NHẰM BỒI DƯỠNG PPTN VẬT LÝ CHO HỌC SINH
2.3.3. Kết quả điều tra
Chúng tôi đã tiến hành điều tra 40 giáo viên và 400 học sinh ở 4 trường THPT thuộc huyện CưM’Gar và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Đăklăk: Trường THPT
CưM’Gar, Lê Hữu Trác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua điều tra chúng tôi
thu được một số kết quả sau:
+ Về hiểu biết chung của giáo viên về phương pháp thực nghiệm: hầu hết các giáo viên được khảo sát đều có biết hoặc có nghe về phương pháp này nhưng một số giáo viên vẫn cho rằng phương pháp thực nghiệm chỉ đơn thuần là sử dụng thí nghiệm trong dạy học nên việc vận dụng phương pháp này trong giảng dạy là hầu
như không có.
Phương pháp giảng dạy: Việc tiến hành dạy hầu như vẫn được giáo viên diễn đạt bằng lời: mô tả, giải thích hiện tượng, nhấn mạnh cho học sinh những kiến thức cơ bản và nội dung quan trọng, cuối cùng là yêu cầu học sinh áp dụng công thức làm bài tập. Một số giáo viên có sử dụng thí nghiệm trong bộ thí nghiệm tối thiểu cung cấp để suy ra nội dung định luật Bôilơ – Mariôt và định luật Sáclơ nhưng là thí nghiệm do giáo viên biểu diễn, học sinh chủ yếu vẫn là nghe và ghi chép. Và qua nhận xét của các giáo viên thì kết quả thu được từ các thí nghiệm này cho sai số khá lớn nên tính thuyết phục không cao, nên một số giáo viên ngại sử dụng, mà chỉ sử dụng kết quả thí nghiệm mà sách giáo khoa cung cấp.
Nhiều giáo viên muốn phát huy tính tích cực họat động của học sinh bằng việc đặt ra các câu hỏi cho học sinh suy nghĩ trả lời nhưng hầu hết các câu hỏi chỉ là kiểm tra kiến thức cũ của học sinh mà chưa có tác dụng kích thích hứng thú học tập của các em.
Việc tổ chức cho các em tự lực chiếm lĩnh kiến thức chưa được các giáo viên quan tâm, lý do được đưa ra là do chất lượng học sinh còn thấp, chuẩn bị cho một tiết học như vậy tốn khá nhiều thời gian.
Về các kỹ năng liên quan đến PPTN: các em thật sự thấy lúng túng trong việc trả lời những câu hỏi liên quan đến kỹ năng của PPTN như: đo đạc, đọc số liệu, tính toán sai số…
Về thái độ học tập của học sinh: Đa số học sinh còn thụ động, chưa tích cực suy nghĩ mà chỉ ngồi nghe giảng, ghi chép và học thuộc. Và khi được hỏi thì các em chỉ coi Vật lý là một môn học bình thường mà chưa có sự yêu thích, hứng thú với môn học. Và khi được giáo viên yêu cầu trả lời cho những vấn đề giáo viên đặt ra thì các em rất thiếu tự tin và khả năng trình bày ý kiến của bản thân mình rất kém. Thông qua việc trao đổi trực tiếp với học sinh, phân tích bài làm của học sinh trong các tiết bài tập, chúng tôi nhận thấy những khó khăn học sinh hay gặp phải trong quá trình học phần chất khí là:
- Học sinh chưa xác định được lượng khí cần xét trong một số bài toán phức tạp.
- Một số học sinh còn chưa nhận biết được quá trình biến đổi trạng thái khí là quá trình nào nên chưa biết lựa chọn kiến thức cần áp dụng.
- Một số học sinh còn nhầm lẫn giữa đường đẳng nhiệt, đường đẳng tích, đường đẳng áp nên không biết cách vẽ chúng trong các hệ tọa độ khác.
- Ngoài ra, những kiến thức về việc xử lý các kết quả thí nghiệm thì hầu như các em không nhớ hoặc không biết.
Qua tìm hiểu chúng tôi rút ra những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên
của học sinh:
Nội dung của phần chất khí khá tách biệt so với những phần trước, học sinh khó nhận biết được quá trình biến đổi trạng thái là do ở các phần trước các em đã quen với những hiện tượng vật lý có thể nhìn thấy tận mắt, còn ở phần này các em chỉ có thể tưởng tượng nên học sinh khó hình dung được.
Nhiều giáo viên chỉ tập trung vào việc truyền thụ nội dung mà chưa chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm gây hứng thú, giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự lực học tập.
Khi giảng dạy các định luật chất khí thì một số giáo viên chỉ tập trung vào điều kiện nhiệt độ không đổi, thể tích không đổi, áp suất không đổi mà chưa nhấn mạnh đến điều kiện lượng khí phải xác định.
Khi làm các thí nghiệm thì hầu hết các giáo viên đều chọn phương án thí nghiệm biểu diễn của giáo viên nên học sinh không được rèn luyện các kỹ năng thực hành, kỹ năng xử lý các số liệu.
Việc xây dựng định luật Bôi-lơ – Mariốt, định luật Sác-lơ được hầu hết các
giáo viên tiến hành theo đúng trình tự trong sách giáo khoa mà chưa quan tâm đến
việc bồi dưỡng PPTN cho học sinh.