Kiểm toán viên thu thập những dữ liệu cơ bản cho việc đánh giá tính hiệu quả của hoạt động quản lý rủi ro, phân tích điều kiện kinh doanh cũng như quá trình xử lý thông tin của khách hàng giúp xác định và khoanh vùng được những gian lận, sai sót trọng yếu và rủi ro trong hoạt động kinh doanh có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính cũng như ảnh hưởng tới các biện pháp đưa ra nhằm cải thiện tình trạng kinh doanh của khách hàng. Giai đoạn đầu tiên này cũng cho phép kiểm toán viên xác định được các tài khoản chứa đựng các rủi ro trọng yếu căn cứ vào đó kiểm toán viên sẽ đưa ra các thử nghiệm cơ bản cần thực hiện trên cơ sở tuân thủ theo các chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận rộng rãi (GAAS). Giai đoạn này được chia thành các bước nhỏ như sau:
Đánh giá tính trọng yếu: Đánh giá tính trọng yếu và sai sót có thể chấp nhận được từ đó xác định các công việc cần thiết nhằm xác định rủi ro cũng như các công việc thực hiện xuyên suốt cuộc kiểm toán.
Xác định rủi ro ban đầu: Kiểm toán viên đưa ra đánh giá, nhận xét ban đầu về mức rủi ro có thể xuất hiện trong công ty của khách hàng dựa trên việc sử dụng mẫu đánh giá ban đầu về rủi ro để lập kế hoạch cho toàn cuộc kiểm toán.. Phục vụ cho việc đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần phải xem xét những vấn đề quan trọng của kỳ trước hoặc kỳ này có khả năng ảnh hưởng đến việc xác định rủi ro của kỳ này (các rủi ro gian lận và sai sót, những thiếu sót về thủ tục kiểm soát, những sai phạm và những điều chỉnh và các hoạt động bất hợp pháp). Ngoài ra, kiểm toán viên cần phải quan tâm tới những thay đổi quan trọng trong kì có khả năng dẫn tới rủi ro; cũng như tính phức tạp trong hoạt động kinh doanh của khách hàng để cân nhắc cho việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong đánh giá.
Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của khách hàng: Tìm hiểu về chiến lược kinh doanh và những ưu điểm trong quá trình điều hành thông qua quá trình phân tích cơ bản về hoạt động kinh doanh (Business Analysis Framework )
Sơ đồ 5: Bảng phân tích hoạt động kinh doanh của khách hàng
Bảng phân tích này thể hiện rõ nét mối quan hệ cũng như tác động qua lại giữa chín yếu tố cơ bản của hoạt động kinh doanh.Qua đó kiểm toán viên có thể có được những hiểu biết sâu hơn về chiến lược, quá trình và hoạt động của khách hàng. Bên cạnh hiểu biết về hoạt động kinh doanh của khách hàng, nhóm kiểm toán cũng cần tìm hiểu cách nhà quản lý cấp cao đánh giá kết quả
hoạt động của công ty cũng như sự đầy đủ của hoạt động kiểm soát của nhà quản lý. Kết quả hoạt động được thể hiện qua các bảng phân tích thông tin (BIF) và bảng đánh giá kết quả hoạt động (BPR) cho thấy kết quả kinh doanh hiện tại (thông qua các tỉ suất tài chính: ROA,ROE..) và dự đoán khả năng hoạt động trong tương lai (thông qua các đòn bẩy tài chính, khả năng sinh lời, đòn bẩy tài chính, giá trị thị trường, quản lý tài sản...). Tìm hiểu về tính liêm chính của ban giám đốc cũng như các áp lực và cơ hội thực hiện hành vi gian lận, lưu ý đến những khó khăn và thay đổi trong môi trường kinh doanh trên cơ sở có quan tâm đến ý kiến của các chuyên gia.
Xác định và khoanh vùng rủi ro: Kiểm toán viên xác định các rủi ro về khả năng xảy ra sai sót và gian lận trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Đồng thời thông qua đó, kiểm toán viên chú ý tới những yếu tố, nguyên nhân chính dẫn tới các rủi ro đó.
Đối chiếu với báo cáo tài chính: Việc đối chiếu này sẽ giúp đoàn kiểm toán liên kết, đánh giá sự ảnh hưởng của các rủi ro đã xác định được với các tài khoản tương ứng trên báo cáo tài chính. Điều này giúp kiểm toán viên xác định được các tài khoản quan trọng có mức rủi ro cao phải áp dụng kiểm tra toàn diện đồng thời xác định được các tài khoản trọng yếu có rủi ro thấp để áp dụng các thủ tục kiểm toán bổ sung.