Các giải pháp hạn chế nợ quá hạn

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Và Phát triển Hà Nội (Trang 67 - 68)

Nợ quá hạn là vấn đề không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Ngân hàng cần phát hiện sớm những dấu hiệu của những khoản cho vay có thể dẫn đến nợ quá hạn như doanh nghiệp chậm trễ trong việc nộp báo cáo tài chính kết quả hoạt động kinh doanh, hoàn trả nợ vay cho ngân hàng chậm, sự thay đổi trong đội ngũ cán bộ quản lí, sự gia tăng hàng tồn kho và các khoản nợ thương mại, số dư tiền gửi kí thác giảm sút…

Để hạn chế được những khoản nợ này cán bộ tín dụng cần phối hợp với phòng kế toán nhiều hơn để theo dõi tình hình trả nợ và lãi của khách hàng đồng thời nắm được nợ đến hạn của khách hàng mà thông báo đôn đốc khách hàng trả nợ.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng từ khi vay đến khi thu được nợ, không để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng từ đó ngân hàng mới nắm được những khó khăn mà khách hàng đang gặp phải để có biện pháp tư vấn hỗ trợ giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Thông qua việc theo dõi quá trình sử dụng vốn của khách hàng, ngân hàng có thể nắm được tình hình tài chính của khách hàng, nếu thấy khách hàng có dấu hiệu không an toàn vốn vay như sản xuất kinh doanh không ổn định, thua lỗ, hàng hoá ứ đọng khó tiêu thụ, vay nợ ngân hàng nhiều hay vay nhiều ngân hàng thì ngân hàng cần rút từng phần hoặc toàn bộ dư nợ đối với khách hàng này.

Đi đôi với việc tăng cường doanh số cho vay là công tác thu nợ, ngân hàng muốn hoạt động có hiệu quả thì cần phải có sự nỗ lực của cán bộ tín dụng trong việc phân loại khách hàng, củng cố khách hàng truyền thống có uy tín đối với ngân hàng, tích cực thông báo đôn đốc thu nợ đến hạn và quá hạn của khách hàng. Đối với những khách hàng không thanh toán được

nợ cho ngân hàng vì nguyên nhân bất khả kháng nhưng vẫn còn khả năng sản xuất hay phương án kinh doanh có hiệu quả để khắc phục thì cán bộ tín dụng nên đề nghị xem xét cho gia hạn nợ hoặc có thể cho vay vốn tiếp để tăng cường sức mạnh tài chính cho khách hàng để họ khôi phục sản xuất và ngân hàng phải giám sát chặt chẽ những khách hàng này cho đến khi thu hồi được nợ. Nếu thấy không có khả năng thu hồi nợ thì sẽ tiến hành thủ tục khởi kiện để phát mãi tài sản thế chấp để thu nợ giúp ngân hàng bảo toàn nguồn vốn hoạt động.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Và Phát triển Hà Nội (Trang 67 - 68)