THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH XĂNG DẦU VÀ TÌNH HÌNH KINH DOANH TẠI CÔNG TY XĂNG DẦU THỪA THIÊN HUẾ
2.1. TỔNG QUAN VỀ NGÀNH XĂNG DẦU
Hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam được bắt đầu kể từ khi các hãng dầu Shell, Caltex và Esso hoạt động ở Việt Nam. Một trong những hãng dầu lớn nhất của thế giới (Shell) thành lập chi nhánh tại Việt Nam ngày 04/11/1911 với nhiệm vụ bán xăng dầu. Công ty Caltex và Công ty Esso của Hoa Kỳ tham gia vào thị trường Việt Nam năm 1930. Từ những năm đầu tiên có mặt và thực hiện kinh doanh ở Việt Nam, các Công ty này xây kho bể, cầu cảng và đường ống ở Sài Gòn và Hải Phòng.
Sự có mặt và hoạt động của các Công ty trên suốt hơn nửa thế kỷ dưới thời thực dân Pháp ở Việt Nam đã tạo ra những tiền đề cho những họat động sau này của ngành xăng dầu nước ta.
- Tạo ra cơ sở hạ tầng ban đầu cho những hoạt động kinh doanh xăng dầu đầu tiên trên địa bàn cả nước Việt Nam qua việc xây dựng các trung tâm xăng dầu với hệ thống kho bãi, bến cảng, cầu tàu, đường ống, xưởng cơ khí, cơ sở dịch vụ.
- Góp phần vào việc phát triển kinh tế thuộc địa và phục vụ đời sống, chủ yếu là đi lại và thắp sáng ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, làm cho người Việt Nam bước đầu tiếp nhận và làm quen nguồn nhiên liệu này.
Tạo nên một đội ngũ những người làm nghề xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam. Sau năm 1954, hoạt động của ngành Xăng dầu ở Việt Nam bước vào những bước ngoặt mới. Miền bắc được giải phóng, nguồn xăng dầu lúc đó được nhập khẩu bằng đường bộ qua cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) và bằng đường biển do Liên Xô cung cấp.
Sự gia tăng của việc tiêu thụ và nhận thức rõ tầm quan trọng của loại nhiên liệu này đã thúc đẩy sự ra đời của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (TCTXDVN). Nhiệm vụ của nó là cung ứng xăng dầu trên toàn địa bàn miền Bắc.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổng cục dầu khí Việt Nam ra đời. Cơ quan này chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước toàn bộ tài nguyên dầu khí cả nước, tổ chức tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và thực hiện hợp tác với nước ngoài về lĩnh vực dầu khí cả trên đất liền và thềm lục địa.
Năm 1990, Tổng cục Dầu khí Việt Nam được sáp nhập vào Bộ Công nghiệp nặng, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam với tên giao dịch quốc tế là Petro VietNam.
Ngày 19/10/1990 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 396/CT cho phép một số đơn vị được kinh doanh xăng dầu. Nguồn xăng dầu được nhập từ các nước tư bản. Ban đầu Nhà nước chỉ duy trì một số ít đầu mối nhập khẩu bao gồm: TCTXDVN, Công ty Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty Thương mại dầu khí (Petechim).
Nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống và sử dụng xăng của các ngành vận tải ngày càng cao đòi hỏi Nhà nước mở rộng các đầu mối nhập khẩu xăng dầu như Công ty xăng dầu Hàng không (VINAPCO), Công ty xăng dầu quân đội, ...Việc gia tăng số đầu mối nhập khẩu ở một số vùng khác cũng như việc mở rộng phạm vi kinh doanh thông qua việc xây dựng hệ thống kho cảng tiếp nhận xăng dầu của một số đầu mối làm cho thị trường xăng dầu được hình thành trên toàn quốc, tính chất cạnh tranh ngày càng cao.(về quy mô, tính đa dạng của sản phẩm).[4]
Xăng dầu là nhiên liệu của nhiều ngành kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Nó là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao và được xếp vào danh mục các mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Nhà nước điều tiết, kiểm soát kinh doanh xăng dầu qua việc quy định giá bán lẻ, đánh thuế nhập khẩu xăng dầu. Giá xăng dầu chịu ảnh hưởng chủ yếu do giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu.
Hiện tại trên thị trường Việt Nam có 12 đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu. Trong đó TCTXDVN là một doanh nghiệp có hệ thống mạng lưới phủ kín các tỉnh, thành phố trong cả nước, sử dụng đa dạng các loại hình vận chuyển: đường thủy, đường bộ , đường ống và đường sắt. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam hiện có 43 Công ty xăng dầu thành viên, 25 Chi nhánh và 09 Xí nghiệp trực thuộc các Công ty thành viên 100% vốn Nhà nước; Có 20 Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tổng công ty; Có 03 Công ty Liên doanh với nước ngoài. Ngoài ra, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam có 01 Chi nhánh tại Singapore.
Các doanh nghiệp đầu mối khác như Petec, Saigon Petro, Petechim.. chỉ tập trung buôn bán một số mặt hàng như xăng, diesel trên một số địa bàn thuận lợi, dễ cạnh tranh; hoặc kinh doanh một số chủng loại phục vụ nhu cầu trong ngành ( Công ty xăng dầu Quân đội - MIPCO, VINAPCO..). Các doanh nghiệp này đang dần từng bước hình thành phát triển hệ thống cơ sở vật chất tại một số địa bàn có lợi thế kinh doanh để cạnh tranh trên nhiều mặt với các doanh nghiệp khác.
Công ty Petec có tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu hằng năm khoảng 11.6% thị phần, có nhiều cửa hàng bán lẻ và đại lý đặt tại 13 tỉnh ở phía Nam và một vài cửa hàng ở Hà Nội.
Công ty có kho chứa xăng dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẳng, Vũng Tàu với tổng sức chứa 210.000m3.
Công ty Saigon Petro chủ yếu hoạt động tại các tỉnh miền Nam, chiếm thị phần 8.7%. Công ty có hệ thống bồn chứa với trữ lượng 170.000m3. Công ty có một liên doanh dầu nhờn "Catrol VietNam Ltd" với công suất
25000tấn/năm, sản xuất được hơn 100 loại dầu nhớt khác nhau với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và hơn 100 đại lý tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 250 trạm tại các thành phố phía Nam, 2 chi nhánh tại Đồng Tháp và Vũng Tàu.
Công ty VINAPCO có tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu hàng năm khoảng 1.7% thị phần. Đây là đơn vị cung ứng chuyên dụng cho ngành Hàng không, đồng thời cũng tham gia kinh doanh xăng dầu trong cả nước. Công ty không có các kho đầu mối để tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu mà phải thuê kho đầu mối của TCTXDVN.
Công ty Petechim là Công ty thương mại dầu khí trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chủ yếu hoạt động xuất khẩu dầu thô, thị phần nhập khẩu xăng dầu (3.3%)và phân phối trên thị trường nội địa còn nhỏ.
Công ty Petechim, Công ty chế biến & kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC) và liên doanh dầu khí Mekong (Petro Mekong) có hệ thống kho bể có sức chứa 350.000m3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Cần Thơ. Những năm gần đây các Công ty này tập trung vào đầu tư các kho bể và cầu cảng để tiếp nhận xăng dầu.
Các Công ty Xăng dầu Đồng Tháp (PETIMEX), Xăng dầu Quân đội (MIPCO), Công ty vận tải & thuê tàu biển Việt Nam (VITRANSCHART) không có cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiếp nhận và tồn trữ xăng dầu. Đây là những Công ty mua bán phục vụ nhu cầu nội bộ ngành.[4]
Hiện tại trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngoài Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế, tổng đại lý, đại lý thì có năm chi nhánh của các đơn vị đầu mối khác tham gia kinh doanh xăng dầu: Chi nhánh Xăng dầu quân đội(MIPCO), chi nhánh thương mại dầu khí Petechim (Đà Nẵng), chi nhánh xăng dầu Petec, Tổng đại lý xăng dầu Thạch Hảo, Tổng đại lý xăng dầu Minh Khiêm. Các đơn vị này có mạng lưới phân phối chiếm khoảng 30% thị phần, tập trung ở huyện Hương Thủy, Phú Lộc.[1]
Đối với mặt hàng dầu mỡ nhờn, hóa chất, các sản phẩm hóa dầu và Gas hóa lỏng, Nhà nước cho phép các Công ty xăng dầu nước ngoài tham gia kinh doanh. Do đó trên thị trường có sự cạnh tranh mạnh. Đặc biệt sự bùng nổ số lượng xe máy trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu nhờn xe máy tăng rất cao với mức tăng hàng năm gần 20%.
Thị trường kinh doanh dầu nhờn hiện nay cạnh tranh rất quyết liệt với sự tham gia của gần 20 Công ty bao gồm hầu hết các hãng dầu lớn trên thế giới như BP, Shell, Castrol (Anh), Exxon-Mobil, Caltex (Mỹ), Total (Pháp), Petronas (Malaysia), PTT (Thái Lan), Idemitsu (Nhật Bản).[4]
Hiện tại thị trường dầu nhờn chia làm bốn đoạn thị trường chủ yếu:
- Dầu nhờn xe máy (MCO): đoạn thị trường này có tốc độ phát triển rất nhanh và có lợi nhuận lớn, chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu.
- Dầu nhờn ô tô (PCO): đoạn thị trường này hiện chiếm khoảng 3.3% tổng nhu cầu. Trong những năm vừa qua các Công ty chưa chú trọng vào đoạn thị trường này. Tuy nhiên khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống cao thì đoạn thị trường này có ảnh hưởng lớn.
- Dầu nhờn xe thương mại (CVO): là đoạn thị trường lớn nhất chiếm 48.3% tổng nhu cầu. Phẩm cấp dầu nhờn cho đoạn thị trường này không cao nên có nhiều đơn vị tham gia kinh doanh.
- Dầu nhờn công nghiệp và các loại dầu mỡ khác: chiếm 23.4% tổng nhu cầu. Mảng thị trường này yêu cầu các sản phẩm có chất lượng cao và dịch vụ kỹ thuật sau bán hàng.
Đối với các Công ty xăng dầu lớn đa quốc gia, việc thâm nhập thị trường dầu nhờn chỉ là bước đi đầu tiên để tiếp cận thị trường kinh doanh các sản phẩm như xăng dầu, dầu Diesel, dầu Mazut. Đi đôi với việc kinh doanh dầu nhờn, các Công ty này tiến hành hoạt động điều tra thị trường xăng dầu,
quảng bá thương hiệu Công ty tại Viêt Nam để khi Chính phủ Việt Nam mở cửa thị trường xăng dầu thì các Công ty này sẽ đủ sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Công ty liên doanh BP-Petco là Công ty liên doanh giữa BP và TCTXDVN. Hiện nay Công ty này có sản lượng bán hàng lớn nhất, chiếm 20% thị phần dầu mỡ nhờn.
Đối với thị trường kinh doanh Gas, nhu cầu tiêu thụ trong những năm vừa qua tăng trưởng rất nhanh. Bình quân hằng năm tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ gas 10%-15%/năm. Nhu cầu tiêu thụ Gas tăng nhanh chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ cao trong lĩnh vực Gas dân dụng khi thu nhập bình quân đầu người tăng, điều kiện sinh sống tốt hơn. Gas là chất đốt sạch, cho nhiệt lượng cao, suất tỏa nhiệt lớn, là loại nhiên liệu sạch, văn minh. Gas dân dụng chiếm 60%, Gas thương mại chiếm 15% và Gas công nghiệp chiếm 25%.
Có đến gần 70% lượng gas cung ứng trên thị trường cả nước là gas ngoại nhập. Sau 6 năm Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố đi vào hoạt động, nguồn gas nội cung ứng cho thị trường nội địa chỉ đạt ngưỡng 30%-32%.
Sự cạnh tranh trên thị trường kinh doanh Gas diễn ra sôi động với gần 60 Công ty kinh doanh Gas. Tuy nhiên chưa tới 10% đơn vị có kho chứa Gas Hiện nay ba doanh nghiệp có thị phần chi phối (đạt tổng cộng khoảng 50%) là Công ty Gas Petrolimex 20%, Công ty kinh doanh các sản phẩm khí thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam 16% và Công ty Saigon Petro 14%. Petro Gas được đánh giá là một trong những thương hiệu uy tín nhất trên thị trường Việt Nam và là một trong ba Công ty dẫn đầu về sản lượng bán trên tổng số 20 thương hiệu đã được xác lập trên thị trường. Mạng lưới phân phối của Công ty rộng khắp trên 64 tỉnh thành cả nước, bao gồm trên 40 Công ty, chi
nhánh xăng dầu thuộc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các Tổng đại lý, đại lý ngoài ngành xăng dầu. Tốc độ tăng trưởng cao của ngành kinh doanh Gas tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều Công ty.
Thực tế cho thấy người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, an toàn sản phẩm và uy tín của nhãn hiệu mà chủ yếu chú trọng đến giá bán. Các Công ty kinh doanh Gas nhỏ có thể chiếm được thị phần thông qua giảm giá bán. Cạnh tranh thông qua giá bán, bỏ qua các chuẩn mực kinh doanh làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các Công ty kinh doanh Gas lớn. Trong thị trường kinh doanh Gas, nhiều liên minh đã được thiết lập như: BP và Gas Petrolimex, EIF và Shell, Saigon Petro và Công ty Đài Hải (Đài Loan)... Trên thị trường bán lẻ các Công ty cạnh tranh quyết liệt.
Năm 2005 nhu cầu tiêu thụ Gas trong nước tăng lên đến 900000 tấn/năm trong khi đó nhà máy Dinh Cố chỉ cung cấp được 320000 tấn/năm. Do nhu cầu tăng cao nên giá Gas liên tục biến động mạnh. Từ năm 2002 giá Gas là 8000đ/kg đến tháng 8 năm 2006 giá Gas tăng lên đến đỉnh điểm 16000đ/kg sau đó lại hạ nhanh. Độ an toàn trong kinh doanh ngày càng thấp, bởi lẻ các Công ty trong nước không chủ động bắt kịp nhịp của thị trường gas thế giới. Thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu thụ, các nhà máy sản xuất sử dụng nguồn năng lượng sạch này cũng lao đao vì giá Gas tăng chóng mặt kéo giá thành, chi phí ngày càng cao.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện tại có các đơn vị kinh doanh Gas cạnh tranh với Công ty xăng dầu Thừa Thừa Thiên Huế như Công ty gas Thành Lợi, Petro Gas, Thăng Long Gas, Eslg Gas. Các đơn vị này có mạng lưới phân phối rộng, giá cả lại thấp hơn giá của Công ty, phương thức bán linh hoạt nên ngày càng mở rộng phạm vi tiêu thụ.