1.4.1. Các khái niệm
1.4.1.1. Cơ cấu công nghiệp
Cơ cấu công nghiệp là tổng hợp những bộ phận hợp thành quá trình sản xuất công nghiệp và mối liên hệ sản xuất giữa các bộ phận đó biểu thị bằng tỉ trọng của từng bộ phận so với toàn bộ sản phẩm công nghiệp tính theo giá trị tổng sản lượng.
Cơ cấu ngành công nghiệp không bất biến mà luôn thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố KT - XH, lịch sử, tiến bộ khoa học kĩ thuật, trình độ phát triển của sự hợp tác kinh tế và sự phân công lao động quốc tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự hợp tác quốc tế. Để sản xuất công nghiệp phát triển và không ngừng mở rộng đòi hỏi ở mỗi quốc gia phải có cơ cấu các ngành công nghiệp ở tỉ lệ thích hợp trong cơ cấu công nghiệp.
Biến đổi trong cơ cấu ngành công nghiệp do ảnh hưởng của cách mạng khoa học kĩ thuật là thay đổi tương quan giữa ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến. Từ những thập niên 70 trở lại đây, tỉ trọng của ngành công nghiệp khai thác trong tổng giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp ở các nước công nghiệp phát triển ngày càng giảm do việc nghiên cứu vật liệu mới và sản xuất được các vật liệu thay thế, sử dụng công nghệ ít tiêu hao nhiên liệu.
Sự biến đổi khá quan trọng khác trong cơ cấu ngành công nghiệp thể hiện ở sự tăng rõ rệt tỉ trọng của các ngành công nghiệp có kĩ thuật hiện đại. Ngành chế tạo, công nghiệp hoá chất và ngành công nghiệp điện, đây là “ba ngành tiên phong” của cách mạng khoa học kĩ thuật trong công nghiệp.
Trong cơ cấu ngành công nghiệp chế tạo, nổi lên hàng đầu là các ngành sản xuất thiết bị điện tử, kĩ thuật hàng không, vũ trụ và nguyên tử, một số loại thiết bị gia công kim loại và công nghệ hoá học, sản xuất đồ điện dân dụng. Còn các ngành truyền thống như sản xuất ô tô, tàu biển, máy công nghiệp tỉ trọng đang có xu hướng giảm xuống. Công nghiệp sản xuất các vật liệu mới không ngừng được tăng lên. Trong cơ cấu ngành công nghiệp hoá chất sản xuất chất dẻo, sợi hoá học, sơn, thuốc nhuộm, dược phẩm, các chất tẩy giặt và mỹ phẩm chiếm ưu thế.
Bên cạnh đó, xu hướng nền công nghiệp thế giới đang từng bước chuyển từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp có kĩ thuật công nghệ cao. Đến nay, nền công nghiệp thế giới vẫn đang hoạt động chủ yếu dựa trên những cơ sở vật chất kĩ thuật truyền thống và chúng ngày càng không đáp ứng được các yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Tại các nước công nghiệp phát triển, kĩ thuật cơ khí hoá đã đạt trình độ cao và phổ biến, các nguồn năng lượng trên cơ sở sử dụng nhiên liệu rắn và lỏng, các vật liệu kim loại… đã được tận dụng cao độ và nguồn cung cấp chúng ngày càng tỏ ra có hạn.
Các nước NICs đã tạo được sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp là do họ đã lựa chọn đúng đắn cơ cấu ngành công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Thời gian đầu các nước này tập trung vào các ngành dệt may, chế biến thực phẩm xuất khẩu, sau đó chuyển sang sản xuất thép, máy móc, sản phẩm điện,
điện tử. Các nước NICs đã đạt được những thành tựu to lớn trong sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đã tạo đà tăng trưởng nhanh cho nền kinh tế quốc dân. Do vậy, các nước đang phát triển có thể chuyển dịch cơ cấu theo xu hướng học tập kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới.
1.4.1.2. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Cơ cấu công nghiệp không thể là một cơ cấu cố định được vạch ra một cách duy ý chí theo một công thức cứng nhắc không có khả năng phát triển, coi nhẹ hoặc bỏ lỡ những thời cơ, khả năng và cơ hội của các nguyên tắc vận dụng một cách hiệu quả nhất lợi thế so sánh của đất nước. Lợi thế so sánh thay đổi thì cơ cấu công nghiệp cũng thay đổi.
Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp là sự thay đổi cơ cấu công nghiệp theo ngành, theo vùng và theo thành phần kinh tế… Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp xảy ra thường xuyên, liên tục theo hai khuynh hướng:
* Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp một cách tự phát: Đây là hiện tượng các nhà đầu tư “bỏ vốn” vào một ngành nghề, vào một vùng, theo một phương thức nào đó theo các tín hiệu của thị trường, nhằm đạt hiệu quả cao. Khuynh hướng này thậm chí nhiều khi nằm ngoài cả tầm kiểm soát của quản lí nhà nước, chỉ đến khi hiệu quả thực tế không như mong đợi thì sự chuyển dịch lại xảy ra theo hướng khác, tức là dòng đầu tư lại chảy vào các ngành, các vùng khác. Các tín hiệu thị trường không phải lúc nào cũng đúng như dự báo, do đó khuynh hướng chuyển dịch tự phát nhiều khi dẫn đến lãng phí các nguồn lực phát triển công nghiệp.
* Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp tự giác: Nhà nước với bộ máy quản lí, hệ thống luật pháp và chính sách cùng đầy đủ thông tin và nguồn lực khởi xướng và chỉ huy quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp vì lợi ích toàn xã hội.
1.4.2. Ý nghĩa của sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trong sự
nghiệp CNH, HĐH đất nước
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp nói riêng và trong chiến lược KT – XH nói chung. Điều đó xuất phát từ vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng của công nghiệp trong
nền kinh tế quốc dân và tác dụng của việc hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí của ngành công nghiệp. Việc chuyển dịch từ cơ cấu cũ, không hợp lí sang cơ cấu kinh tế hợp lí sẽ tận dụng và phát huy được các nguồn lực của đất nước để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường xã hội, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển KT – XH theo hướng CNH. Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết tốt các vấn đề trọng yếu của phát triển công nghiệp như: đầu tư, đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề, hợp tác quốc tế, cơ chế quản lí…