mới
Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp nước ta trong thời kì đổi mới vừa qua nổi lên một sốđiểm nổi bật sau:
- Tỉ trọng của các ngành công nghiệp có sự gia tăng với các mức độ khác nhau. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng từ 5,21% GDP năm 1990 lên 10,2% năm 2006 (tỉ trọng GDP bình quân tăng 0,3%/năm), công nghiệp chế biến tăng từ 12,26% năm 1990 lên 20,32% năm 2006 (tỉ trọng GDP bình quân tăng 0,62%/năm). Tương tự như vậy, sản xuất và phân phối điện, nước tăng từ 1,37% lên 3,35% (tỉ trọng GDP bình quân tăng 0,13%/năm) và lĩnh vực xây dựng tăng từ 3,84% lên 6,25% (tỉ trọng GDP bình quân tăng 0,16%/năm). So với các ngành khác trong nội bộ ngành công nghiệp và xây dựng, tỉ trọng của ngành công nghiệp chế biến có tốc độ tăng cao nhất và về cơ bản, tương đương với mức tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến trong GDP bình quân hàng năm của một số nước NICs Đông Á thời “cất cánh” như Hàn Quốc, Đài Loan…
- Những năm trước khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á bùng nổ, cơ cấu công nghiệp chịu tác động chủ yếu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng sau đó cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp lại chịu tác động của cả hai nguồn vốn lớn: đầu tư trực tiếp nước ngoài và các chương trình đầu tư trọng điểm của Nhà nước cho một số ngành trọng điểm. Nguyên nhân chính do lượng FDI bị suy giảm (do chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á) và mặt khác do chính sách “kích cầu” của Chính phủ. Vì vậy trong thời kì này, nhiều
công trình trọng điểm đã được chuẩn bị đầu tư và được đầu tư như các công trình thuỷđiện Yali, thuỷ điện Sông Hinh, Phú Mỹ 1, nhiệt điện Phả Lại 2, nhà máy lọc dầu số 1, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn…và các công trình trọng điểm đã được tiếp tục triển khai như: công trình khí - điện - đạm, mía đường, kinh tế - kĩ thuật công nghệ vật liệu và tự động hóa. Chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến cơ cấu công nghiệp của thời kì tiếp theo. Nhìn chung, đây là những công trình cần nhiều vốn và thu hút ít lao động, nên tuy có góp phần đưa tỉ trọng GDP của công nghiệp và xây dựng tăng nhanh nhưng cơ cấu lao động lại không mấy thay đổi.
- Trong nội bộ ngành công nghiệp, trong 10 năm đầu của thời kì đổi mới (1986 – 1995), trong số 19 ngành công nghiệp cấp 2, có 11 ngành có mức tăng trưởng vượt mức bình quân chung (hơn 10%/năm so với 9,65%), bao gồm 7 ngành công nghiệp nặng và 4 ngành công nghiệp nhẹ. Đạt tốc độ gia tăng cao nhất là ngành nhiên liệu, tiếp đó là ngành in, may, sản phẩm da, điện - điện tử và luyện kim đen. Sáu ngành này có mức tăng trưởng trên 16%/năm. Trong khi đó, có một số ngành có tốc độ tăng trưởng chậm như: dệt (4,25%), chế biến gỗ và lâm sản (5,85%), chế tạo các sản phẩm kim loại trừ máy móc, thiết bị (6,0%).
Như vậy, trong giai đoạn 1986 – 1995, hai nhóm ngành có tốc độ gia tăng mạnh nhất và tương đối ổn định là nhóm ngành khai thác khoáng sản (nhiên liệu, luyện kim đen và luyện kim màu) và công nghiệp nhẹ có sản phẩm xuất khẩu (dệt may, sản phẩm da). Giai đoạn từ 1996 – 2000 có 6 nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm như: thuộc da và sơ chế da, va li, túi xách, yên xe, dép (20,86%). Sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic (24,78%); sản xuất các sản phẩm từ kim loại trừ máy móc, thiết bị (21,40%); sản xuất máy móc thiết bị văn phòng và máy tính (27,62%); sản xuất máy móc và thiết bịđiện chưa được phân vào đâu (27,76%). Sản xuất các phương tiện vận tải khác (54,58%). Một số ngành có mức tăng trưởng dưới 8%/năm như: khai thác quặng kim loại, sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất các sản phẩm thuốc lá, dệt, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, xuất bản, in và sao ghi các loại, sản xuất than cốc, khai thác, lọc và phân phối nước.
- Ngoài công nghiệp khai thác dầu khí, đã bước đầu xuất hiện nhóm ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao (trên 1 tỉ USD) gồm may mặc, giày dép, chế biến nông sản và gần đây là chế biến gỗ. Những ngành này tuy chưa phải là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, song đã thu hút được một lực lượng lao động đáng kể và khá phù hợp với điều kiện nguồn lao động dồi dào ở nước ta hiện nay.
- Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng nhất trong thu hút lao động thời gian vừa qua. Trong khi khu vực Nhà nước chiếm phần lớn tỉ trọng công nghiệp và vốn đầu tư xã hội, nhưng mức độ gia tăng việc làm lại rất thấp. Khu vực FDI những năm qua tuy đã giải quyết được một số lượng việc làm nhất định, song nhìn chung yêu cầu lao động có tay nghề cao, nên việc thu hút lao động ở khu vực này có phần hạn chế.