III. NỘI DUNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC
d) Đối với lĩnh vực Du lịch dịch vụ:
Phát triển mạnh du lịch, hình thành ngành công nghiệp du lịch có quy mô ngày càng tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của nước ta.
Phát triển và hiện đại hoá từng bước các loại dịch vụ thông tin, kỹ thuật, thương mại, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm tư vấn pháp lý, phục vụ sinh hoạt..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả.
Tổ chức lại và mở mang hệ thống chợ ở thành thị và nông thôn. Xây dựng một số siêu thị tại các thành phố lớn.
e) Công nghiệp quốc phòng:
Đầu tư thoả đáng cho công nghiệp quốc phòng trong từng bước phát triển công nghiệp và công nghệ, góp phần trang bị và hiện đại hoá dần các binh chủng, quân chủng. Trước mắt sản xuất được một số vũ khí và trang bị thông thường; từng bước đóng được tầu quân sự cho hải quân, bộ đội biên phòng.
Có chính sách và cơ chế phù hợp để áp dụng kịp thời những thành tựu khoa học và công nghệ vào công nghiệp quốc phòng. Đầu tư công nghệ mới để nâng cao năng lực bảo quản, sửa chữa và cải tiến, hiện đại hoá những trang bị hiện có. ứng dụng tin học và tự động hoá vào công tác chỉ huy và tham mưu tác chiến. Phát triển công nghiệp dân dụng phải quan tâm đáp ứng các yêu cầu của quốc phòng và công nghiệp quốc phòng. Chọn lọc và tạo điều kiện cho một số xí nghiệp công nghiệp dân dụng kết hợp sản xuất phục vụ quân sự khi cần thiết. Tận dụng năng lực của công nghiệp quốc phòng để sản suất các mặt hàng dân dụng.
Kết cấu hạ tầng:
Cải tạo, hiện đại hoá, huy động tối đa công suất các nhà máy điện hiện có; hoàn thành xây dựng và xây dựng gối đầu một số nhà máy mới. Hoàn chỉnh mạng lưới điện quốc gia; cải tạo và tiêu chuẩn hoá từng bước lưới điện trung, hạ thế, thực hiện các biện pháp đồng bộ để giảm tổn thất điện. Nghiên cứu xây dựng nhà máy điện nguyên tử trong quy hoạch dài hạn. Tích cực sử dụng năng lượng mặt trời,..
Nâng cấp dần hệ thống đường bộ hiện có, đặc biệt là một số trục đường quan trọng nối liền miền Bắc với miền Nam, nối các trung tâm kinh tế lớn. Xây dựng thêm một số tuyến đường mới. Nâng cấp các tuyến đường trục đến các vùng miền núi, đường bộ từ tỉnh đến huyện, xã; mở thêm đường xuống xã. Cải tạo đường và mở rộng vận tải công cộng tại các đô thị và khu công nghiệp lớn. Mở rộng, hiện đại hoá từng bước các cảng biển và sân bay lớn; nâng cấp một số cảng biển nhỏ và sân bay địa phương. Giành đủ thương quyền vận tải biển và hàng không quốc tế. Củng cố một số tuyến đường sắt, khôi phục, nâng cấp và mở thêm một số đoạn, khai thác các tuyến liên vận quốc tế. Phát triển vận tải đường sông, chủ yếu ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
Phát triển thông tin liên lạc hiện đại. Cải tạo và phát triển mạng điện thoại trong các thành phố. Đưa liên lạc điện thoại thông suốt đến hầu hết các xã, các cửa khẩu.
Quy hoạch sử dụng tổng hợp các nguồn nước, bảo đảm đủ nước cho công nghiệp và đời sống. Chống ô nhiễm các nguồn nước. Xử lý tốt chất thải, nước thải, cải thiện hệ thống thoát nước cho các đô thị, khu công nghiệp. Tăng vốn đầu tư bằng nhiều nguồn cho nâng cấp, xây dựng và hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng văn hoá - xã hội như trường học, bệnh viện, truyền thanh, truyền hình, văn hoá, thể dục, thể thao... Tăng phương tiện và cơ sở vật chất cho việc thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình và giải quyết một số vấn đề xã hội quan trọng khác. Xây dựng một số trung tâm đại học, khoa học - công nghệ, y tế, thể dục, thể thao quốc gia, các trung tâm thương mại… f) Phát triển kinh tế vùng
Công nghiệp hoá nông nghiệp và kinh tế nông thôn:
Phát triển thuỷ lợi, đáp ứng về cơ bản nhu cầu tưới tiêu.
Đưa các công nghệ tiến bộ, đặc biệt là công nghệ sinh học, vào sản xuất nông nghiệp, trước hết ở khâu giống. Thực hiện cơ giới hoá từng phần công việc. Mở rộng điện khí hoá ở các vùng có lưới điện và xây dựng các trạm thuỷ điện nhỏ, điện chạy dầu ở nơi chưa có lưới điện.
Phát triển chế biến nông, lâm, thuỷ sản và các công nghiệp khác; hình thành các cụm công nghiệp, dịch vụ ở các thị xã, thị trấn, thị tứ. Phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống của từng vùng, mở thêm những ngành nghề mới.
Coi trọng việc giải quyết nước sạch, phát triển giao thông nông thôn, lưới điện, trường học, trạm y tế, bưu điện, truyền thanh, truyền hình, nhà văn hoá..., các loại dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, dần dần tạo bộ mặt nông thôn mới.
Đầu tư phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân để các đô thị làm hạt nhân thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong vùng và trên cả nước.
Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống đô thị; quản lý đất đai, cải tạo và xây dựng đô thị theo quy hoạch và tiêu chuẩn. Ban hành đồng bộ các chính sách
và quy chế quản lý đô thị. Kiện toàn bộ máy quản lý xây dựng đô thị. Tập trung giải quyết các yêu cầu cấp bách về cấp, thoát nước, cấp điện, giao thông, vệ sinh môi trường, thanh toán nhà ổ chuột.
Cải tạo, mở rộng, nâng cấp đô thị hiện có. Xây dựng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ thành những trung tâm lớn, song tránh sự tập trung quá đông dân cư. Nâng cấp một số đô thị loại vừa, trước hết là các đô thị nằm trên các trục giao thông chính, ở các cửa khẩu, các địa bàn kinh tế trọng điểm. Phát triển mạng đô thị nhỏ (thị trấn, thị tứ) làm chức năng trung tâm kinh tế - xã hội của huyện hoặc làm vệ tinh cho các đô thị lớn và vừa.
Để phát triển các đô thị, ngoài phần vốn quan trọng do ngân sách Nhà nước cấp, cần sớm ban hành các chính sách cho các đô thị như: chuyển các dịch vụ đô thị sang hạch toán kinh doanh, thu tiền sử dụng đất, thuế nhà đất, lệ phí của các doanh nghiệp... Khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công cộng và phát triển nhà ở theo đúng quy hoạch và chính sách kiến trúc. Các đô thị được quyền trực tiếp hợp tác với nước ngoài đầu tư khai thác cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng theo quy định của Nhà nước.
Phát triển công nghiệp trung du, miền núi và Tây Nguyên:
Phát triển công nghiệp trên địa bàn nhằm phát huy các thế mạnh của miền núi, trung du và Tây Nguyên về lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và khoáng sản.
Công nghiệp hoá nông - lâm nghiệp. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh, áp dụng công nghệ sinh học cho năng suất, chất lượng cao và khối lượng sản phẩm lớn.
Phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản.
Đối với công nghiệp khai khoáng, tiếp tục điều tra tài nguyên khoáng sản; trước mắt chủ yếu khai thác một số mỏ nhỏ và vừa, phục vụ nhu cầu địa phương và
khu vực nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước; bảo đảm đúng quy trình, quy phạm để tận dụng nguồn tài nguyên, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sinh thái. Đồng thời quy hoạch và chuẩn bị một số dự án khai thác lớn cho những năm sau.
Trong việc phát triển kinh tế nhiều thành phần ở trung du, miền núi và Tây Nguyên, kinh tế nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần xây dựng những doanh nghiệp nhà nước làm tốt vai trò của các trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học- kỹ thuật, cung cấp dịch vụ về giống, vật tư, công nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... cho nông dân trong vùng, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá.
Kết hợp khả năng của Nhà nước và nhân dân, trung ương và địa phương để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng cần thiết, trước hết là ở các vùng sản xuất tập trung.
Coi trọng đào tạo nghề nghiệp, nâng cao dân trí và sức khoẻ của đồng bào các dân tộc để xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ; đồng thời có chính sách thu hút lao động từ đồng bằng và các thành thị, kể cả cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý và công nhân lành nghề, lên xây dựng miền núi, Tây Nguyên.