GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
3.2.5 Nâng cao vai trò của NHNN trên VINAFORE
Với vai trò là NHTW, Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với tư cách vừa là thành viên vừa là người tổ chức quản lý điều hành hoạt động của thị trường này. Do Vinaforex còn sơ khai, có độ thanh khoản thấp, tỷ giá kém linh hoạt và chưa thực sự trở thành công cụ điều tiết cung cầu ngoại tệ, cho nên sự can thiệp của NHNN trên thị trường ngoại hối đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cung cầu ngoại tệ, nhằm bôi
trơn và giúp cho thị trường ngoại hối hoạt động được thông suốt. Ngoài chức năng tổ chức và quản lý hoạt động thị trường NHNN còn thực hiện chức năng người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế, do dự trữ ngoại tệ của NHNN mỏng không ổn định lại qua nhiều tầng nấc quản lý, do đó NHNN chưa thể làm tốt vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nên tình trạng căng thẳng về ngoại tệ thường xảy ra. Một thực tế là, các NHTM cổ phần thường trông chờ vào các NHTM Nhà nước đến lượt mình các NHTM Nhà nước lại trông vào NHNN tung ngoại tệ ra để can thiệp thị trường. Nhưng không phải mọi sự trông đợi đều trở thành hiện thực. Bên cạnh cơ chế tỷ giá cứng nhắc cùng với sự can thiệp của NHNN trên thị trường còn hạn chế cho nên chưa khuyến khích được các NHTM đẩy nhanh tốc độ luân chuyển ngoại tệ, tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ đối với các NHTM cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đề NHNN thực hiện tốt vai trò trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng cần có một số giải pháp sau:
- Hướng tới một tỷ giá thị trường cân bằng, nhằm biến tỷ giá thành công cụ chủ yếu và hữu hiệu trong việc điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối.
- Tăng cường dự trữ ngoại tệ vào NHNN, đảm bảo mức dự trữ cần thiết tối thiểu (12 - 13 tuần nhập khẩu), nhằm tạo đủ nguồn để NHNN can thiệp kịp thời đủ liều lượng thông qua các biện pháp thị trường, giúp cho hoạt động của thị trường ngoại hối được ổn định và thông suốt.
- Tập trung dự trữ ngoại hối Nhà nước về một đầu mối là NHNN.
Theo Quy định tại khoản 2 và 5 điều 38 mục 5 Luật Ngân hàng Nhà nước cũng như tại Điều 1 của Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 1999 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thì NHNN là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tuy
nhiên, trong thực tế số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu thô của Nhà nước chưa tập trung vào ngân hàng Nhà nước mà vẫn do Bộ Tài chính quản lý và sử dụng. Việc sử dụng số ngoại tệ này hiện chưa linh hoạt do đầu tư của Bộ tài chính (cụ thể là Kho bạc) hiện còn hạn chế, nên một lượng ngoại tệ đáng kể trong tay Bộ Tài chính vẫn nằm im, chưa tập trung vào NHNN để cân đối với nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Một nghịch lý khó có thể chấp nhận nhưng đã và đang tồn tại là: Nguồn ngoại tệ thu từ xuất khẩu dầu thô tập trung vào Bộ Tài chính, trong khi đó hệ thống Ngân hàng lại phải chi ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu cho nền kinh tế. Điều này làm cho ngoại tệ bị phân tán, dự trữ ngoại hối Nhà nước tại NHNN mỏng, khiến cho NHNN không đủ lực để can thiệp thị trường. Vấn đề đặt ra là: Phải chăng Bộ tài chính cũng thực hiện găm giữ ngoại tệ nhằm mục đích đầu cơ kiếm lãi khi tỷ giá tăng? Có thể thấy rằng, trong điều kiện khan hiếm ngoại tệ và tỷ giá luôn chịu áp lực tăng, thì việc Bộ Tài chính găm giữ ngoại tệ có thể đưa lại sự thuận lợi trong chi tiêu bằng ngoại tệ cũng như tăng nguồn thu bằng VND cho Ngân sách Nhà nước, nhưng xét về nền kinh tế như một tổng thể thì đó vẫn chỉ mang tính chất lợi ích cục bộ mà chưa mang tính cộng đồng.
Qua phân tích trên thấy rằng cần có sự phối hợp điều chỉnh lại việc triển khai cơ chế mua bán các khoản thu, chi bằng ngoại tệ của NSNN theo hướng tập trung quản lý ngoại tệ vào một đầu mối là NHNN tạo điều kiện cho NHNN thực hiện tốt chức năng quản lý và điều hành thị trường ngoại tệ, có điều kiện tăng lượng dự trữ ngoại tệ Nhà nước nâng cao khả năng can thiệp vào thị trường khi cần thiết, còn Bộ tài chính chỉ kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN đúng như quy định tại Điều 19 của Nghị định 86/1999/NĐ- CP ngày 30 tháng 8 năm 1999 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Theo đó, khi có phát sinh các khoản thu NSNN bằng ngoại tệ thì Bộ Tài chính bán lại toàn bộ số ngoại tệ đó cho NHNN. Khi có nhu cầu chi NSNN bằng ngoại tệ. Bộ Tài chính sẽ mua từ NHNN và NHNN có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ và kịp thời lượng ngoại tệ cho NSNN. Có như vậy,
mới tăng được năng lực dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo điều kiện cho NHNN sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ một cách linh hoạt và hiệu quả, đồng thời có như vậy NHNN mới thực sự đóng vai trò là người mua bán cuối cùng để cân bằng thị trường ngoại hối.
- Hoạt động can thiệp của NHNN trên thị trường ngoại hối chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng với hoạt động của NHNN trên thị trường mở nhằm triệt tiêu hiệu ứng phụ nảy sinh. Cơ chế phối hợp giữa hai thị trường có thể mô tả như sau: Khi NHNN can thiệp trên thị trường ngoại hối bằng cách bán ngoại tệ ra, nghĩa là đồng thời NHNN đã hút bớt một lượng nội tệ từ lưu thông; để tránh hiện tượng thiểu phát buộc NHNN phải sử dụng thêm một nghiệp vụ trên thị trường mở là mua chứng khoán vào để bơm thêm tiền vào lưu thông. Ngược lại, khi NHNN mua ngoại tệ, nghĩa là đồng thời NHNN đã bơm thêm nội tệ vào lưu thông. Để tránh hiện tượng lạm phát buộc NHNN phải sử dụng thêm một nghiệp vụ trên thị trường mở là bán chứng khoán ra để hút bớt tiền từ lưu thông.
Tuy nhiên, do thị trường tiền tệ Việt Nam còn kém phát triển đặc biệt là sự nghèo nàn về công cụ, do đó hoạt động của thị trường còn trầm lắng. Chính vì vậy, để can thiệp của NHNN trên thị trường ngoại hối đạt được hiệu quả thì cần có hệ thống giải pháp hoàn thiện thị trường tiền tệ để NHNN có thể can thiệp khi cần bơm thêm hoặc hút bớt tiền ra khỏi lưu thông, giảm áp lực lên lạm phát khi cung cầu ngoại tệ căng thẳng.