Thành phần kinh tế dân doanh trong đó chủ yếu là các DNNVV ngày càng được đối xử công bằng như các thành phần kinh tế khác và chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các Nghị quyết, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của DNNVV trong phát triển kinh tế quốc dân, chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV trong đó đã xác định các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV gồm trợ giúp đầu tư thông qua các biện pháp về tài chính, tín dụng; thành lập quỹ bão lãnh DNNVV để bảo lãnh cho các DNNVV khi không có đủ tài sản thế chấp, cầm cố, vay vốn, các địa phương tạo thuận lợi cho các DNNVV có mặt bằng sản xuất phù hợp, khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp cho các DNNVV có mặt bằng sản xuất,khuyến khích các hình thức phát triển
thị trường và tăng khả năng cạnh tranh của DNNVV; thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trợ giúp xúc tiến xuất khẩu cho các DNNVV; Chính phủ trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV; đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về sản xuất kinh doanh cho các DNNVV thông qua các ấn phẩm, internet; khuyến khích thành lập các vườn ươm doanh nghiệp.
Mặc dù có Nghị định trên là cơ sở pháp lý và định hướng hết sức quan trọng, song việc hỗ trợ DNNVV còn mới mẻ ở nước ta, trong khi nguồn lực đang còn hạn chế, hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, hơn thế nữa là các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hiện chưa được một số cán bộ công chức các ngành và địa phương nhận thức đầy đủ do đó việc triển khai thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Khi tiếp cận vấn đề trợ giúp DNNVV có tính tổng thể như trên hầu như các Bộ, ngành và địa phương không xây dựng lộ trình các chính sách trợ giúp cụ thể và chưa có sự lựa chọn lĩnh vực ưu tiên ( ví dụ về sản xuất, chế tạo, chế biến nông sản, hải sản…rất cần thiết trợ giúp về kĩ thuật, công nghệ, khác với khu vực dịch vụ thương mại), mức độ ưu tiên trợ giúp dàn trải nên việc triển khai thực hiện lúng túng, kém hiệu quả và không đáp ứng được đòi hỏi của DNNVV.
Ngoài ra còn hàng loạt các Văn bản pháp luật có liên quan đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển các DNNVV Việt Nam. Đó là :
- Luật lao động cho phép các doanh nghiệp có quyền tuyển dụng lao động trực tiếp thay cho việc phải thông qua các trung gian
- Các văn bản pháp luật liên quan đến việc nhập khẩu hàng hoá, cải tiến các thủ tục hải quan
- Các luật khuyến khích đầu tư và xây dựng nhà cho thuê
- Luật và các điều khoản liên quan đến đất đai và thủ tục cấp quyền sử dụng đất, quy hoạch đô thị
- Luật và các điều khoản liên quan đến các thủ tục chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Các quy định và điều khoản liên quan đến việc miễn giảm thuế và hàng loạt các quy định khác được ban hành bởi các Bộ, ngành liên quan