Ứng dụng mô hình tại trường học

Một phần của tài liệu Áp dụng mô hình cửa hàng trung thực trong trường học Việt Nam (Trang 47 - 50)

3 XÂY DỰNG MÔ HÌNH CỬA HÀNG TRUNG THỰC TẠI VIỆT NAM

3.3 Ứng dụng mô hình tại trường học

Như vậy, theo những nghiên cứu ở trên, có thể thấy mô hình này ngoài những hạn chế thì mang lại rất nhiều lợi ích như chất lượng phục vụ tốt hơn, nâng cao ý thức của người dân hơn, vốn xã hội được cải thiện,... Mỗi ích lợi có được lại sinh ra càng thêm nhiều ích lợi kèm theo khác, tất cả đều là hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Vậy, nên đưa mô hình này vào Việt Nam như thế nào để có quy mô hơn, đến được với nhiều người dân hơn...???

Trước hết, giống như Indonesia, đối tượng hướng đến trước hết là học sinh – sinh viên. Bởi đó là những chủ nhân tương lai của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, khi các đối tương học sinh – sinh viên bắt đầu có những thay đổi từ mô hình, họ sẽ tác động đến bố mẹ họ, tác động đến thế giới xung quanh họ và từ đó, mô hình sẽ dễ dàng đi ra quy mô rộng lớn hơn. Ngoài ra, nếu đối tượng áp dụng mô hình này là học sinh – sinh viên, thì đương nhiên những nơi sẽ có mô hình này phải kể đến trước hết là trường học. Và bởi thế, mô hình này ngoài mục tiêu hướng đến xây dựng tính trung thực trong mỗi người lớn hơn, mà còn có thể hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục và đào tạo học sinh – sinh viên.

Theo như khảo sát ở các trường học áp dụng mô hình này ở Indonesia, từ khi có mô hình cửa hàng trung thực, nạn gian lận trong thi cử đã giảm đi đáng kể, các vụ lừa đảo trong trường cũng không còn nhiều, môi trường học tập lành mạnh và tinh thần tự giác, ý thức của học sinh ngày càng lên cao. Bởi vậy, một mô hình như thế này tồn tại trong trường học sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc rèn luyện ý thức của học sinh – sinh viên; ngoài ra, xây dựng mô hình này cũng như xây dựng một nơi mà ở đó học sinh – sinh viên cảm thấy sự tôn trọng và thể hiện sự trung thực của mình. Một nơi mà học sinh – sinh viên vừa mua được các món đồ cần thiết cho mình vừa có thể thể hiện tính cách_sự thành thực, cái tôi của bản thân thì đối với bản thân học sinh – sinh viên mà nói, không gì tuyệt hơn!

Tuy nhiên, mô hình nếu đơn phương hoạt động sẽ khó tránh khỏi những hậu quả ngoài ý muốn (mất đồ, lỗ nặng, thiệt hại về tài chính....). Do đó, mô hình cần có sự kết hợp của Ban Giám Hiệu nhà trường cũng như các tổ chức Đoàn, Hội trong trường. Ví dụ như mô hình cửa hàng trung thực ở Indonesia, mô hình được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường. Bởi, mô hình còn được xem như một phần của giáo dục. Ở mô hình, Ban Giám hiệu và hội đồng Giáo viên trong trường đã thiết kế những bản tin, tranh ảnh... nhằm tăng cường kiến thức cho học sinh – sinh viên. Ở Việt Nam, mô hình này mới chỉ hoạt động ở cơ sở H trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn – Hội khoa Kinh tế phát triển đã đưa mô hình này vào cơ sở, nhưng vì chưa có sự hỗ trợ từ phía nhà trường, mô hình này vẫn chưa thể hiện hết được ý nghĩa của nó và chưa thực sự đem lại một hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, nếu có hỗ trợ của các cơ quan chức năng hoặc của một tổ chức nào đó, mô hình có thể sẽ mang đến nhiều hệ quả tích cực hơn. Ít nhất là về mặt tài chính cũng sẽ được bảo đảm hơn. Bởi như mô hình ở Indonesia, mô hình này cũng khó tránh khỏi khó khăn bước đầu khi có một số học sinh lợi dụng mô hình để kiếm lợi cho bản thân.

Thêm vào đó, cách thức hoạt động cũng là một yếu tố quan trọng. Trước hết, về mặt hàng của mô hình, thì đương nhiên, các mặt hàng này phải có giá cả phù hợp với túi tiền học sinh – sinh viên. Những mặt hàng quá đắt tiền hay giá cả không phù hợp cũng có thể khiến các bạn mất lòng tin vào tính trung thực của mô hình, hơn thế nữa, còn có thể khiến cho một số nảy sinh lòng tham (dù không muốn) và từ đó sẽ có tác dụng ngược lại.

Đa số các căn tin trong nhà trường đều ở vị trí khá thuận lợi cho học sinh, sinh viên dễ ghé đến. Vị trí của cửa hàng cũng là một yếu tố khá quan trọng để có thể hoạt động hiệu quả. Tùy cấu trúc từng trường mà sẽ có những vị trí khác nhau cho cửa hàng trung thực. Giả dụ như trường có căn tin thì có thể mô hình cũng sẽ được đặt ở gần căn tin, để dễ thu hút sự chú ý của học sinh, sinh viên hơn. Hay như trường không có căn tin, thì có thể để ở bảng thông báo, hay chỗ uống nước.... Tóm lại, những nơi có thể dễ dàng thu hút học sinh – sinh viên ghé đến thì được ưu tiên hàng đầu cho mô hình này.

Khi mô hình này đi vào hoạt động thì đã có nhiều phản hồi khác nhau: hộp đựng tiền không có tiền lẻ, không lấy tiền thối được; quá nhiều người mua cùng lúc, lộn xộn và cũng khó có thể bỏ tiền – lấy tiền thối được;... Bởi vậy, sự tồn tại của các hộp đựng tiền đựng những loại tiền mệnh giá khác nhau có lẽ cũng khá cần thiết, cho việc lấy tiền thối nhanh và đỡ chen lấn. Thêm vào đó, nếu có thể thì đưa tiền xu vào những mô hình này, mệnh giá tiền xu không cao lắm và để tận dụng, sử dụng đúng khả năng của tiền xu. Ngoài ra, hiện nay mô hình cửa hàng đồng giá trên thế giới cũng phát triển khá rộng rãi. Ở Việt Nam, mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện nhưng vẫn thấy nhiều nhất là cửa hàng của Nhật và trong các siêu thị _ trung tâm thương mại lớn. Nếu có thể đưa mô hình này vào trường học, cho các em học sinh tiếp xúc với một trong những mô hình hiện đại trên thế giới có thể sẽ giúp việc thanh toán tiền đơn giản hơn. Việc xây dựng giá tiền cho các món hàng có thể do chính học sinh – sinh viên tự xếp. Bởi những món đồ này, các bạn học sinh – sinh viên cũng phải mua ở ngoài khá nhiều lần nên cũng có thể biết được giá món hàng bao nhiêu tiền. Làm một cuộc khảo sát như vậy trong trường có thể xem như một hoạt động ngoại khóa, làm đơn hoặc làm theo nhóm, xây dựng dự án kinh doanh ―Nếu mở một nhà hàng bạn sẽ xây dựng một menu như thế nào‖.... Tất cả các hoạt động kích thích sự sáng tạo của các bạn học sinh – sinh viên cũng đều có tác dụng thu hút sự quan tâm của chính các bạn khá tốt.

Trường học, ngoài là nơi dạy học, đưa đến những kiến thức mới cho học sinh – sinh viên, mà còn là nơi để chính các bạn học sinh – sinh viên phát triển nhân cách cũng như tính cách, suy nghĩ của bản thân. Bởi vậy, khi đưa mô hình này vào thực tiễn, cần có thêm nhiều hoạt động nhẳm hỗ trợ và phát triển mô hình thêm. Giả dụ như có thể đăng những thông tin, kiến thức kinh tế _ xã hội, tuyên truyền các thông tin về những chủ đề nóng hiện nay như đời sống giới trẻ, giáo dục,... Xây dựng mô hình như một nơi cung cấp thêm các kiến thức cho học sinh – sinh viên, phục vụ cả đời sống vật chất và tinh thần của học sinh – sinh viên thì sẽ phát huy hiệu quả cao và được thêm nhiều sự đón nhận từ phía chính các bạn học sinh – sinh viên.

Một phần của tài liệu Áp dụng mô hình cửa hàng trung thực trong trường học Việt Nam (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)