2. VIỄN CẢNH KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU VỀ PHÁT TRIỂN, LAO ĐỘNG, VÀ ĐÔ THỊ HOÁ
2.3.1. Sự trỗi dậy của “Trung Quốc và Ấn Độ”
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ như là các cường quốc về kinh tế lớn, bắt buộc các quốc gia khác phải “nhảy với những người khổng lồ” (Winters và Yusuf, 2007) đã dẫn tới những thay đổi lớn trong mô hình thương mại và đầu tư tại châu Á. Bằng nhiều cách, sự thay đổi lớn lao trong tổ chức kinh tế quốc tế này đã nhấn mạnh sự bổ sung, thay vì cạnh tranh, giữa các quốc gia. Khi Trung Quốc bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn và mở rộng các ngành chế tạo hướng xuất khẩu dựa nhiều vào lao động, sự lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành nguy cơ lớn đối với việc duy trì tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế đang phát triển châu Á đã lan rộng. Tuy nhiên, hiện giờ đã rõ ràng, đối
với một số nền kinh tế châu Á, sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc đã tạo ra một động lực mới, phản ánh qua sự gia tốc rõ ràng trong thương mại nội châu Á và hội nhập kinh tế khu vực (Athukorala, 2009). Sự tăng trưởng mạnh mẽ và việc mở cửa thương mại của Ấn Độ cho thấy vòng thứ hai đang tới. Quả thực, trong sự suy thoái toàn cầu hiện tại, việc hai nền kinh tế này mau phục hồi và phát triển càng trở thành biểu hiện nổi bật của ảnh hưởng tích cực.
Điểm rõ ràng nhất của sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ là thông qua việc hai nước này hội nhập vào kinh tế toàn cầu, nguồn cung lao động toàn cầu đã tăng thêm vài trăm triệu lao động không có tay nghề. Như dự đoán, sự dịch chuyển to lớn này đã làm tăng năng suất của (và thu nhập vào) dự trữ toàn cầu của tất cả các nhân tố năng suất khác – như là vốn và nguồn nhân lực. Trước khủng hoảng tài chính năm 2008, hai thập kỷ mà lợi nhuận tập đoàn cao chưa từng có trong lịch sử toàn thế giới đã phần nào nói lên hiệu quả này. Tuy nhiên, đối với các nước dư thừa lao động, sự thay đổi này hẳn nhiên ít tích cực hơn. Cạnh tranh toàn cầu trong thị trường các sản phẩm dựa nhiều vào lao động chưa bao giờ gay gắt như thế, và cũng chưa bao giờ lãi ròng trong ngành này lại thấp như vậy. Đây là những điều kiện khác về cơ bản so với những điều kiện mà những nước châu Á toàn cầu hóa sớm hơn phải đổi mặt, ngay cả trong thời kỳ gần đây như đầu những năm 90. Ảnh hưởng là rõ ràng: trong khi Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan đều từng được hưởng hơn một thập kỷ thống trị các thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm như dệt may và giầy dép, sự đóng góp chuyển tiếp của những sản phẩm như vậy tới tăng trưởng kinh tế của các nước như Việt Nam trên thực tế có thể rất ngắn – phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế toàn cầu và những đổi mới chính sách và kinh tế tại những nước thu nhập thấp khác. Điều này đòi hỏi cần có những nỗ lực rất cao nhằm đảm bảo nền kinh tế được chuẩn bị để khắc phục được những thiệt hại của những ngành này mà không gặp “dừng đột ngột”, như Thái Lan và Inđônêxia đã gặp cuối những năm 90.