Đối với nhà nước.

Một phần của tài liệu Vận tải hành khách công cộng trong việc phát triển đô thị (Trang 52 - 55)

- Ba là, phát triển loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt phải dựa vào khả năng tài chính cũng như cơ sở hạ tầng của thành phố.

3.3.2. Đối với nhà nước.

Chính quyền thành phố cần bổ sung quy chế hoạt động của cơ quan quản lý và điều hành mạng lưới xe buýt cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, vì quy chế ban hành từ năm 1998 đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp. Đồng thời, tiếp tục đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, về công nghệ quản lý, về trang thiết bị điều hành để tạo điều kiện cho cơ quan này phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt hướng đến công nghiệp hoá – hiện đại hoá.

- Cần sớm sửa chữa, cải tạo nâng cấp các tuyến đường bộ hiện có, phát triển các đường giao thông vành đai đan xen các đường giao thông xuyên tâm nhằm nối kết các khu vực trọng điểm trong thành phố, tạo thành một hệ thống đường bộ liên hoàn nối các trung tâm của thành phố với nhau; cải tạo lại các nút giao thông một cách hợp lý. Vì đây chính là điều kiện tiền đề để thực hiện giải pháp điều chỉnh và mở mới các tuyến xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại.

- Thực hiện chính sách ưu đãi đối với các đơn vị xe buýt không phải là doanh nghiệp nhà nước trong việc vay vốn để đầu tư xe buýt mới, phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất ưu đãi sẽ do nhà nước trả. Thời gian ưu đãi lãi suất vay khoảng 10 năm để đơn vị xe buýt có điều kiện hoàn trả được vốn vay.

- Cho phép thành lập “Quỹ hỗ trợ và phát triển vận tải hành khách công cộng” tại thành phố Hồ Chí Minh để chủ động một phần kinh phí cho hoạt động

của xe buýt, đặc biệt là trợ giá vé tháng cho đối các tượng học sinh, sinh viên, công nhân viên để khuyến khích việc đi lại bằng xe buýt. Nguồn thu của quỹ này được hình thành từ các khoản thu phí đậu xe ô tô trên đường phố, phí hạn chế xe hai bánh và ô tô cá nhân mà nhiều nước đã thực hiện, tiền cho thuê mặt bằng để quảng cáo trên trạm dừng và nhà chờ xe buýt.

- Sớm ban hành các quy định của chính phủ về khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt và hạn chế mức tăng phương tiện cá nhân. Cụ thể là chính phủ cần ban hành quy định về việc hạn chế nhập khẩu xe cá nhân, kể cả xe gắn máy và ô tô con; khống chế số lượng xe cá nhân lắp ráp trong nước và hạn chế dần việc sử dụng xe gắn máy trong giờ cao điểm trên các hành lang tuyến trục bị ách tắc giao thông. Thực hiện từng bước quyền ưu tiên của xe buýt, chỉ cho phép xe gắn máy, ô tô cá nhân hoạt động ngoài làn xe buýt trong giờ cao điểm trên các tuyến đường thường bị ách tắc giao thông.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cần nghiên cứu để tiếp tục cấm hẳn thêm một số tuyến đường phố có lưu lượng giao thông cao mà xe buýt đã hoạt động ổn định, không cho xe thô sơ hoạt động chở khách. Đối với các chợ ở sâu trong nội thành chỉ cho phép xe bagác, xe lam, xe ô tô tải hoạt động ngoài giờ cao điểm. Đồng thời thực hiện phân luồng giao thông tại các giao lộ nhằm làm giảm các điểm ùn tắc giao thông.

Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, đảm bảo được hành trình và tốc độ chạy xe cũng là đòi hỏi hàng đầu của người đi xe buýt.

KẾT LUẬN.

Nhiều năm trước đây, vận tải hành khách bằng xe buýt tại các đô thị của nước ta nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa được nhà nước quan tâm đúng mức, nên khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố ngày càng sụt giảm. Nhu cầu đi lại trong thành phố ngày càng tăng mà phương tiện vận tải công cộng không đáp ứng được, nên người dân phải tự giải quyết bằng cách sắm phương tiện vận tải cá nhân. Hậu quả là tình trạng ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông gia tăng.

Trước tình hình này, Chính phủ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã có các văn bản chỉ đạo về việc phát triển vận tải hành khách công cộng mà loại hình cơ bản là vận tải hành khách bằng xe buýt. Cụ thể là :

- Chỉ thị số 236/TTg ngày 11/4/1997 của Thủ tướng chính phủ về việc tổ chức vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn.

- Thông báo số 219/TB-VP ngày 10/12/2001 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch củng cố hoạt động các tuyến xe buýt.

- Công văn số 1458/UB-ĐT ngày 06/5/2002 về việc triển khai kế hoạch thể nghiệm nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Thông báo số 160/TB-VP ngày 14/5/2003 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về một số công việc cần thực hiện nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Ngành Giao thông Công chánh thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố hoạt động của loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt, vốn rất yếu kém và chỉ đáp ứng chưa đến 2% nhu cầu đi lại của người dân thành phố hàng năm. Tuy chất lượng hoạt động của mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố bước đầu được nâng lên, qua việc đưa vào hoạt động 65 tuyến xe buýt thể nghiệm với giá vé đồng hạng là 2.000 đồng/hành khách/lượt và thay thế một số xe buýt mới đúng tiêu

chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải, nên số người sử dụng xe buýt để đi lại bắt đầu tăng lên. Nhưng nhìn chung, đây mới chỉ là giải pháp cấp bách để lấy lại niềm tin của người dân và góp phần giảm bớt ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Trong những năm tới, cần phải phát triển loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh về dân cư và kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh, bằng nhiều giải pháp đồng bộ với sự quan tâm đặc biệt của nhà nước. Khi dịch vụ xe buýt trở nên thuận tiện và hấp dẫn, người dân thành phố sẽ hình thành thói quen đi lại bằng xe buýt như người dân tại nhiều đô thị khác trên thế giới. Lúc ấy, đối với các doanh nghiệp xe buýt sẽ có doanh thu bù đắp được chi phí và tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt không còn là gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Về mặt kinh tế – xã hội, lợi ích do mạng lưới xe buýt mang lại sẽ rất lớn. Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu phát triển Giao thông Vận tải phía Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), giả định rằng tới năm 2010 vận tải xe buýt đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân, các lợi ích có thể được lượng hoá như sau :

- Số giờ nhân công tiết kiệm trong một năm khoảng 11,935 triệu ngày công, tương ứng 32,551 tỷ đồng.

- Chi phí liên quan đến tai nạn giao thông giảm khoảng 3,818 tỷ đồng. - Chi phí chung của xã hội cho việc đi lại hàng ngày trong thành phố giảm khoảng 6865,6 tỷ đồng.

- Giảm ô nhiễm môi trường khoảng 300 tấn khí thải và khói bụi độc hại. Với mong muốn đó, trong khuôn khổ của đề tài luận văn, chúng tôi đề nghị một số giải pháp tiêu biểu để góp phần phát triển loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với những chính sách ưu đãi của nhà nước, chắc chắn sẽ làm cho hiệu quả của loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt ngày càng tăng lên.

Một phần của tài liệu Vận tải hành khách công cộng trong việc phát triển đô thị (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)