Bất cứ một nền kinh tế nào muốn phát triển được đều phải có những nguyên liệu cần thiết để hoạt động. Và ngành công nghệ du lịch cũng vậy, muốn phát triển được trước tiên phải đưa vào những nguyên liệu của nó là những cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hoá. Tuy nhiên, kết quả có tạo ra được những sản phẩm du lịch tốt, có chất lượng hay không lại phụ thuộc phần lớn vào tài năng sử dụng khéo léo của những người làm chủ.
Chúng ta có thể điểm qua một vài quốc gia trên thế giới đã thành công trong lĩnh vực khai thác này. Đầu tiên phải kể tới sự tài ba của người Trung Quốc. Họ đã có thể sử dụng và khai thác triệt để những Vạn Lý Trường Thành, Cố cung - Thiên An Môn (Bắc Kinh), Lăng mộ binh mã thời Tần (Thiểm Tây), Tháp truyền hình cao nhất Châu Á - Minh Châu, đến cánh điều Duy Phương (Sơn Đông),... để đưa nền kinh tế lên cao.
Người Tây Ban Nha cũng đã xuất khẩu tại chỗ "bãi tắm và ánh nắng" cùng các lễ hội, công trình tôn giáo và cả những cuộc thi đấu bò tót truyền thống để thu hút về mỗi năm khoảng 10 tỷ đô la với 50 triệu lượt khách thăm quan du lịch.
Có những quốc gia tập trung chú trọng vào phong cách thời trang đặc trưng của từng thời kỳ để tạo nên lực hút đối với du khách. Đối với người Pháp, họ cho những người gác cổng mặc trên mình những chiếc áo giáp sắt gióng như các kỵ sỹ thời Trung cổ. Còn người Italia thì lại cho các nhân viên phục vụ trong khách sạn ăn mặc giống như các nhân vật trong các bức tranh treo tại phòng ở các quý tộc thời xưa,... Với người Hungari, thì họ lãi giữ nguyên các lâu dài cổ với tất cả những cảnh quan và tiện nghi của nó để tạo thành những khách sạn, phục vụ hoạt động lưu trú của du khách.
Sở dĩ trong những quốc gia này đạt được những thành quản lớn lao về du lịch như vậy là do họ đã nắm bắt được, biết khai thác và kết hợp những tiềm năng sẵn co để thu hút du khách mà vẫn giữ được nét bản sắc văn hoá riêng của chính mình. Đây chính là một kinh nghiệm quý báu và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của nước ta học tập.
Chúng ta đã có một phố Cổ Hà Nội với những đường nét xưa, đồng thời lại gắn liền với cuộc sống hiện tại. Đó chính là một lợi thế lớn mà nếu chúng ta biết cách khai thác một cách bền vững thì sẽ tạo ra một nguồn thu không nhỏ đối với các dịch vụ tại điểm du lịch, hấp dẫn du khách khiến họ đến và quay trở lại hoặc giới thiệu với bạn bè.
Cần phải nhận thức rằng: Du khách tìm hiểu văn hoá của một khu vực, một quốc gia không chỉ là tìm đến với những giá trị văn hoá cổ truyền mà còn muốn sống với không khí cuộc sống hiện tại, đắm mình vào thực thể vào một nếp sống dưới một nếp nhà cổ truyền thống. Điều này có nghĩa là không chỉ có những khách sạn, nhà hàng cao cấp mới đáp ứng được những nhu cầu của những vị khách khó tính. Bởi: "Nếu Hà Nội có những toà nhà chọc trời như BangKok thì người ta cũng chẳng cần đến Hà Nội làm gì?
Để điều này trở thành hiện thực, trước hết, "phố Cổ phải là một bảo tàng sống động bằng không gian kiến trúc xưa cộng với cuộc sống đời thường", và hơn nữa là kế sinh nhai, là cách làm giàu cho người dân ở đây. Xu hướng cho người du lịch đến thuê những nhà dân hứa hẹn một xu hướng khả thi trong việc giới thiệu văn hoá và thu lợi nhuận. Đây là một hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điều này đã được minh chứng qua một số điểm du lịch của nước ta. Du khách thích thú vì được sống trong những ngôi nhà đơn sơ giữa cảnh núi rừng đơn sơ, mộc mạc tại Bản Lác - Mai Châu, chèo mái trên những nhà thuyền bên sông Hương êm đềm, lãng mạn trong "Festival Huế"; hay ở một ngôi nhà cổ tại khu nhà cổ Hội An với cảm giác ngỡ mình đang đắm mình trong một thời kỳ xa xưa, bình dị, chứ không phải là một du lãng nơi đất khách quê người. Hơn nữa, chính sách giá cả lại khá phù hợp với giá thuê chỗ ở khoảng 20USD/ngày và khoảng 10USD cho ăn uống. Sự phát triển nhu cầu của loại hình này không ngừng được tăng lên và có thể nói đây là một giải pháp trong vô vàn những giải pháp bảo tồn và tôn tạo khu phố Cổ. Hướng đi này khẳng định sự đúng đắn và phù hợp của nó với những đề xuất mà đồng chí Võ Văn Kiệt đã nêu ra: "Nên cho phép ngôi nhà cổ được nhận khách đến ở theo cách: "Lấy di tích nuôi di tích" với điều kiện giữ nguyên hiện trạng kiến trúc, cảnh quan và bảo vệ môi trường".
Trước hết, mục tiêu trước mắt là nên thay vì sử dụng ngôi nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Dầu với mục tiêu tham quan, thì ta có thể cho một nhóm
người hay một gia đình thuê ngắn hạn cư trú tại địa điểm này. Còn với mặt sau phố Cổ, là một tiềm năng lớn để phát triển thành một khu phố du lịch có tính văn hoá cao, có đầy đủ các nhà hàng dân tộc, khách sạn, có các nhà hàng lưu niệm, phòng triển lãm trưng bày tranh phố cổ xưa, các nơi vui chơi giả trí với những trò chơi dân gian, các hoạt động sinh hoạt nghệ thuật ngoài trời,... trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, phải kể đến một phần không thể thiếu được của văn hoá dân tộc là các di tích đình, đền, chùa và đặc biệt là những sự kiện, lễ hội tập trung trong lòng phố Cổ.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm "Làng nghề truyền thống", "Liên hoan du lịch", "Tuần lễ văn hoá thể thao" hay những cuộc triển lãm sách và các cuộc thi viết về Hà Nội,... được diễn ra long trọng và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người, đặc biệt là du khách quốc tế. Có thể nói, đây là một trong những phương pháp giới thiệu và tiếp cận du khách rất hiệu quả. Do đó chúng ta cần đẩy mạnh những hoạt động thiết thực này một cách rộng rãi hơn, thường xuyên hơn, nhằm tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Nên thường xuyên tổ chức những cuộc thi, những buổi biểu diễn dành cho những người tác tạo nên các sản phẩm văn hoá cổ truyền, chế biến các món ăn dân tộc, các sản phẩm thủ công truyền thống, những "nghệ nhân có bàn tay vàng" để họ có cơ hội thể hiện tài năng đồng thời tạo ra thu nhập; giúp họ có thể tập trung vào việc giữ gìn và phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật của cha ông đã để lại; đồng thời tạo điều kiện cho những sản phẩm văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc được trường tồn.
Thưởng thức món ăn là một nghệ thuật cảm nhận bằng tổng thể mọi giác quan vậy tại sao chúng ta lại không đưa những món ăn dân tộc đó trở về đúng chỗ của chúng? Du khách quốc tế đến với phố Cổ Hà Nội để hoà nhập vào hồn, vị "dân tộc" của những món ăn. Do đó nếu chúng ta biết khai thác và
phát huy tốt khía cạnh này, thì chắc chắn sẽ còn thu được những thành quả hữu hiệu hơn. Ví dụ như hiện nay đã có quán ăn Ngon ở phố Phan Bội Châu là đi tiên phong trong việc sử dụng hình thức phục vụ và trang trí trong nhà hàng theo kiểu cổ. Nhà hàng xây dựng ngoài trời với những dãy bàn ghế gỗ, mây tre đan với những chiếc ô lớn che trên cao, cây xanh trồng xen kẽ tạo cảm giác thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên. Các món ăn được nấu nướng tại chỗ cho khách tận mắt nhìn thấy cách chế biến. Nhân viên phục vụ mặc những chiếc áo lụa, áo cách tân vừa gợi lên không khí cổ xưa mà vẫn hết sức tiện lợi và hiện đại.