Di chuyển dầu khí và nạp bẫy

Một phần của tài liệu Xác định đới chuyển tiếp, ranh giới dầu nước và các thông số vật lý thạch học của tầng sản phẩm R7-cấu tạo X lô 11.1 bồn trũng Nam Côn Sơn (Trang 27 - 28)

Nguồn sinh dầu khí chính trong khu vực có tuổi Mioxen sớm- trung và Oligoxen. Các tập đá mẹ này bắt đầu vào pha tạo dầu khí khoảng 10 triệu năm cho đến hiện tại. Trong khi đó các hoạt động kiến tạo và quá trình hình thành các cấu tạo chủ yếu kết thúc vào cuối Mioxen giữa (10,4 triệu năm). Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ dầu khí vào trong các cấu tạo.

Tuy nhiên về vị trí phân bố các nguồn sinh chính lại có phần không thuận lợi cho việc di cư hydrocacbon cho tất cả các cấu tạo trong lô 10 và 11.1. Nguồn sinh Mioxen chủ yếu phân bố ở phần đông trung tâm của hai lô và nguồn sinh Oligoxen chỉ có thể tồn tại với diện hẹp trong trũng sâu Phi Mã – Cá Chó và Phi Mã – Thân Mã. Do diện phân bố hẹp nên các cấu tạo thuộc khu vực phía tây bắc lô 10 và phía tây lô 11.1 nằm xa nguồn sinh, không thuận lợi cho quá trình di cư và tích tụ sản phẩm. Với chiều sâu của đới tạo dầu hiện tại khoảng 3.800- 5.000 m và khoảng phân bố nguồn sinh như đã đề cập trên đây thì sự di dịch dầu khí theo cả mặt phân lớp và phương thẳng đứng theo các đới đứt gãy là cần thiết. Các phát hiện dầu khí ở

cấu tạo Phi Mã và Cá Chó cũng như biều hiện dầu khí ở Bảo Mã, Thần Mã và Ca Peca Đông đã xác nhận sự tồn tại hai cách di dịch dầu khí này.

Mặc dầu về mặt thời gian hình thành cấu tạo, thời gian trưởng thành vật chất hữu cơ rất thuận lợi, nhưng với vị trí, diện phân bố nguồn sinh và các yếu tố di dịch như trên, dầu khí được sinh ra rất khó có thể di cư tới và nạp vào các cấu tạo ở phía tây của hai lô, ngược lại khả năng này sẽ rất cao cho các cấu tạo nằm kề đới trũng Phi Mã – Cá Chó và Phi Mã- Thân Mã (đông nam lô 10 và đông lô 11.1).

Một phần của tài liệu Xác định đới chuyển tiếp, ranh giới dầu nước và các thông số vật lý thạch học của tầng sản phẩm R7-cấu tạo X lô 11.1 bồn trũng Nam Côn Sơn (Trang 27 - 28)