GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ
3.2.1 Mô hình công nghiệp hoá bền vững hướng tới hội nhập
Mô hình công nghiệp hoá hướng tới xuất khẩu ra đời và được các nước nhỏ như Hàn Quốc, Thái Lan, … áp dụng đã đem lại thành công rực rỡ trong hơn 30 năm qua. Mô hình này dựa trên phương châm: các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách tận dụng các nguồn lực của các nước đi trước, trước hết là thị trường vốn và công nghệ. Tuy nhiên sự quá coi trọng các nguồn lực bên ngoài đã đem lại hậu quả là sự yếu kém, mất cân đối ở bên trong các quốc gia tạo ra sự sụp đổ nhanh chóng khi có sự biến động bất ngờ của các nguồn lực, môi trường bên ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 diễn ra ở Châu Á là một minh chứng. Qua đó đã đưa ra cơ hội để hoàn thiện mô hình tăng trưởng thần kỳ Đông Á.
Mô hình công nghiệp hoá bền vững hướng tới hội nhập là sự bổ sung cho mô hình Đông Á thông qua sự kết hợp giữa hướng ngoại và hướng nội.
Về cơ cấu, mô hình này thực hiện công nghiệp hoá theo hai giai đoạn là
công nghiệp hoá khai thác thế mạnh truyền thống, tiếp thu nguồn lực, tích luỹ và nâng cao nội lực, sức cạnh tranh bản thân và hiện đại hoá tham gia hội nhập trong khu vực thế giới và phát huy vai trò nhân tố phát triển.
Mô hình thực hiện một cơ cấu công nghiệp hợp lý dựa trên nguyên tắc hiệu quả và thị trường quyết định. Cơ cấu này có đặc điểm: là cơ cấu công nghiệp linh hoạt, mềm dẻo có thể phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế đồng thời có thể tận dụng triệt để các cơ hội tiến triển và tiếp thu được tinh hoa công nghệ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cơ cấu công nghiệp này vẫn có tính hướng ngoại, tức là vẫn chú trọng tới việc thu hút và tận dụng các nguồn lực bên ngoài.
Về thể chế, mô hình rất coi trọng vai trò của đất nước trong việc tạo
dựng các môi trường hợp lý và can thiệp vào các quá trình phát triển. Thông qua cơ chế mở và tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ tài chính và lao động có thể tận dụng được các nguồn lực bên ngoài một các hữu hiệu. Tuy nhiên để có được điều đó phải có sự tham gia quản lý của Nhà nước trong việc thực hiện các cân đối lớn trong nền kinh tế.
Theo mô hình này, Nhà nước và tư nhân nên gắn bó với nhau và tạo
điều kiện cho nhau phát triển. Nếu Nhà nước và tư nhân đều mạnh và gắn bó với nhau thì công nghiệp hoá sẽ rất nhanh chóng. Nhà nước luôn tìm cách tạo khả năng cho các đơn vị kinh tế tư nhân trong nước và tư bản nước ngoài lựa chọn các lĩnh vực và hình thức hoạt động. Thành phần kinh tế Nhà nước đảm nhận những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân ít quan tâm nhất hoặc chưa thể cáng đáng nổi. Khi mà kinh tế tư nhân đủ mạnh để cáng đáng các lĩnh vực này thì Chính phủ nên nhường lại cho họ và bắt tay vào các lĩnh vực khác khó khăn hơn.
Quá trình xây dựng thể chế theo hướng hội nhập, từng bước tự do hoá phải được đặt trong một kế hoạch tổng thể thông qua việc thực hiện các cam kết với các tổ chức khu vực và thế giới (AFTA, APEC, WTO).
Về động lực phát triển, các nước đang phát triển muốn đạt được trình
độ cạnh tranh quốc tế cần đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua kế hoạch phát triển dân số, phát triển giáo dục và thực hiện các chính sách phân phối, sử dụng lao động hợp lý có ưu đãi.
Thành phần kinh tế tư nhân được xem là thành phần cho động lực phát triển. Tư nhân là lực lượng hùng hậu nhất trong nền kinh tế thị trường, là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Cần khuyến khích và hỗ trợ tư nhân phát triển, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm cho người lao động, tăng cường các mối liên kết công nghiệp, thâm nhập thị trường và tăng giá trị xuất khẩu.
Mô hình công nghiệp hoá bền vững hướng tới hội nhập là một mô hình phát triển toàn diện dựa trên cơ sở nâng cao nội lực nền kinh tế để có đủ khả năng thu hút, hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Mô hình đồng thời thực hiện nền kinh tế mở, hội nhập khu vực và thế giới để tạo môi trường thuận lợi cho thị trường đầu vào và thị trường đầu ra cho quá trình phát triển. Mỗi quốc gia trở thành nhân tố tác động qua lại trong môi trường quốc tế chung dưới những thể chế chung nhất định để đảm bảo sự thịnh vượng chung cho các quốc gia và khu vực.