hoạt động dịch vụ vận tải giai đoạn 1999-2004 là 17,5%.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng cao. Năm 2001, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng kết quả này. Công tác đào tạo

nguồn nhân lực chuyển biến tích cực. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường học được coi trọng. Toàn tỉnh có trên 70% số phòng học được kiên cố hoá.

Những năm gần đây, mạng lưới y tế đã được củng cố, phát triển tốt cả về cán bộ, cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ. Hiện tại 100% số xã, phường có trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh các loại bệnh thông thường, trong đó có 78% số xã có bác sỹ và 42 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho các bệnh viện, trạm y tế đã được tăng cường: 75% cơ sở bệnh viện tỉnh, 41,5% tuyến bệnh viện huyện và 74,1% số trạm y tế xã, phường đã được xây dựng kiên cố, cao tầng.

Nhờ tăng trưởng kinh tế tương đối khá, vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tốt, giải quyết việc làm cho người lao động được lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chương trình phát triển nông thôn, chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất. Giai đoạn 2000-2003 toàn tỉnh giải quyết được việc làm cho 76,5 nghìn lao động, năm 2004 giải quyết việc làm mới cho 26,150 nghìn lao động, tăng 4,650 nghìn lao động (trong đó có 3.256 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài). Tỷ lệ thất nghiệp thành thị năm 2003 là 5,59% và năm 2004 là 5,69%; tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 80%. Hàng năm tỉnh đã đầu tư một lượng kinh phí lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo việc làm, dạy nghề, truyền nghề cho lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tóm lại, từ những đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội trên cho thấy: Hải Dương là một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có hệ thống giao thông thủy lợi thuận tiện, diện tích canh tác đất đai màu mỡ, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục, y tế phát triển. Đó là những nguồn lực cơ bản, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn như dân số đông, mật độ dân số cao, trên 80% lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, đại bộ phận chưa được đào tạo nghề. Các yếu tố

này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến việc chuyển dịch cơ cấu việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động ở các vùng nông thôn.

Một phần của tài liệu Việc làm và chính sách tạo việc làm ở Hải Dương hiện nay (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w