Đội ngũ công nhân Thái Nguyên là lực lượng sản xuất chủ yếu trong quá trình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa ở Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Đội ngũ công nhân Thái Nguyên với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (Trang 41 - 43)

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, toàn bộ nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp gắn với việc áp dụng công nghệ hiện đại. Vì thế, vai trò của giai cấp công nhân là vô cùng to lớn vì họ là những người trực tiếp sản xuất và hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp. Trong thực tế, đội ngũ công nhân Thái Nguyên là những lao động trực tiếp và có mặt ở tất cả các ngành công nghiệp quan trọng, các khu công nghiệp then chốt và ở mọi thành phần kinh tế. Sự phát triển kinh tế nói chung trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chủ yếu dựa trên tốc độ tăng trưởng về công nghiệp vì vậy mà sự phát triển của các ngành công nghiệp, các khu công nghiệp, dịch vụ và sự tăng trưởng của nó là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà ngay trong thời kỳ hòa bình lập lại, đội ngũ công nhân Thái Nguyên đã làm chủ và điều hành các cơ sở vật chất và các phương tiện trang thiết bị sản xuất hiện đại nhất. Trong thời điểm hiện nay, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và chuyển giao công nghệ hiện đại, với cương vị là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, đội ngũ công nhân Thái Nguyên tiếp tục là người đầu tiên tiếp nhận, lắp đặt, vận hành, điều khiển, sử dụng máy móc và các thiết bị hiện đại. Bản thân họ, là những người đi đầu trong việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều sản phẩm đa dạng, tăng năng suất lao động đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân (từ những năm 60 của thế kỷ XX, đội ngũ công nhân Thái Nguyên đã tiếp xúc với dây chuyền công nghệ hiện đại (so với thời kỳ đó) do Liên Xô và các nước Đông Âu tài trợ, hiện nay, do yêu cầu của sản xuất công nhân Thái Nguyên tiếp tục được trang bị những kỹ thuật, công nghệ mới thay thế và cải tạo dây chuyển sản xuất theo hướng hiện đại như chuyển lò nung bằng than, củi sang lò tuy len nung bằng dầu và khí ga. Sử dụng dây chuyền tuyển quặng sắt, thiếc mới của một số nước châu Âu. Công nghệ sản xuất thép và cán thép thế hệ mới của Nhật và một số nước tiên tiến khác. Luyện kim màu và sản xuất vật liệu xây dựng cũng được trang bị công nghệ hiện đại, công nghệ tuyển

than sạch, giấy bìa cũng được nhập từ các nước có nền kỹ thuật phát triển và đang đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh với giá trị cao. Các sản phẩm dệt, may mặc, da giầy xuất khẩu do cải tiến công nghệ đã từng bước thâm nhập vào thị trường thế giới và được đánh giá cao). Bên cạnh việc tiếp nhận và trực tiếp vận hành có hiệu quả dây chuyền công nghệ hiện đại, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến thế giới vào thực tiễn sản xuất, đội ngũ công nhân lao động Thái Nguyên không ngừng học hỏi sáng tạo, cải tiến công cụ sản xuất, đưa ra nhiều sáng kiến làm lợi cho tỉnh hàng tỷ đồng. Nhờ quá trình đẩy mạnh sản xuất, Thái Nguyên đã mở rộng thị trường đến 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều sản phẩm phong phú [47, tr.5]. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm là 3,6%, nhờ đó mà tổng thu ngân sách từ công nghiệp những năm 1991-1992 là 25,4% đến 2004 công nghiệp đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh trên 50%. Tất cả những dẫn chứng đã khẳng định rõ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường phát triển tất yếu của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự nghiệp phát triển công nghiệp tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng của mỗi địa phương và lực lượng đi đầu, có vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp hiện đại không thể không là giai cấp công nhân. Riêng đối với Thái Nguyên, đội ngũ công nhân không ngừng lớn mạnh theo thời gian và ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu Đội ngũ công nhân Thái Nguyên với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (Trang 41 - 43)