GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢM NGHÈO TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM
3.3.2. Đa dạng hóa thị trườmg xuất-nhập khẩu
Trước hết, cần xây dựng môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, ổn định nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, loại bỏ độc quyền và chống các hành vi gian lận thương mại. Tạo dựng và củng cố thể chế kinh tế thị trường là nền tảng của kinh doanh quốc tế. Rà soát lại các chính sách hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu như chính sách thuế, chính sách tín dụng, hạn chế ưu đãi cho các DNNN.
Hạn chế độc quyền, giảm bảo hộ để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu và cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi nước ta mở cửa thương mại và đầu tư, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh xuất khẩu.
Xây dựng chiến lược xuất khẩu hướng vào những ngành công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu của các ngành hàng; bên cạnh đó cần quan tâm khai thác các mặt hàng chủ yếu sử dụng nguyên, vật liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động mà thị trường trong cũng như ngoài nước có nhu cầu; đồng thời phải khai thác mọi nguồn hàng có khả năng xuất khẩu.
Sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của thị trường thế giới, tận dụng mọi khả năng để duy trì tỷ trọng xuất khẩu hợp lý vào các thị trường đã có ở Châu Á, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường sức mua lớn như Mỹ, EU, Châu Phi…
Về nhập khẩu, cần chú trọng nhập khẩu công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu của các ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản và sản xuất công nghiệp nhẹ; đồng thời gắn với việc phát triển, sử dụng các công nghệ, giống cây con và vật liệu mới được sản xuất trong nước.