Đối phó với sức ép toàn cầu: bài học từ Inđônêxia?

Một phần của tài liệu Lao Động và Tiếp Cận Việc Làm (Trang 81 - 84)

2. VIỄN CẢNH KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU VỀ PHÁT TRIỂN, LAO ĐỘNG, VÀ ĐÔ THỊ HOÁ

2.3.3. Đối phó với sức ép toàn cầu: bài học từ Inđônêxia?

Nếu xuất khẩu dựa nhiều vào lao động là “không cố định về vị trí địa lý” và xuất khẩu tài nguyên là không ổn định, những điều kiện để một nền kinh tế toàn cầu hóa thành công, hoặc ít nhất đảm bảo chỗ đứng, trong phân khúc linh kiện và phụ tùng, phân khúc đang phát triển nhanh nhất của thương mại châu Á (và toàn cầu) là gì? Rõ ràng kỹ năng và tính linh hoạt của lực lượng lao động là cốt yếu đối với sự khỏe mạnh của một ngành trong đó các quy trình sản xuất được

chuyên môn hóa cao và công nghệ có thể thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác cũng có tác động.

Trong bài viết này, chúng tôi đã từng đưa ra chú ý rằng xét phương pháp HDI rộng về phúc lợi xã hội, có thể trực tiếp và đồng thời so sánh Việt Nam với một nền kinh tế châu Á là Inđônêxia. Xét các mặt khác, Inđônêxia và Việt Nam cũng giống nhau: cả hai đều là nước thu nhập thấp, dư thừa lao động với lực lượng lao động có tay nghề tương đối thấp, có tài nguyên thiên nhiên đáng kể về dầu mỏ, khí đốt và đất nông nghiệp phù hợp cho trồng trọt hướng xuất khẩu, và khu vực chế tạo hướng xuất khẩu dựa nhiều vào lao động. Cả hai đã đạt được những thành công đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, nhưng đều còn xa mới thực sự thoát khỏi nghèo đói và hưởng tăng trưởng bền vững trong năng suất lao động và tiền lương. Inđônêxia có thể cung cấp cho Việt Nam câu chuyện cảnh báo về thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm linh kiện và phụ tùng: khác với hai nước láng giềng là Thái Lan và Malaixia, Inđônêxia đã không thành công trong việc xâm nhập vào thị trường này, và phải đối mặt với nguy cơ bị đứng ngoài thị trường trong dài hạn.

Trong các nền kinh tế đang phát triển châu Á, Inđônêxia đã bị tụt hậu về đầu tư liên kết chặt chẽ với tăng trưởng năng suất và xúc tiến tiến bộ công nghệ. Chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Inđônêxia phản ánh sự mâu thuẫn không nhỏ trong toàn bộ chiến lược phát triển, ban đầu chỉ khuyến khích FDI vào các ngành kinh tế chi phối bởi các doanh nghiệp quốc doanh như năng lượng, khai thác mỏ, và các ngành chế tạo thay thế nhập khẩu. Các chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư trong những năm 80 và đầu những năm 90 rất quan trọng, nhưng trong suốt thời kỳ đổi mới (những năm 90), các tiêu chí đối với đổi mới chính sách đầu tư có vẻ bắt nguồn từ các chương trình chính trị trong nước ít nhất không thua gì từ việc tìm kiếm hiệu quả và tăng trưởng kinh tế. Có lẽ đây là lý do mà các số liệu về tăng trưởng năng xuất tổng hợp của toàn bộ các yếu tố sản xuất (TFP) trong những năm then chốt 1975-95 là đáng kể về giá trị tuyệt đối, nhưng không đáng kể về tương đối với các đối tác và đối thủ cạnh tranh thương mại trong khu vực: “Khu vực chế tạo của Inđônêxia đang chậm rãi leo trên bậc thang công nghệ. Tuy nhiên, các cấp độ toàn cầu của TFP cũng đã tăng lên qua các thập kỷ gần đây. Do đó, nhìn từ góc độ quốc tế, Inđônêxia giống như là vẫn giẫm chân tại chỗ trong cầu thang toàn cầu” (Timmer 1999: 93).

Tăng trưởng TFP tương đối thấp có thể được hiểu trong bối cảnh giai đoạn này Inđônêxia biến đổi từ một nền kinh tế cực kỳ nghèo, chủ yếu là nông thôn và ruộng đất trở thành nước đứng trong hàng ngũ các nước thu nhập trung bình thấp, một sự biến đổi to lớn mà ban đầu dựa vào khai thác những tài nguyên phong phú của nước này, và từ nửa cuối những năm 80, ngày càng dựa nhiều hơn vào lao động không có tay nghề trong chế tạo hướng xuất khẩu.

Giống như phần lớn các nền kinh tế có thu nhập trung bình khác (trừ Trung Quốc), tốc độ tăng xuất khẩu các sản phẩm đòi hỏi tay nghề trong tổng giá trị xuất khẩu của Inđônêxia giảm đi. Trong những năm 90, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được xếp vào mục “công nghệ cao” của Inđônêxia trong Các chỉ báo phát triển thế giới tăng từ mức không đáng kể lên hơn 16% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng chế tạo - và phần lớn trong số này trong thực tế là lắp ráp mạch tích hợp và hàng điện tử tiêu dùng thâm dụng lao động. Tỷ trọng này sau đó giảm mạnh. Đáng lo ngại hơn là, từ năm 2000, đóng góp của Inđônêxia vào giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tạo thâm dụng lao động toàn cầu, và đóng góp của những sản phẩm này vào kim ngạch xuất khẩu và việc làm của nước này cũng sụt giảm (Coxhead và Li 2008). Inđônêxia hiện đang phải đối mặt với nguy cơ mất đi những sản phẩm chế tạo “có giá trị gia tăng thấp” vào tay những đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn như Băng-la-đét, mà không có cơ hội tiến tới sản xuất các mặt hàng xuất khẩu “có giá trị gia tăng cao” mà vốn đã thành công tại Thái Lan và Malaixia. Điều này gây ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với việc tăng việc làm, tăng trưởng nói chung, chuyển đổi ngành, tăng năng suất lao động và thu nhập trong nước trên cơ sở tay nghề. Trước viễn cảnh này, những người Inđônêxia được đào tạo tốt nhất có thể dễ quyết định di chuyển ra nước ngoài hơn là đối mặt với thu nhập thấp và không ổn định trong nước, dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám và làm giảm khả năng thu hồi vốn đầu tư công vào đào tạo của xã hội. Mặc dù có những khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và Inđônêxia, chúng tôi tin tưởng có những điểm tương đồng đủ mạnh để các nhà hoạch chính sách của Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Inđônêxia về các cách thức mà nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng, và có thể gây thiệt hại tới triển vọng tăng trưởng của một nền kinh tế nhỏ, thu nhập thấp, dư thừa lao động mà thiếu tay nghề.

Một phần của tài liệu Lao Động và Tiếp Cận Việc Làm (Trang 81 - 84)