II Nông – Lâm Ngư nghiệp
1.Nhóm giải pháp từ phía nhà nước
1.4. Cải thiện môi trường đầu tư
Theo báo cáo điều tra đầu tư nước ngoài của Cơ quan bảo đảm đầu tư đa phương thì các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc lựa chon địa điểm đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm khả năng tiếp cận thị trường, sự ổn định chính trị và kinh tế, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và độ tin cậy của cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ích.
Bảng 32: Mười yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư 20
Khả năng tiếp cận khách hàng 77%
Môi trường kinh tế chính trị ổn định 64%
Thuận lợi cho hoạt động kinh doanh 54%
Độ tin cậy về chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ích 50% Khả năng thuê các chuyên gia kỹ thuật 39% Khả năng thuê các chuyên gia quản lý 38%
Mức độ tham nhũng 36%
Chi phí lao động 33%
Tội phạm và an ninh 33%
Khả năng thuê lao động lành nghề 32%
Hệ thống thuế quốc gia 29%
- Về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Cũng trong điều tra này, các nhà đầu tư đã được hỏi về các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, 88% được hỏi đã cho rằng đó là tính minh bạch và công khai, 91% trả lời đó là việc loại bỏ phân biệt và đối xử, 69% là áp dụng đăng ký cấp phép đầu tư và 72% đề cập đến tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những con số này nói lên điều gì? Đó không chỉ đơn thuần là những con số thống kê, mà đó cũng là cách nhìn và cách đánh giá chung của nhà đầu tư về tị trường Việt Nam. Hiện tại, với nỗ lực của chính phủ trong quá trình gia nhập WTO, cơ chế về thu hút đầu tư của Việt Nam cũng trở nên cởi mở và thông thoáng hơn rất nhiều mà biểu hiện cụ thể là dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong vài năm trở lại liên tục gia tăng. Song vấn đề để có một môi trường đầu tư thực sự hoàn thiện thì cần nhiều thời gian hơn nữa. Với việc xóa bỏ hoàn toàn cơ chế hai giá với doanh nghiệp trong và ngoài nước, loại bỏ phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, Việt Nam đã là điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Canada cũng bắt đầu phát triển quan hệ đầu tư với Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề nổi cộm hiện nay mà các nhà đầu tư rất quan tâm lại là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Có thể thấy đây vẫn là yếu điểm của Việt Nam. Đặc
biệt, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu về trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn khá yếu. Điều này đặt ra nhiều thách thức mà Chính phủ cần có quy định cụ thể, thông qua Luật sở hữu trí tuệ và triển khai hệ thống luật này một các hữu hiệu nhất. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là khó khăn với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam cần cố gắng nhiều hơn nữa để giảm tỷ lệ ăn cắp bản quyền và làm hàng giả trên thực tế.
- Về thủ tục đóng thuế hay giải thể doanh nghiệp: Theo một báo cáo mới của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh thì Việt Nam có những cải cách tác động tích cực đến các chỉ số kinh doanh như cấp phép và tuyển dụng, sa thải lao đông. Về cấp phép, Việt Nam đứng thứ 25/175 nước xếp hạng do đã bãi bỏ một số văn bản và giảm thời gian cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn xếp hạng thấp trong ba lĩnh vực: bảo vệ nhà đầu tư, giải thể doanh nghiệp và đóng thuế. Việc giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cơ chế hiện tại cho việc giải quyết các vụ phá sản tại Việt Nam thường khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một trường hợp phá sản tại Việt Nam có thể mất 5 năm mà doanh nghiệp chỉ thu hồi lại được 18% nợ. Vì thế, rất ít doanh nghiệp giải thể theo đúng những quy định và thủ tục chính thức. Về đóng thuế, hiện tại các doanh nghiệp ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tính trung bình, doanh nghiệp mất 1,050 giờ, tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế.
- Nhà nước nên đa dạng hóa hơn nữa các hình thức đầu tư nước ngoài đặc biệt là hình thức mua lại và sáp nhập (Merger & Accquisition- M & A). Đối với các liên doanh có vốn FDI, phần lớn phía đối tác Việt Nam là các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 92%-98% tổng số dự án liên doanh trong đó phần góp vốn chủ yếu bằng quyền sử dụng đất nên tỉ lệ góp vốn không đáng kể dẫn đến hiệu quả chuyển giao giữa các nguồn lực kinh doanh như vốn và công nghệ là không cao. Hình thức mới M & A mới được quy định trong Luật đầu tư 2005 nên còn khá mới mẻ, hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiềm lực tương ứng về vốn công nghệ để có thể triển khai hình thức này. Tuy nhiên, khi đã là thành viên của WTO, nhiều lĩnh vực kinh tế trước đây được bảo hộ mạnh như ô tô, xe máy sẽ được tự do hóa. Việc mở cửa thị trường đã buộc các doanh nghiệp trong nước phải tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tìm hướng liên kết với nước
ngoài. Do đó, nhà nước cần nghiên cứu sâu hơn về hình thức mới này để tạo điều kiện áp dụng sâu rộng tại Việt Nam làm thuận lợi cho sự di chuyển của dòng vốn FDI.
- Bên cạnh đó, cần tích cực xây dựng chiến lược vận động thu hút nguồn vốn từ
các công ty xuyên quốc gia - TNCs (Transnational Corporations) của các quốc gia Bắc
Mỹ. Thu hút các dự án lớn từ các TNCs đem lại rất nhiều lợi ích to lớn về mặt kinh tế – xã hội do công nghệ mà các TNCs nắm giữ và chuyển giao là những công nghệ cao và ít gây ô nhiễm môi trường, khả năng kết nối nền kinh tế của các nước vào mạng lưới sản xuất và thị trường rộng lớn mà TNCs đang có trong tay. Từ đó, Chính phủ Việt Nam cần thiết phải xây dựng chiến lược mang tầm quốc gia về thu hút FDI từ các TNCs bằng cách tìn hiểu nhu cầu trong nước, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào các ngành và lĩnh vực các TNCs có thế mạnh như: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng… Để làm được điều này, cần có những ưu đãi đặc biệt cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan quản lý cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Nhìn một cách tổng thể khi đánh giá về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, có thể thấy tiến bộ tổng thể của Việt Nam trong cải cách môi trường đầu tư vẫn đi sau các quốc gia khác. Ở đây, vai trò vĩ mô của nhà nước và các Bộ, ban ngành một lần nữa lại được đặt ra, đòi hỏi phải có cơ chế hợp lý hơn và những quy định cụ thể để môi trường đầu tư tại Việt Nam lôi cuốn hơn nữa các nhà đầu tư trong giai đoạn từ năm 2007 về sau.
1.5. Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại và đầu tư cấp chính phủ
Tăng cường hệ thống xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại là hoạt động rất quan trọng phục vụ cho thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ giữa Việt Nam với các quốc gia Bắc Mỹ. Nhà nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp đỡ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội và lợi thế do hội nhập kinh tế đem lại, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa Việt Nam trên thị trường Bắc Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hạn chế, sản xuất manh mún. Chính vì thế chính phủ cần hỗ trợ trong việc định
hướng chiến lược cụ thể cho từng ngành hàng, mặt hàng không nên dàn trải và phải phân bổ chi phí hiệu quả hơn. Cũng như vậy, đối với hoạt động đầu tư, để đầu tư hiệu quả kích thích được sự phát triển của từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực, đối tượng thì cũng phải xác định đâu là trọng điểm cần thu hút đầu tư.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập dễ dàng và có chỗ đứng trên thị trường Bắc Mỹ, nhà nước nên tăng cường chỉ đạo các biện pháp xúc tiến thương mại sang các thị trường này thông qua cơ quan Thương mại Việt Nam tại từng nước riêng lẻ. Cơ quan Thương mại phải thường xuyên thông báo về Bộ Thương mại Việt Nam những thông tin cập nhập về thị trường, đối tác, dự án đầu tư để nhà nước có thể nhanh chóng hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước tiến hành hoạt động thương mại hay đầu tư một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể mở rộng hình thức chợ xúc tiến xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực (ngoài nông sản hiện đã có hình thức này, các mặt hàng khác như đồ gỗ gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ cũng nên áp dụng).
Chính phủ Việt Nam cần chú trọng nâng cao phát triển thông tin chuyên ngành và tiếp thị phục vụ xuất khẩu. Điều này thực sự ý nghĩa trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn biết rất ít các thông tin, và thường biết chậm, như thế đã bỏ lỡ rất nhiều các cơ hội kinh doanh. Hơn nữa, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ cung cấp thông tin thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cũng cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc cung cấp thông tin. Trên các Website của các Bộ ngành có liên quan, một điều dễ nhận thấy là khả năng cập nhập thông tin của Việt Nam là vô cùng hạn chế. Những số liệu về thương mại và đầu tư hầu như luôn ở trong tình trạng cũ. Điều này không chỉ hạn chế tầm nhìn và sự truy cập của các đối tác nước ngoài, mà ngay cả trong nước, các doanh nghiệp khi muốn có những thông tin mới nhất để đánh giá hay xây dựng chiến lược cho mình lại gặp phải muôn vàn khó khăn. Trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin là một vũ khí vô cùng hữu hiệu, nên chăng nhà nước có sự lưu tâm đặc biệt tới việc nâng cấp và triển khai hệ thống thương mại điện tử một cách sâu rộng nhất có thể, vì đây là phương tiện xúc tiến thương mại cũng như đầu tư, đồng thời cũng là phương tiện tự quảng bá bản thân hữu hiệu nhất trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.
Trên thực tế có rất nhiều các dự án đầu tư từ các quốc gia Bắc Mỹ nói riêng mà nhiều nước khác nói chung vào Việt Nam còn bỏ ngỏ do các nhà đầu tư vẫn còn thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường Việt Nam. Vì thế, nhà nước ta cần tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, tăng cường vận động trực tiếp các tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án cụ thể. Chúng ta nên có kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về môi trường đầu tư ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương hay tại từng bang cụ thể tại các nước Bắc Mỹ có nhà đầu tư, trên cơ sở có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về danh mục dự án đầu tư.
Hiện tại công tác xúc tiến đầu tư của chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp và quy mô chưa cao, chưa gây được mấy tiếng vang. Một phần là do chúng ta chưa có được một đội ngũ xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp mà hầu như là cán bộ kiêm nhiệm dưới sự phân công của Chính phủ hay các địa phương riêng lẻ. Hơn nữa, quan niệm về xúc tiến đầu tư vẫn còn theo thói quen, trong khi thị trường Bắc Mỹ là thị trường rất phát triển về các hoạt động truyền thông và quan hệ công chúng (Public Relations). Do đó, điều đầu tiên Nhà nước cần làm là xây dựng đội ngũ xúc tiến chuyên nghiệp, là người có trình độ, có uy tín, hiểu biết về văn hóa kinh doanh của các bên. Bên cạnh đó, do hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay còn hạn chế một phần là do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ. Chính phủ cần có quy định về việc thành lập một Quỹ xúc tiến đầu tư để hỗ trợ cho các hoạt động quảng bá đầu tư của các địa phương cũng như cho đội ngũ xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Đối với hoạt động đầu tư của Việt Nam ra thị trường nước ngoài còn hạn chế, nhà nước cũng nên có Quỹ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài nhằm hỗ trợ về tài chính cũng như Bảo hiểm cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
1.6. Có chính sách phát triển nguồn nhân lực
Nâng cao hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước về nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu của nhà nước. Đây là giải pháp có tính chiến lược, lâu dài. Có thể đề cập một số hướng như sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn lao động cơ bản cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng ngân sách nhà nước. Hàng năm, nhà nước cần tăng chỉ tiêu đào tạo bằng ngân sách của mình cho các trường đại học và dạy nghề với các chuyên ngành có liên quan
Thứ hai, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư chi phí và phối hợp với nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Như thế, phải dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đào tạo ở những lĩnh vực mà thị trường đang cần và nhân lực đang thiếu, tránh đào tạo ồ ạt, hoặc nhỏ giọt, quá thừa hay quá thiếu.
Thứ ba, nhà nước cần chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về thương mại và đầu tư cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên của các công ty, tổ chức. Muốn như thế cần có một chính sách bồi dưỡng, dào tao, đào tạo lại và tuyển chọn liên tục. Như thế mới tăng cường khả năng chuyên môn và làm tăng khả năng đóng góp của mỗi cá nhân cho sự phát triển của nước nhà. Có thể kết hợp hữu hiệu với việc cử các chuyên viên có năng lực sang đào tạo tại Hoa Kỳ, Canada hay Mê-hi-cô. Như thế vừa tăng cường khả năng hợp tác song phương, mà còn có thể nâng cao trình độ nhân lực do chúng ta có điều kiện làm việc và tiếp xúc trực tiếp với thực tế tại nước bạn, học hỏi được khoa học công nghệ, tác phong làm việc, tư duy, và cả kỹ năng quản lý từ những quốc gia hàng đầu trên thế giới.