* Những kết quả đạt được
Phổng Lăng là một xã miền núi, có điều kiện tự nhiên khó khăn. Tuy nhiên, cùng với các xã, thị trấn thuộc huyện Thuận Châu, xã đã vượt qua những điều kiện khó khăn của một địa phương đặc trưng miền núi. Trong thời gian 3 năm (2007 – 2009), với sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể nhân dân, quy chế đã tiếp tục được phát huy. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn xã Phổng Lăng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện ở trên các lĩnh vực sau:
- Trên lĩnh vực kinh tế: Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhân dân có quyền được biết, được thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền xã về các vấn đề kinh tế, đó chính là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, như: luật lao động, luật vay vốn, luật kinh tế… hay các chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, các khoản thuế, định hướng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, kinh tế rừng…
Thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân cũng được trực tiếp bàn bạc một cách dân chủ các khoản đóng góp, xây dựng trường học, trạm xá, đường, điện, mương phai, cầu cống, xây dựng cơ sở hạ tầng. Không chỉ như vậy, mà nhân dân còn được phổ biến kinh nghiệm làm ăn, nắm được các chương trình hỗ trợ vay vốn, xoá đói, giảm nghèo, giúp đỡ các hộ khó khăn về kinh tế phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Trong thời gian qua, nhân dân trong toàn xã đã tích cực, hăng hái tham gia vào các hoạt động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, lớp học, công trình thuỷ lợi, mương phai, đường sá đạt hiệu quả cao. Với 14 bản trực thuộc xã, các bản có những đặc điểm tương đồng nhau, chủ yếu nhân dân trong các bản lao động theo cụm bản, trong đó, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp đạt 97.76% chỉ tiêu kế hoạch năm, xã đã vận động nhân dân tu sửa giao thông, thuỷ lợi với 3 phai bê tông, hơn 4 km mương dẫn nước được khai thông, tu sửa; 3 bản đã có đường bê tông, 2 bản khác do địa thế khó khăn cũng được sửa sang, làm lại, mở rộng
đường sá [26, 5]. Tất cả các công trình, cơ sở hạ tầng được tu sửa, xây dựng với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn xã Phổng Lăng, nhân dân được biết, được bàn các nội dung thu, chi, định mức cụ thể từng khoản đóng góp tuỳ tiện tràn lan, quá khả năng thực tế đã ngăn chặn. Nhân dân không những biết, bàn, mà còn trực tiếp tham gia, trực tiếp kiểm tra, giám sát các hoạt động chi tiêu, quản lý nguồn tài chính mà mình đóng góp. Họ cử người vào quản lý công trình để kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng, nghiệm thu chất lượng công trình… Điều đó khẳng định rằng, khi người dân được tham gia trực tiếp vào quá trình kinh tế như là chủ thể, từ khâu bàn bạc đến thực hiện, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của chính quyền cơ sở thì việc huy động nguồn lực của người dân mới nhanh chóng phục vụ cho lợi ích thiết thực của nhân dân.
-Trên lĩnh vực chính trị: Việc triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở đã bước đầu nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng trong nhân dân, mà trước hết là ý thức dân chủ.
Quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sinh hoạt chính trị của nhân dân đã bình đẳng hơn; nhân dân nhiệt tình tham gia sinh hoạt chính trị, hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ cũng sôi nổi, hăng hái, tự giác bàn và quyết định nhiều công việc quan trọng, thiết thực; được tự do phát biểu ý kiến xây dựng, được quyền gia nhập, sinh hoạt trong các tổ chức xã hội phù hợp với lợi ích thiết thực của bản thân; được tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước khi còn là dự thảo; được yêu cầu bãi miễn cán bộ dân cử có sai phạm… quyền làm chủ trên lĩnh vực chính trị của nhân dân ở cơ sở còn được phát huy, trước hết các quyền bầu cử và ứng cử, lựa chọn những người đại diện cho lợi ích và quyền lợi của mình. Trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trên địa bàn xã Phổng Lăng có 14/14 bản đã được kiện toàn. Trong
đó, số trưởng bản được bầu mới là 2/14 = 14,28%, trưởng bản tái cử là 12/14 = 85,72% [26, 6].
Việc nhân dân bầu trưởng, phó bản một cách trực tiếp là phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân, thể hiện dân chủ một cách sâu sắc, hợp lòng dân, được nhân dân quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng với trách nhiệm cao, vì lợi ích thiết thực của dân chúng.
Để phục vụ cho nghiên cứu đề tài, tác giả đã cố gắng thực hiện phương pháp điều tra xã hội học bằng phiếu hỏi. Vì thời gian còn hạn chế, và một số điều kiện do liên quan tới hoạt động học tập, địa hình đồi núi của địa bàn xã. Do vậy, vào tháng 12/2009, tác giả mới xây dựng phiếu hỏi ở 12/14 bản dân cư, với 160 phiếu (xem Phụ lục) dành cho các đối tượng là: Đoàn viên, nông dân, đảng viên,... Ở đây, tác giả đã chọn dung lượng mẫu trên tổng thể là 2994/4519 khẩu là công dân đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn (Nguồn: Báo cáo điều tra dân số theo định kỳ xã Phổng Lăng, 2009), với yêu cầu mức độ tin cậy là 99%, sai số không vượt quá 10%. Xử lý mẫu phiếu hỏi bước đầu thu được các kết quả về thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn xã như sau:
Trả lời câu hỏi: “Ông (bà), anh (chị) có thái độ như thế nào trước việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn xã?”, tỉ lệ trả lời như sau:
“Phấn khởi”: 102/160 phiếu, chiếm 64%. “Bình thường”: 43/160 phiếu, chiếm 27%. “Khó trả lời”: 15/160 phiếu, chiếm 9%.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn xã Phổng Lăng có tác động tích cực đến việc xây dựng Đảng, củng cố chính quyền xã. Các lĩnh vực hoạt động của Đảng, chính quyền xã đều được công khai, dân chủ; nhiều công việc, kỳ họp quan trọng đều được đưa ra thảo luận, thăm dò ý kiến của nhân dân trước khi đưa ra quyết định. Đó cũng chính là một điều khẳng định sự tham góp của quần chúng nhân dân vào công việc của chính quyền nhà nước ở cơ sở, thể hiện tinh thần dân chủ cao.
Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, các tổ chức Đảng, chính quyền làm việc thiết thực hơn, sâu sát với tình hình thực tế. Do vậy, niềm tin của nhân dân
vào Đảng, vào Nhà nước XHCN càng được củng cố và được nâng cao hơn. Hơn nữa, cán bộ quản lý, đại diện cho Nhà nước, Đảng cũng do nhân dân tín nhiệm bầu ra, vì thế việc thực hiện QCDC ở cơ sở càng làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền thêm gắn bó, sâu sắc; hạn chế được tình trạng quan liêu, phạm luật, ngăn chặn được tình trạng biến chất thoái hoá trong bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo đó, đội ngũ của cán bộ đảng viên cũng đã tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất; giảm tiêu cực, không được lòng dân. Điều đó đã được nhân dân đánh giá cao.
Trả lời câu hỏi: “Theo ông (bà), anh (chị) thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thì trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này có tỉ lệ như sau:
“Được nâng cao”: 133/160 phiếu, chiếm 83%. “Bình thường”: 27/160 phiếu, chiếm 17%.
“Không được nâng cao”: 0/160 phiếu, chiếm 0%
Như vậy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã giúp chính quyền, Đảng bộ xã Phổng Lăng có căn cứ để đánh giá đúng và sâu sát về đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn về trình độ, năng lực cũng như phẩm chất đạo đức. Việc thông qua các đoàn thể đại diện, nhân dân đã thực sự được kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cụ thể đó là giám sát bầu cử Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các trưởng phó bản, từ đó được lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng, tin cậy.
-Trên lĩnh vực văn hoá – xã hội: Quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực này thể hiện tập trung ở sự nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, tăng cường củng cố tình đoàn kết làng xóm, cộng đồng; giáo dục truyền thống văn hoá, nâng cao ý thức chính trị cho nhân dân. Ở đây, nhân dân ở tất cả các bản trong xã đã xây dựng những quy ước, hương ước phù hợp với điều kiện từng bản, trong khuôn khổ của pháp luật, nhằm xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng môi trường văn hoá văn minh, lành mạnh trong từng gia đình, làng bản. Nhờ có những bản quy ước, hương ước và những buổi tổng kết, rút kinh nghiệm, đã góp phần làm cho đời sống của nhân
dân đi vào ổn định, ít xảy ra sự mất đoàn kết trong nhân dân trong bản, trên phạm vi địa bàn xã.
Trả lời cho câu hỏi: “Trong bản ông (bà), anh (chị), tình hình xây dựng nếp sống văn hoá như thế nào?”. Tỉ lệ số phiếu cho kết quả như sau:
“Đã xây dựng”: 124/160 phiếu, chiếm 77.5%. “Đang xây dựng”: 36/160 phiếu, chiếm 22.5% “Chưa đặt ra”: 0/160 phiếu, chiếm 0%.
Việc xây dựng bản văn hoá là một công tác thường xuyên của chính quyền địa phương, cũng là tinh thần chung của nhân dân, dân tộc xã Phổng Lăng. Đây là một mục tiêu khẳng định tính tích cực, chủ động của nhân dân trong việc góp phần đưa dân cư vào nếp sinh hoạt văn hoá tích cực, lành mạnh. Đến nay, mặc dù điều kiện khó khăn, kinh tế - xã hội cũng mới chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định, toàn xã có 5/14 bản được công nhận là bản văn hoá (Nà Thái, Bản Dửn, Phiêng Cại, Bản Coòng, Bản Bỉa). Kết quả ấy đánh giá sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền, Đảng bộ, nhân dân xã nói chung và nhân dân ở các bản đạt danh hiệu “Bản văn hoá” nói riêng; phần nào đánh giá được những thành tựu bước đầu của việc thực hiện QCDC ở cơ sở đem lại.
Thành tựu trên lĩnh vực văn hoá - xã hội còn phải kể đến sự đóng góp của nhân dân trong việc xây dựng trạm y tế, lớp học cho con em của mình; đầu năm học, mỗi phụ huynh học sinh đều có trách nhiệm đi tu sửa trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc học tập của học sinh, con em mình; Mỗi bản đều thành lập một đội văn nghệ không chuyên, để giao lưu, sinh hoạt với bản bạn, hay đem ra biểu diễn trong các dịp lễ, tết - tạo nên những nét văn hoá đi sâu vào đời sống của nhân dân.
Như vậy, từ thành tựu đạt được trong 3 năm tiếp tục thực hiện QCDC ở cơ sở, ta có thể khẳng định rằng: Việc thực hiện QCDC ở cơ sở không chỉ nâng cao ý thức chính trị, góp phần cải cách hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế; mà còn góp phần cải tạo môi trường văn hoá, giáo dục, làm lành mạnh hoá các mối quan hệ xã hội, quan hệ ứng xử trong từng gia đình, cộng đồng; nếp sống văn minh, lịch sự đã được nâng cao, an ninh trật tự đi vào ổn định. Đây
thực sự là kết quả không nhỏ đối với quá trình đổi mới, xây dựng xã Phổng Lăng hiện nay, và với quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội trên phạm vi toàn địa bàn.
Tóm lại, từ năm 2007 đến năm 2009, ba năm tiếp tục triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 29 của Thủ tướng Chính phủ, xã Phổng Lăng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, và việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn xã Phổng Lăng
* Nguyên nhân của những kết quả trên
Những kết quả trên trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở đạt được là do những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Thứ nhất, QCDC ở cơ sở đã đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của thực tiễn cuộc sống hàng ngày của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiệt tình tham gia, hưởng ứng cao.
- Thứ hai, quá trình thực hiện quy chế được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đầy trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền xã, MTTQ, các đoàn thể quần chúng nhân dân. Điều đó thể hiện qua 100 ý kiến khi được hỏi: “Vai trò của Đảng bộ, chi bộ trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như thế nào?”. Tỉ lệ câu trả lời như sau:
“Đã phát huy vai trò”: 111/160 phiếu, chiếm 69%. “Chưa phát huy vai trò”: 49/160 phiếu, chiếm 31%. “Khó trả lời”: 0/160 phiếu, chiếm 0%.
- Thứ ba, công tác tổ chức chuẩn bị, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm của quá trình thực hiện QCDC trên địa bàn được tiến hành đúng quy trình, chu đáo.
- Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, các đảng viên đã thực sự trở thành những hạt nhân gương mẫu, tích cực của việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn xã Phổng Lăng.