II. Diễn biến tình hình thị trường bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam
4. Đánh giá các hoạt động trên thị trường bảo hiểm nông nghiệp Việt nam
4.3.5 Chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
Như đã thấy ở trên, BHNN là một loại hình BH có rất nhiều rủi ro, phức tạp nhưng khả năng sinh lời thấp, trong khi đó nhận thức và ý thức của người nông dân còn thấp, dẫn
tới sự khó khăn trong triển khai loại hình BH này. Trên thế giới, BHNN không phải là dịch vụ kinh doanh phát triển, quốc gia nào muốn triển khai cũng có sự tài trợ rất lớn của nhà nước. Ở Mỹ mức hỗ trợ lên đến 50%, Philippines cũng áp dụng hình thức hỗ trợ từ nhà nước. Chính vì vậy cần có một sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với cả DN và người nông dân thông qua các đòn bẩy kinh tế và các chính sách tài chính trong nông nghiệp, nông thôn như chính sách tín dụng, đầu tư, khuyến nông.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm với 60-70% do đó việc hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước ta. Từ trước đến nay, khi có thiên tai, mất mùa, Nhà nước đều phải hỗ trợ một phần thiệt hại cho nông dân. Ngân sách bỏ ra không phải là nhỏ nhưng hiệu quả mang lại thấp do cơ chế quản lý kém. Tuy nhiên, nếu Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình BH sẽ vừa bảo vệ được nông dân, vừa phát huy tính chủ động của họ và giảm được chi phí bao cấp từ ngân sách. Theo đó, các DN BH sẽ đứng ra bán BH, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí BH và tiến hành tuyên truyền vận động mua BH thông qua hệ thống hành chính địa phương. Khi xảy ra tổn thất, Chính phủ sẽ đóng góp một phần hoặc toàn bộ chi phí bồi thường cho phần vượt quá trách nhiệm của DN BH.
Thực ra, không chỉ riêng ở nước ta mà ở nhiều quốc gia khác, BHNN là một nghiệp vụ rất khó khăn. Chính phủ của nhiều nước đã phải can thiệp vào BHNN để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Theo một số chuyên gia, BHNN chỉ có thể thực hiện thành công khi nó trở thành một chính sách của Nhà nước. Các chính sách về BHNN cần gắn với chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn để tạo ra được môi trường pháp lý thuận lợi thu hút các DN BH cũng như khuyến khích người nông dân tham gia BH. Có nhiều mô hình khác để thực thi BH cho nông nghiệp như khuyến khích các mô hình BH tương hỗ, dành độc quyền hay ưu tiên cấp giấy phép cho những DN BH chuyên cung cấp các dịch vụ BHNN, bắt buộc nông dân tham gia một số loại hình BH bắt buộc... Tuy nhiên, trong bất cứ mô hình nào, thì BHNN luôn cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước, như vai trò một nhà BH cuối cùng để bảo vệ người dân trước mọi thảm họa. Ở
Việt Nam, một đất nước nông nghiệp luôn gánh chịu nhiều thảm họa, nông dân rất cần có được những phương thức bảo vệ như BH.
Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước ta vẫn chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động triển khai BHNN. Nông dân và các DN BH vẫn chưa có một cầu nối nào, một cơ chế nào để hỗ trợ, giảm bớt rủi ro. Đó là một trong những khó khăn rất lớn đối với quá trình triển khai BHNN ở nước ta.
Tóm lại, việc thực hiện BHNN ở Việt Nam đã gặp phải những thất bại, tỉ lệ bồi thường rất lớn so với doanh thu, nhiều năm bồi thường vượt cả doanh thu. Sự thất bại trên có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do rủi ro cao của ngành sản xuất nông nghiệp, TT tái BH phát triển chưa mạnh, cơ chế quản lý rủi ro nông nghiệp trong BH còn kém, vấn đề về nhận thức chưa cao của người nông dân về BHNN và thiếu sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của nhà nước ta. Để có thể phát triển được BHNN, các vấn đề trên cần phải được giải quyết trong cả ngắn hạn và dài hạn với các cơ chế quản lý hợp lý, hỗ trợ đúng mức và tuyên truyền cho người nông dân.
Chương III: Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam