Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Một phần của tài liệu Đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ đổi mới (Trang 35 - 39)

III. NỘI DUNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC

b)Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Phương hướng cơ bản CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, là nơi đang chiếm đại bộ phận dân cư lao động xã hội và đất đai, có điều kiện phát triển, là nguồn nội lực to lớn và đang là lợi thế của đất nước ta.

Phải tập trung cao hơn với những dự án cụ thể thiết thực để đưa nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phải giành một tỷ lệ quan trọng các nguồn vốn huy động được để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tổ hợp công - nông nghiệp - dịch vụ ở những địa bàn cho phép để chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất công cụ lao động nông nghiệp, phát triển các loại dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ khoa học - kỹ thuật, cung cấp vật tư, giống cây trồng, vật nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho nông, lâm, ngư nghiệp. Đổi mới chính sách và tháo gỡ các ách tắc để phát triển toàn diện, bền vững; khuyến khích thật mạnh việc khai thác, đưa vào sử dụng đất trống, đồi núi trọc và đất còn hoang hóa, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, tăng sức mua và phát triển ổn định thị trường nông thôn.

Các giải pháp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới. Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở đảm bảo an toàn lương thực quốc gia. Trước hết hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến cho những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tính

hàng hóa cao; chuyên canh để có nông sản hàng hóa nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp chế biến, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản, bao gồm cả lâm sản và thuỷ, hải sản, ưu tiên phát triển các cây trồng và vật nuôi có quy mô xuất khẩu tương đối lớn và thị trường ổn định, đặc biệt coi trọng các sản phẩm quý hiếm ta có lợi thế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn phải nhằm nâng tỷ trọng và tốc độ phát triển của công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Muốn vậy, phải coi công nghệ sinh học và công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch nông - lâm - thủy, hải sản để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của hàng nông sản là nội dung cốt lõi của CNH, HĐH sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Điều đó đòi hỏi phải có quy hoạch, chính sách phù hợp, kết hợp lợi ích và tìm ra mô hình tối ưu để giải quyết quan hệ giữa người làm ra nguyên liệu và người chế biến tiêu thụ.

Hai là, phát triển công nghiệp nông thôn, kết cấu hạ tầng, dịch vụ nông thôn, tiến hành phân công lại lao động ở nông thôn theo hướng giảm lao động thuần nông, tăng lao động trong những ngành phi nông nghiệp trên cơ sở phát triển các ngành nghề, làng truyền thống và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, công nghiệp khai thác và chế biến các nguồn nguyên liệu phi nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân v.v... Muốn vậy phải tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, ưu đãi, khuyến khích mọi người dân, mọi thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập ở nông thôn. Xây dựng những khu công nghiệp quy mô nhỏ, các trung tâm kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn. Trong phát triển công nghiệp nông thôn thì phải đặc biệt chú ý phát triển công nghiệp chế biến nông sản để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Hiện nay, nhiều cơ sở chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả cơ sở quy mô lớn, thiết bị và công nghệ còn lạc hậu, hiệu quả thấp, chưa làm được vai trò là người bao mua tin cậy của nông dân, chưa có cơ chế hợp lý để gắn lợi ích của các nhà máy chế biến với lợi ích của nông dân, các hộ nông dân sản xuất nguyên liệu thường phải chịu thiệt thòi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, việc ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng các kho chứa, thiết bị phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch, các cơ sở chế biến thuộc các thành phần kinh tế trong nông nghiệp đi đôi với chấn chỉnh hoạt động theo hướng gắn kết hài hòa hiệu quả của nhà máy với lợi ích của nông dân, phải được coi là yêu cầu quan trọng để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân và nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu. Chính phủ sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ về vốn vay, về thuế, về chuyển giao công nghệ đối với các cơ sở chế biến nông sản ở nông thôn để giúp họ tự vươn lên đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ba là, thực hiện chính sách ruộng đất theo hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, trên cơ sở sử dụng ruộng đất có hiệu quả. Cho phép tích tụ ruộng đất lành mạnh, nhưng không làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân. Tích tụ ruộng đất phải đi đôi với phát triển ngành nghề, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn cho dân cư nông thôn. Phát triển kinh tế trang trại với các hình thức sở hữu khác nhau ở những nơi có nhiều ruộng đất, khai phá đất hoang để trồng cây dài ngày, chăn nuôi đại gia súc... Chính sách đất đai phải tạo điều kiện và thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp hiện có và khai thác nhanh đất hoang hóa đang còn chiếm một diện tích lớn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đất vào mục đích chuyên dùng phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và pháp luật, Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để tổ

chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền cụ thể tùy mục đích và đối tượng sử dụng đất.

Bốn là, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, tăng nhanh trang bị kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp và nông thôn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất và sử dụng sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp. Nâng cao dần trình độ công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch. Lựa chọn và nhanh chóng tiếp thu những công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến ở những khâu, những ngành then chốt, có ý nghĩa quyết định và tác động trực tiếp đến việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của nhiều ngành khác. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nông thôn theo sở trường, thế mạnh về năng lực và bàn tay khéo léo của người Việt Nam, phù hợp với nhu cầu thị trường. Công nghiệp và dịch vụ sẽ là những ngành kinh tế ngày càng chiếm vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kinh tế nông thôn. Nhà nước giúp đào tạo cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật, các nhà kinh doanh cho nông nghiệp, nông thôn.

Năm là, chú trọng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước. Đây là vấn đề bức xúc, đóng vai trò quyết định trở lại đối với sản xuất và đời sống của nông ngư dân. Cả nước là một thị trường thống nhất, phát triển sản xuất tăng sức mua dân cư, củng cố hệ thống thương nghiệp nông thôn. Tạo ra một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mà ta có ưu thế và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Giữ vững và mở rộng thị trường đã tạo lập được. Đẩy mạnh việc tìm thị trường mới, đa phương và đa dạng hóa quan hệ thương mại quốc tế, giảm sự tập trung vào một vài đối tác và việc mua bán qua thị trường trung gian nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu và tạo được thị trường ổn định. Xuất phát từ nhu cầu thị trường để tổ chức sự hợp tác liên kết từ sản xuất đến lưu thông chế biến tiêu thụ từng loại nông sản. Sáu là, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong kinh tế nông nghiệp,

nông thôn. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải gắn với chuyển đổi, xây dựng và phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác trên cơ sở tự nguyện của các hộ nông dân theo hướng chuyển đổi hợp tác xã.

Một phần của tài liệu Đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ đổi mới (Trang 35 - 39)