1.3.1. Khái niệm công nghiệp
Công nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản trong nền kinh tế quốc dân, gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 2: Chế biến nguyên liệu thành sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp bao gồm tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng được sản xuất bằng máy móc thiết bị dựa trên khoa học kĩ thuật hiện đại có khả năng sản xuất hàng loạt sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Tuy vậy, khái niệm nguyên liệu và sản phẩm chỉ là tương đối vì sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều giai đoạn chế biến phức tạp, mỗi sản phẩm của ngành này có thể là nguyên liệu của ngành kia.
1.3.2. Khái niệm công nghiệp hóa
Công nghiệp hoá là quá trình phổ biến trên quy mô toàn cầu, là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, công nghiệp hoá có nhiều khái niệm khác nhau:
Theo Mazlish: “Công nghiệp hoá là quá trình được đánh dấu bằng sự chuyển từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sang nền kinh tếđược gọi là công nghiệp”.
Còn Ladriere cho rằng : “Công nghiệp hoá là quá trình chuyển đổi xã hội từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với các đặc điểm năng suất thấp sang một nền kinh tế về cơ bản dựa trên công nghiệp với đặc điểm năng suất cao và tăng trưởng tương đối cao”.
Theo tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO): “Công nghiệp hóa là quá trình phát triển kinh tế, trong quá trình này một bộ phận ngày càng tăng các nguồn của cải quốc dân được động viên để phát triển cơ cấu kinh tế nhiều ngành ở trong nước với kĩ thuật hiện đại. Đặc điểm cơ cấu kinh tế này có một bộ phận chế biến luôn thay đổi để sản xuất ra những tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng có khả năng bảo đảm cho toàn bộ nền kinh tế phát triển với nhịp độ cao, đảm bảo đạt tới sự tiến bộ về kinh tế - xã hội”.
Công nghiệp hoá là hoạt động mở rộng tiến bộ kĩ thuật với sự lùi dần tính thủ công trong sản xuất và công nghiệp hàng hoá và dịch vụ. (Encyclpelu Francise, 1973).
Công nghiệp hoá là quá trình tác động của công nghiệp với công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động kinh tế và đời sống xã hội, làm biến đổi toàn diện nền kinh tế, đưa nền kinh tế từ nông nghiệp lạc hậu tới công nghiệp hiện đại [34].
Công nghiệp hoá là quá trình biến một nước có nền kinh tế thấp kém thành một nước công nghiệp nhằm phát triển lực lượng sản xuất, mang lại năng suất lao động cao cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
Tóm lại, các khái niệm trên đều coi “Công nghiệp hoá là quá trình từng bước xây dựng nền công nghiệp của một quốc gia, làm biến đổi cơ cấu kinh tế đất nước, đưa nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại”.
1.3.3. Công nghiệp hóa, hiện đại hoá
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là thuật ngữ được sử dụng phổ biến ở nước ta từ giữa thập kỉ 90 (XX) để chỉ quá trình chuyển đổi căn bản các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lí KT – XH từ việc sử dụng lao động thủ công sang sử dụng lao động cùng với công nghệ tiên tiến, tạo ra năng suất lao động cao [34].