Trong bước này, kiểm toán viên sẽ tìm hiểu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, cách thức hệ thống kế toán và ban quản lý công ty có thể kiểm soát, phát hiện và sửa chữa kịp thời các sai sót liên quan đến hệ thống thông tin cũng như các ước tính kế toán. Giai đoạn này giúp cho kiểm toán viên hiểu rõ sự phù hợp cũng như hiệu quả của các thủ tục kiểm soát được thiết kế trong doanh nghiệp phục vụ cho việc đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện hệ
thống nội bộ được trình bày trên thư quản lý của kiểm toán viên. Bước này giúp kiểm toán viên hiểu rõ được có hay không hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Giai đoạn này được cụ thể hoá thành các công việc chi tiết sau:
Xác định rủi ro dựa trên hiểu biết về hoạt động kinh doanh của khách hàng: Thông qua phỏng vấn chủ sở hữu của doanh nghiệp, xem xét biên bản ghi chép của công ty và thu thập các thông tin khác trong suốt quá trình tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, để tìm hiểu về các chính sách và các thủ tục kiểm soát đang được áp dụng tại công ty. Đồng thời, kiểm toán viên sẽ thực hiện việc kiểm tra từ đầu tới cuối với các nhân viên thực hiện kiểm soát để đảm bảo họ thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Xác định sự thiết kế phù hợp của các thủ tục kiểm soát: Các thủ tục kiểm soát được đánh giá hiệu quả khi nó có khả năng ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa các sai phạm tồn tại để giảm các sai phạm đến mức có thể chấp nhận được.
Đánh giá hiệu quả của các thủ tục kiểm soát: Xem xét tính liên tục, nhất quán trong việc áp dụng các thủ tục kiểm soát cũng như việc tuân thủ các quy định của công ty và nhà quản lý.
Căn cứ vào kết quả thu được từ các bước trên kiểm toán viên sẽ xác định xem rủi ro kiểm soát có thể giảm đến mức chấp nhận được hay không. Nếu rủi ro kiểm soát không thể giảm đến giới hạn chấp nhận hay các thủ tục kiểm soát được thiết kế không phù hợp cũng như không hiệu quả trong việc giảm thiểu các rủi ro thì kiểm toán viên không thể dựa vào các thủ tục kiểm soát và phải thực hiện các thử nghiệm kiểm tra chi tiết.
2.1.4.3.Thực hiện các thử nghiệm cơ bản
Bước này đòi hỏi kiểm toán viên phải sử dụng những phán đoán chuyên môn của mình trong việc xác định các khoản mục mà các thủ tục kiểm soát nội bộ không hiệu quả trong việc giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được, tạo ra rủi ro kiểm toán còn lại. Các bước công việc bao gồm:
Thực hiện thủ tục phân tích: Kiểm toán viên phân tích sự biến động (so sánh số dư tài khoản giữa các kì với nhau, so với số dự toán và so với chuẩn chung của ngành, so sánh các tỉ suất tài chính như tỉ suất khả năng thanh toán, tỉ suất thể hiện cơ cấu vốn…), trắc nghiệm sự hợp lý (so sánh giá trị thực tế với giá trị dự toán) từ đó tìm ra các xu hướng biến động và tìm ra các mối quan hệ có mâu thuẫn với các thông tin có liên quan khác.
Thực hiện trắc nghiệm trực tiếp số dư: Kiểm toán viên kết hợp kiểm tra giữa việc sử dụng các phương pháp cân đối, phân tích và đối chiếu trực tiếp với kiểm kê hàng tồn kho và điều tra thực tế nhằm xác định lại độ tin cậy của các số dư hàng tồn kho tại thời điểm cuối kì.
Phân bổ lại các giá trị chênh lệch lên các tài khoản tương ứng và tính toán lại số dư cuối kỳ.