1.5.1 Thuận lợi
Thứ nhất, tình hình chính trị của từng nước cũng như khu vực đã đi vào thế ổn định hơn. Trên phạm vi châu lục, các nước châu Phi trước đây từng có mâu thuẫn đã gạt sang một bên những bất đồng, khác biệt để phối hợp, đoàn kết
với nhau. Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế của các nước châu Phi.
Thứ hai, nhờ các chính sách cải cách kinh tế, điều chỉnh cơ cấu, chuyển sang kinh tế thị trường, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, kinh tế các nước châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, môi trường kinh doanh đã từng bước được minh bạch hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Thứ ba, châu Phi là thị trường lớn, nhu cầu về các loại hàng hoá lớn về khối lượng và đa dạng về chủng loại. Trước hết là nhu cầu về các loại máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để phục vụ phát triển kinh tế. Tiếp đó là nhu cầu về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụđời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dân số châu Phi đang tăng với tốc độ rất nhanh. Mặt khác, châu Phi là thị trường chưa đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm hay về mẫu mã, vệ sinh, hàng rào kỹ thuật chưa có nhiều nhưở các khu vực thị trường khác.
Thứ tư, tốc độ mở cửa thị trường của các nước châu Phi dù ở mức độ khác nhau nhưng cũng đều tỏ rõ thiện chí đẩy mạnh tiến trình hội nhập, tăng cường buôn bán với thế giới. Hiện nay, phần lớn các nước châu Phi đã là thành viên của WTO. Để phù hợp với các cam kết của mình trong khuôn khổ WTO, các nước châu Phi đã lần lượt giảm bớt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Nhờđó, việc xuất khẩu hàng hoá vào các nước châu Phi được thuận lợi hơn. Thứ năm, nhiều tổ chức khu vực hoạt động kém hiệu quả do khủng hoảng nay đã đuợc hồi phục và từng bước đi vào hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước châu Phi. Các tổ chức này đã tăng cường hỗ trợ bổ sung cho nhau, tạo điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng thị trường khu vực, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Các tổ chức này luôn đề cao ý thức tự lực tự cường, đóng vai trò quan trọng cho hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế thương mại của toàn châu lục.
1.5.2. Khó khăn
Thứ nhất, xuất phát điểm kinh tế thấp là khó khăn và thách thức lớn nhất đối với hầu hết các nước châu Phi trong nỗ lực cải cách, mở cửa để tham gia vào quá trình hợp tác, liên kết và hội nhập kinh tế quốc tế. Sau nhiều năm khủng hoảng, trì trệ, nhiều nơi bị tàn phá do chiến tranh, nội chiến và xung đột sắc tộc, thực trạng kinh tế các nước đều lạc hậu với cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý thấp kém. Mặt khác, giải quyết vấn đề nợ nước ngoài đang là bài toán nan giải với nhiều nước, hiện số nợ của châu Phi lên tới 300 tỷ USD.
Thứ hai, quy mô thị trường của từng nước châu Phi hầu như còn rất nhỏ, sức mua của người dân thấp, các chính sách kinh tế thương mại của nhiều nước thiếu minh bạch, không hiệu quả, gây ra nhiều tác động tiêu cực lên thị trường, đặc biệt là chính sách thay thế nhập khẩu, bảo hộ các ngành sản xuất kém hiệu quả trong nước bằng mức thuế nhập khẩu cao.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống giao thông kém phát triển, gây nên tình trạng cô lập cho các vùng sâu vùng xa, cản trở nhiều đến các hoạt động giao thương. Ngoài ra, năng lực tài chính của các doanh nghiệp châu Phi thường rất kém và phải thông qua trung gian với bên thứ ba, phương thức thanh toán thường là trả chậm, không phù hợp với xu thế hiện đại, gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài khi muốn hợp tác kinh doanh với châu Phi.
Thứ tư, về chính trị xã hội, mặc dù có nhiều tiến bộ với xu thế chung là đi dần vào ổn định nhưng tại từng quốc gia châu Phi vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột nội bộ tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Các cuộc đảo chính, bạo loạn xã hội, khủng bố, mâu thuẫn, thù địch giữa các sắc tộc, tôn giáo, vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ....vẫn xảy ra trên khắp châu Phi. Quá trình dân chủ hoá tiến tới thiết lập nhà nước pháp quyền dựa trên cơ sở của luật pháp vấp phải nhiều khó khăn trở ngại do tác động của khủng hoảng kinh tế, nan tham nhũng, sự phân hoá giàu nghèo giữa các nước và trong nội bộ từng nước.
Thứ năm, vấn đề thiên tai, dịch bệnh đang là trở ngại lớn đối với nỗ lực phát triển của các nước châu Phi. Hạn hán và tình trạng sa mạc hoá ngày càng lan rộng đang đe dọa sự phát triển của nhiều nước và cuộc sống của hàng trăm triệu người dân châu Phi. Tình trạng ô nhiễm môi trường, sự hoành hành của các bệnh dịch sốt rét, lao phổi và đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS đang làm suy yếu nguồn nhân lực của châu lục này.