PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG ẢNH HƯỞNG CỦA HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ĐẾN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở VIỆT NAM TỪ NĂM
2.1.3. Tình hình giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, mục tiêu kinh tế - xã hội cấp thiết. Theo đó, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo được xây dựng và hoàn thiện. Năm 1998, Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi (Chương trình 135) chính thức ra đời và được duy trì đến ngày nay. Tiếp đến là Chương trình MTQG XĐGN và Việc làm, chúng ta đã hoàn thành tốt Giai đoạn I (2001-2005), hiện đang ở Giai đoạn II (2006-2010), và đã thu được nhiều thành tựu quan trọng:
Tỷ lệ nghèo và khoảng nghèo giảm nhanh chóng trên phạm vi cả nước
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nghèo của cả nước đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 21,7% năm 2005, đến cuối năm 2008 chỉ còn 13,08%. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) về giảm nghèo mà nước ta đã cam kết với thế giới, giảm 50% hộ nghèo trong thời gian 1990 - 2015.
Bảng 2.2: Tỷ lệ nghèo chung (theo chuẩn quốc tế) ở Việt Nam (%)
Năm 1993 1998 2004 2006 2007 Toàn quốc 58,1 37,4 24,1 16,0 14,87 Thành thị 25,1 9,2 3,6 3,9 - Nông thôn 66,4 45,5 25,0 20,4 - Đông bắc 86,1 62,0 29,4 28,33 23,44 Tây bắc 81,0 73,4 58,6 37,36 32,36 ĐB sông Hồng 62,7 29,3 12,1 11,64 9,59
Duyên hải Bắc Trung Bộ 74,5 48,1 31,9 27,51 23,44
Duyên hải Nam Trung Bộ 47,2 34,5 19,0 19,06 16,18
Tây Nguyên 70,0 52,4 33,1 25,85 21,34
Đông Nam Bộ 37,0 12,2 5,4 7,44 5,12
ĐB sông Cửu Long 47,1 36,9 19,5 15,58 12,85
Nguồn: Niên giám Thống kê 2007. Nxb Thống kê - Hà Nội, 2008.
Nhìn chung, đa phần dân cư nghèo sinh sống ở các vùng nông thôn nhưng đây lại là vùng mà tỷ lệ nghèo giảm nhanh chóng làm cho tỷ lệ nghèo của cả nước giảm đi rõ rệt. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn giảm nhanh hơn ở thành thị, thậm chí tỷ lệ nghèo ở thành thị còn tăng nhẹ trong những năm gần đây. Cụ thể là từ năm 2004 đến năm
2006, tỷ lệ nghèo thành thị tăng từ 3,6% lên 3,9%. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhất ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; chậm nhất ở vùng Tây Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn.
Nếu tính theo chuẩn 1 USD và 2 USD/ngày (theo giá tương đương - PPP) thì tỷ lệ nghèo của nước ta từ năm 1990 là 50,8% và 87%; đến năm 2004 các tỷ lệ này giảm xuống lần lượt là 10,6% và 53,4%; qua các năm như sau:
Bảng 2.3: Tỷ lệ nghèo của Việt Nam theo ngưỡng “1USD/ngày” và “2USD/ngày”
Năm
Chi tiêu bình quân đầu người USD PPP/tháng Tỷ lệ người có mức sống dưới 1 USD/ngày (PPP) (%) 2 USD/ngày (PPP) (%) 1993 48,9 39,9 80,5 1998 68,5 16,4 65,4 2000 71,3 15,2 63,5 2002 78,7 13,6 58,2 2004 85,5 10,6 53,4
Nguồn: Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực. Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, 2008, Tr 462.
Theo những số liệu tính toán ở trên, trong hơn 15 năm Việt Nam đã giảm nghèo cho 45% dân số, tương đương với trên 35 triệu người đã thoát nghèo. Tỷ lệ số hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3 đến 4% tương ứng với khoảng trên 30 vạn hộ, một số địa phương cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Ngoài việc giảm tỷ lệ nghèo, chỉ số đo khoảng nghèo cũng giảm rõ rệt. Điều này cho thấy những người nghèo ở tất cả các nhóm dân cư đang tiến gần đến ngưỡng nghèo với chỉ số khoảng cách nghèo của cả nước giảm từ 18,5% năm 1993 xuống còn 3,8% năm 2006. Ngay cả đối với nhóm dân tộc ít người thì khoảng cách nghèo năm 2006 cũng giảm tương đương với người Kinh và người Hoa năm 1993.
Bảng 2.4: Chỉ số khoảng cách nghèo ở Việt Nam
Đơn vị: %
Năm 1993 2002 2004 2006
Thành thị 6,4 1,3 0,7 0,7
Nông thôn 21,5 8,7 6,1 4,9
Người Kinh, Hoa 16,0 4,7 2,6 2,0
Dân tộc ít người 34,7 22,8 19,2 15,4
Nguồn: Bảo trợ xã hội, Báo cáo phát triển Việt Nam 2008, tr 4.
Bất bình đẳng tương đối tăng lên không đáng kể
Đảm bảo phát triển bình đẳng là một trong những mục tiêu của Việt Nam cùng với tiến trình XĐGN. Hệ số Gini – hệ số đo bất bình đẳng tương đối của Việt Nam ở mức khá thấp (khoảng 0,37 - năm 2004) và tăng không đáng kể trong một thời gian dài, cho thấy nước ta thuộc vào hàng tương đối bình đẳng. Điều đó thể hiện Việt Nam đã giải quyết khá tốt vấn đề phân phối thu nhập và công bằng xã hội trong quá trình phát triển.
Bảng 2.5: Hệ số Gini đối với chi tiêu dùng của Việt Nam giai đoạn 1993-2004
Năm 1993 1998 2002 2004
Thành thị 0,35 0,34 0,35 0,33
Nông thôn 0,28 0,27 0,28 0,30
Cả nước 0,34 0,35 0,37 0,37
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 355, tháng 12/2007
Nếu đem so sánh hệ số này với hệ số Gini của thế giới và của một số quốc gia có mức GDP bình quân đầu người tính bằng đôla Mỹ theo sức mua tương đương (PPP) và GDP bình quân đầu người tương đương so với Việt Nam, ta thấy hệ số bất bình đẳng tương đối của Việt Nam ở mức trung bình.
Bảng 2.6: Bất bình đẳng tại một số quốc gia
Nước Năm điều
tra
Hệ số Gini tính cho chi tiêu dùng
GDP theo đầu người tính bằng đôla Mỹ theo PPP năm 2005
Bănglađét 2000 0,32 2100 Camơrun 2001 0,45 2400 Georgia 2003 0,40 3300 Inđônêxia 2002 0,34 3600 Ấn Độ 1999-2000 0,33 3300 Công Gô 2003 0,30 2100
Nicaragua 2001 0,43 2900
Pakistan 2002 0,31 2400
Việt Nam 2002-2004 0,37 2800
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 355, tháng 12/2007
Một số chỉ tiêu khác
Hàng năm, khoảng 9-10% GDP được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng – một tỷ lệ đầu tư cao so với chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, dân cư có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ công nhiều hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học tăng từ 91% - năm 1998 lên 95% - năm 2004; tỷ lệ dân số nông thôn tiếp cận với trạm y tế xã, phường tăng từ 97% năm 1998 lên 100% năm 2004; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch năm 1998 là 41%, năm 2002 là 49%, đến năm 2004 là 59%; mạng lưới điện quốc gia đến nay đã cung cấp điện cho 525/536 huyện, đạt 97,95%. Năm 2007, số điện thoại cố định và điện thoại di động trên 100 dân số tăng gấp 9 lần năm 1995. Hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Một số vấn đề còn tồn tại
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc XĐGN, trong đó tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh chóng trong vòng chưa đầy 20 năm, đời sống dân cư được cải thiện rõ rệt, nhưng tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam tính theo chuẩn WB vẫn khá cao; tỷ lệ giảm nghèo ở các vùng, giữa các nhóm dân cư nông thôn và thành thị, giữa dân tộc Kinh – Hoa và các dân tộc thiểu số có sự chênh lệch khá lớn. Đáng chú ý là những tiến bộ giảm nghèo còn hạn chế đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo ở nhóm dân tộc ít người vẫn cao hơn nhiều so với mức nghèo của các nhóm người Kinh và người Hoa. Năm 2006, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2008, tỷ lệ nghèo chung cả nước là 16%, trong khi tỷ lệ nghèo của nhóm dân tộc Kinh và Hoa là 10,3% thì ở nhóm dân tộc ít người là 52,3%; về mức độ của nghèo đói cũng nghiêm trọng hơn, chỉ số khoảng cách nghèo cả nước là 3,8%, ở nhóm người Kinh và Hoa là 2%, còn ở nhóm dân tộc ít người là 15,4%. Với khoảng 14% tổng dân số nhưng dân tộc ít người chiếm tới 44% tỷ lệ nghèo và 59% tỷ lệ đói.
Tốc độ giảm đang có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Nếu như giai đoạn 1993-1998, tốc độ giảm nghèo là 4,14%, thì đến giai đoạn 1998-2002 tốc độ giảm nghèo chỉ đạt 1,7% và đến giai đoạn 2002-2004 là 1,6%, năm 2004-2005 là dưới 1%. Đây là một thách thức lớn đối với công cuộc XĐGN của nước ta hiện nay.
Mặt khác, tuy tỷ lệ giảm nghèo tương đối nhanh nhưng nhìn chung thành quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật vững chắc do có một bộ phận lớn hộ gia đình có mức thu nhập và chi tiêu ngay sát mức chuẩn nghèo và rất dễ rơi vào cảnh nghèo đói khi có một biến cố bất thường xảy ra. Người nghèo thường có ít cơ hội tiếp cận các nguồn lực và rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc và những biến động xã hội, nên khi đã thoát nghèo mà vẫn gần chuẩn nghèo thì có thể rơi vào tình trạng tái nghèo bất cứ lúc nào, nhất là vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng thường xuyên bị thiên tai, mất mùa; tỷ lệ tái nghèo đói lớn (7-10% tổng số hộ vừa thoát nghèo), đặc biệt nhóm hộ nằm sát chuẩn đói nghèo chiếm tới 70-80% (năm 2007).
Một thách thức lớn nữa là, nếu như hệ số Gini đo bất bình đẳng tương đối chỉ tăng nhẹ trong một thời gian dài thì trên thực tế, bất bình đẳng tuyệt đối lại tăng đáng kể. Chênh lệch tuyệt đối giữa người giàu và người nghèo thể hiện ở khoảng cách giữa nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất và nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất ngày một gia tăng. Theo số liệu điều tra mức sống dân cư và hộ gia đình năm 2006, nhóm 20% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 7,2% tổng chi tiêu của cả nước, so với 43,3% của nhóm 20% dân số giàu nhất, tức là mức chi tiêu trung bình của một người dân ở nhóm giàu nhất nhiều gấp 6 lần mức chi tiêu trung bình của một người dân ở nhóm nghèo nhất.
Bảng 2.7: Tỷ lệ chi tiêu của các nhóm ngũ vị phân trong dân số ở Việt Nam
Đơn vị: %
Năm 1993 1998 2002 2004 2006
Nghèo nhất 8,4 8,2 7,8 7,1 7,2
Cận nghèo 12,3 11,9 11,2 11,2 11,5
Khá giả 21,5 21,2 20,6 21,8 22,3
Giàu nhất 41,8 43,3 45,9 44,7 43,3
Tổng số 100 100 100 100 100
Chênh lệch giàu nhất/nghèo nhất (lần)
5,0 5,3 5,9 6,3 6,0
Nguồn: Bảo trợ xã hội, Báo cáo phát triển Việt Nam 2008, tr 11.
Trên thực tế, phân hóa giàu nghèo có khả năng còn diễn ra mạnh hơn so với những gì số liệu thể hiện. Ở nhóm giàu nhất, mức chi tiêu cho các vật dụng đắt tiền, các hàng hóa lâu bền có xu hướng gia tăng với tốc độ nhanh hơn, (mức tiêu thụ xe hơi đang tăng 80% mỗi năm). Mức độ bất bình đẳng do vậy mà nghiêm trọng hơn.
Tóm lại, công cuộc đổi mới đất nước hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công rất to lớn. Tuy nhiên, thành tựu giảm nghèo chưa thật vững chắc, tỷ lệ cận nghèo cao, nguy cơ tái nghèo ở một số vùng còn rất lớn; và trên thực tế, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, chúng ta càng cần tăng cường đẩy mạnh công cuộc XĐGN, xóa bỏ dần tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.