II. Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam
4. Giải pháp về phía người nông dân
Nông dân cũng phải chia sẻ rủi ro với DN, cố gắng bằng mọi cách để làm giảm thiểu tối đa rủi ro. Như là tham gia các lớp khóa học bồi dưỡng về cây trồng và vật nuôi mà mình muốn phát triển, đi tham khảo những kinh nghiệm của những người đã làm giầu bằng cây trông vật nuôi ấy như thế nào. Với sự trợ giúp của các viện nghiên cứu cây trồng và vật nuôi quốc gia, cùng với các giáo sư nông nghiệp và kinh nghiệp của người đi trước, thực sự những người nông dân muốn bắt đầu nuôi trồng một loại cây, một loại vật nuôi nào đấy đều có thể thành công sớm, giảm thiểu rất nhiều những thiệt hại không đáng có.
Tóm lại, để thị trường bảo hiểm nông nghiệp thực sự phát triển được ở Việt Nam thì cần có sự kết hợp từ nhiều phía, sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành của Chính phủ, sự phối hợp thực hiện giữa hiệp hội bảo hiểm, doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của người nông dân. Các bên phải có sự phối hợp chặt chẽ, có định hướng rõ ràng, đưa ra những quy trình kỹ thuật đúng đắn và thích hợp dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm thành công của nước ngoài, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp triển khai rộng rãi và tạo điều kiện cho người nông dân tham gia nhằm giảm thiểu rủi ro. Làm được như vậy thì dịch vụ bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nông nghiệp nói riêng mới thực sự phát triển ở Việt Nam.
Kết luận
Bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn là một khái niệm khá xa vời với nông dân Việt Nam và trên thực tế thì việc triển khai loại hình dịch vụ này còn gặp rất nhiều khó khăn. BHNN là vấn đề nan giải trong quản lý nông nghiệp hiệu quả ở nước ta, thị trường BHNN ở Việt nam vẫn chưa phát triển là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là dịch vụ bảo hiểm chưa đa dạng, chưa thích hợp, còn nhiều áp đặt và thường gây khó khăn cho người tham gia, đặc biệt là vẫn chưa xác định được mục tiêu của BHNN. Để BHNN thực sự phát triển ở Việt Nam thì cần phải có sự kết hợp của nhiều phía, sự hỗ trợ mang tính bền vững, có định hướng của Chính Phủ; sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm và đặc biệt là sự chủ động tham gia tích cực của người nông dân. Qua nghiên cứu cho thấy rất nhiều nước đã rất thành công với loại hình bảo hiểm vi mô – bảo hiểm theo chỉ số, ưu điểm của loại hình bảo hiểm này là tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, giám sát, được thiết kế phù hợp với những người có thu nhập thấp nên tiền phí hàng năm là không cao, hướng đến khách hàng tiềm năng với khung pháp lý phù hợp để triển khai sản phẩm cụ thể: bảo hiểm theo chỉ số hạn hán, lũ lụt, sản lượng...Điểm khác biệt giữa bảo hiểm theo hình thức này và bảo hiểm truyền thống đó là công ty bảo hiểm không dựa vào thiệt hại thực tế mà dựa vào mức phí thu ban đầu cộng với sự thay đổi khách quan của thời tiết để đền bù.
Hiện nay, Bộ No&PTNT Việt Nam đang có đề án trình Chính Phủ về việc thí điểm loại hình bảo hiểm mới này, tuy nhiên bảo hiểm theo chỉ số lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, đây thực sự là khó khăn cho Việt Nam khi áp dụng loại hình dịch vụ này. Trong tương lai gần, Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội bảo hiểm và người nông dân cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể triển khai hiệu quả mô hình này. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, lạm phát càng gia tăng, thì cách hiệu quả nhất để kiềm chế là ổn định nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, lấy nông nghiệp là bản lề trong chính sách tăng trưởng kinh tế, điều này làm cho BHNN là cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. TS. Đào Văn Hùng (2005), “Phát triển bảo hiểm nông nghiệp dựa trên phương pháp chỉ số ở Việt Nam thông qua kết nối với các tổ chức tài chính”, Tạp chí Kinh tế và phát triển (102)
2. Báo cáo đánh giá về Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam 2009
3. Bài tham luận Hội thảo quốc tế: Thị trường Bảo hiểm Việt Nam sau một năm gia nhập WTO với chủ đề:” Bảo hiểm tín dụng nông nghiệp – hướng đi mới trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm phục vụ nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn” của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC)- Tháng 7/2008 Hà Nội
4. Thomas Dufhuesa, Ute Lemkeb and Isabel Fischera (2004), “New ways for rural finance? Livestock insurance schemes in Vietnam”, Conference on International Agricultural Research for Development, Berlin, October 5-7/2004
5. Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (2009), “Bảo hiểm nông nghiệp- Những vấn đề nóng bỏng”
6. Phạm Xuân Hoan, Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính (2009), “ Bảo hiểm nông nghiệp nước ngoài- Kinh nghiệm và một số khuyến nghị cho Việt Nam”
7. Trang web của Tổng cục thống kê
8. Trang web của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn