2.2.3.1. Những kết quả đạt đƣợc
Những kết quả đạt được
- Các hình thức huy động vốn tƣơng đối đa dạng:
+ Đa dạng hóa các công cụ huy động vốn:
Nguồn vốn của Vietcombank bao gồm: Tiền gửi khách hàng, (tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn), các công cụ nợ (kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi), tiền gửi và tiền vay của các tổ chức tín dụng khác, NHNN và Bộ tài chính, nguồn vốn viện trợ và ủy thác…Với mục tiêu khai thác triệt để nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư - nguồn vốn mang tính ổn định và lâu dài và đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động của NH, các NH đã và đang sử dụng nhiều hình thức huy động vốn đa dạng, chủ yếu là dưới hình thức tiết kiệm phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân. Việc đưa ra một sản phẩm mới lại tuỳ thuộc nhiều vào trình độ công nghệ, trình độ nhân viên, trình độ quản lý, chiến lược kinh doanh, ... của NH. Không nằm ngoài xu hướng đó, Vietcombank đã và đang thực hiện huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đáp ứng nhu cầu vốn của mình. Đối với mỗi nguồn vốn, NH đều có những phòng ban chuyên môn hoá các hoạt động thu hút đầu vào và có những công cụ huy động phù hợp với mỗi đối tượng khách hàng.
* Đối với nguồn vốn huy động từ tiền gửi giao dịch và tiền gửi phi giao dịch của các doanh nghiệp: Vietcombank huy động thông qua việc khách hàng mở tài
khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi chuyên dùng hoặc các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn hoặc dài hạn. Đồng thời khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, Switf, telex, chuyển tiền điện tử, séc chuyển khoản, séc bảo chi... Mặc dù nguồn tiền gửi giao dịch không có tính ổn định như nhiều nguồn khác nhưng đây là nguồn vốn rẻ và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của NH. Việc thu hút tiền gửi của khách hàng là các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội bằng cách cải thiện và mở rộng các dịch vụ như thanh toán séc, chuyển tiền, thanh toán bù trừ, cung cấp thông tin và gần đây nhất là việc trả lương qua tài khoản cho các công ty, các trường Đại học,... đã có tác động tích cực đến doanh số tiền gửi tại Vietcombank. Song song với việc tìm kiếm các khách hàng mới, Vietcombank cũng chủ động đưa ra những chính sách ưu đãi về lãi suất và tỷ giá, nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán như xuất nhập khẩu, chuyển tiền, mua bán ngoại tệ ... để giữ chân các khách hàng truyền thống. Các khách hàng lớn của Vietcombank là các tổng công ty lớn trong các ngành lương thực, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng không, than ... có nguồn tiền gửi tương đối lớn.
* Đối với việc huy động tiền gửi của dân cư: Khối phòng thực hiện nghiệp vụ này bao gồm hệ thống các Phòng giao dịch, phòng Kinh doanh dịch vụ (sáp nhập từ Phòng Hối đoái và Phòng Tiết kiệm) và phòng Khách hàng đặc biệt (tại Sở giao dịch Vietcombank).
* Đối với tài khoản tiền gửi giao dịch và tài khoản tiền gửi phi giao dịch: Một sản phẩm hỗ trợ hiệu quả cho việc thu hút tiền gửi cá nhân là thẻ ghi nợ nội địa Connect 24. Sự xuất hiện của chiếc thẻ này đánh dấu một bước phát triển ngoạn mục của Vietcombank trên thị trường thẻ cũng như việc thu hút khách hàng cá nhân mở tài khoản tại NH. Việc đưa vào ứng dụng công nghệ giao dịch trực tuyến và giao dịch tự động với các tiện ích như: thanh toán các loại phí, hoá đơn điện, nước, điện thoại qua thẻ rút tiền tự động ATM, dịch vụ Internet banking… đã giúp NH thu hút một lượng tiền nhàn rỗi rất lớn trong các tầng lớp dân cư. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng tiến hành phân loại khách hàng và có sự quan tâm đến các khách hàng có số dư tiền gửi lớn, doanh số giao dịch cao hoặc là các lãnh đạo các công ty,
các ngành, cán bộ cao cấp của Nhà nước… Phòng Khách hàng đặc biệt (KHĐB) có nhiệm vụ chăm sóc những đối tượng khách hàng này bằng việc cung cấp trọn gói các dịch vụ NH bán lẻ với thời gian nhanh nhất và chất lượng tốt nhất. Với số lượng KHĐB chiếm 0,03% lượng khách hàng cá nhân của Sở Giao dịch nhưng lượng vốn gửi tại Sở Giao dịch thường xuyên chiếm 20% đến 25% nguồn vốn huy động từ cá nhân của Sở chưa kể số tiền gửi tại các chi nhánh Vietcombank khác.
* Đối với nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm: Các sản phẩm chủ yếu để phục vụ công tác huy động vốn chủ yếu là tiết kiệm, kỳ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó là các dịch vụ kèm theo như chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản, thu đổi ngoại tệ, thanh toán thẻ, séc du lịch… Các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn thông thường bao gồm tiết kiệm ngắn hạn dưới một năm như 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và dài hạn hơn như 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng. Ngoài ra, Vietcombank cũng liên tục đưa ra một số hình thức tiết kiệm mới như Tiết kiệm linh hoạt lãi thưởng, Tiết kiệm lộc phát, Tiết kiệm gửi 15 lãi 24 (15 tháng), Tiết kiệm bậc thang lãi thưởng, Tiết kiệm dự thưởng trúng các giải thưởng đặc biệt như ô tô, các chuyến đi du lịch, ...
Ngoài ra, Vietcombank còn thường xuyên phát hành kỳ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Trước khi đưa ra sản phẩm, mệnh giá, tổng mệnh giá, lãi suất, thời điểm và thời gian phát hành, thời gian đáo hạn đều được tính toán cụ thể để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cũng như có thể dự báo một cách chắc chắn các dòng tiền rút ra trong tương lai.Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng để cân đối nhu cầu vốn ngắn, dài hạn của mình cũng như khả năng thu hút khách hàng nên các đợt phát hành công cụ nợ của Vietcombank đều khá thành công. Mặc dù phát hành kỳ phiếu, trái phiếu có thể khiến cho chi phí huy động vốn tăng lên nhưng đổi lại trong vòng từ một đến hai tháng Vietcombank đã huy động đủ số vốn cần thiết và nguồn vốn này tương đối ổn định, giúp NH có tính chủ động cao.
+ Đa dạng hóa kỳ hạn và lãi suất:
Bên cạnh việc đa dạng hoá các công cụ huy động vốn thì việc đa dạng hoá các kỳ hạn và lãi suất tương ứng cho mỗi kỳ hạn cũng là một cách huy động vốn
hiệu quả của NH mà không tốn quá nhiều chi phí. Vietcombank huy động tiết kiệm theo tháng hoặc theo năm với các kỳ hạn cơ bản là 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng. Các kỳ hạn được chia như trên về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn của đông đảo khách hàng. Tuy vậy việc huy động vốn dài hạn của Vietcombank vẫn gặp khó khăn vì thu nhập của người dân còn hạn chế và họ có xu hướng muốn thu hồi nhanh các khoản vốn. Trên thực tế, ở thành thị nơi có mức thu nhập khá cao, người dân có thể gửi dài hạn ở NH nhưng họ thường chọn kỳ hạn ngắn vì đề phòng nhu cầu chi tiêu đột xuất hoặc các bất ổn về tiền tệ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Vì vậy NH có thể nghiên cứu quy luật gửi và rút tiền của khách hàng để chuyển hoán một phần tiền gửi tiết kiệm dưới một năm để cho vay trung và dài hạn mà vẫn đảm bảo được an toàn thanh khoản cho NH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
+ Đa dạng về các loại tiền tệ huy động vốn:
Lâu nay, Vietcombank vẫn được biết đến như là một NH có bề dày trong hoạt động kinh tế đối ngoại. Và trên thực tế Vietcombank đã thiết lập được mối quan hệ mật thiết với nhiều NH trên khắp thế giới. Hiện nay hệ thống các NH đại lý của Vietcombank đã lên tới con số 1.300. Trong điều kiện Việt nam đang từng bước tham gia hội nhập với nền kinh tế thế giới, các mối quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng không chỉ ở phạm vi kinh tế mà cả các lĩnh vực khác như du lịch, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, giao lưu văn hoá… Nhu cầu sử dụng ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân ngày một gia tăng và không chỉ tập trung ở một vài loại ngoại tệ mạnh như USD, EUR mà còn chuyển sang các đồng tiền khác. Hiện nay, các khách hàng của Vietcombank có thể gửi tiết kiệm bằng các loại ngoại tệ USD, EUR, GBP, AUD và chuyển nhiều loại ngoại tệ khác như THB, JPY, HKD, SGD, CHF, CAD sang 4 loại ngoại tệ trên để gửi tiết kiệm. Ngược lại khi khách hàng rút tiền họ có thể đổi bất kỳ ngoại tệ nào sang 10 loại ngoại tệ trên. Việc huy động các loại ngoại tệ trên dưới dạng thu đổi ngoại tệ hoặc gửi tiết kiệm một mặt thu hút vốn ngoại tệ cho NH, mặt khác đó cũng là một hình thức thoả mãn các nhu cầu của khách hàng và trong nhiều trường hợp còn giúp khách hàng hạn chế được rủi ro tỷ giá. Trong điều kiện tỷ giá nhiều biến động thì sự đa dạng về ngoại tệ không chỉ có tác dụng
kích thích trực tiếp vào lợi ích của khách hàng mà còn tác động rất nhiều vào niềm tin, sự an tâm về sự vững mạnh và khả năng thanh toán của NH
- Chính sách giá cả/lãi suất trong huy động vốn tƣơng đối linh hoạt, cạnh tranh
Hiện nay, Vietcombank đang áp dụng phương thức trả lãi vào cuối kỳ cho tất cả các kỳ hạn gửi tiết kiệm và hình thức trả lãi định kỳ 1 tháng một lần và 3 tháng một lần đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (nếu khách hàng yêu cầu). Trong vòng ba năm trở lại đây, lãi suất của Vietcombank không cạnh tranh bằng lãi suất của các NHTMCP trên địa bàn đặc biệt là lãi suất VND. Tuy nhiên, so với các NH thương mại Nhà nước cùng mặt bằng kinh doanh thì mức lãi suất ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hầu như không có sự khác biệt. Lãi suất của Vietcombank thấp hơn các NHTMCP khác cũng là điều dễ hiểu vì lãi suất của Vietcombank thường mang tính tham khảo, thậm chí là tính định hướng cho các NH khác nhất là lãi suất USD. Chẳng hạn những biến động về lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed luôn được Vietcombank cập nhật khi công bố bảng lãi suất riêng cho mình, cho nên khi Vietcombank thay đổi lãi suất thì đó cũng là những dự báo cho những thay đổi lãi suất sắp tới trên thị trường, và do vậy các NH trên địa bàn đều có xu hướng điều chỉnh cao hơn một chút.
Việc đa dạng hoá lãi suất không chỉ liên quan đến việc ấn định lãi suất huy động mà còn liên quan đến phương thức thanh toán lãi hợp lý giữa các công cụ huy động vốn khác nhau. Đối với tiền gửi tiết kiệm, khi đáo hạn nếu khách hàng không rút khoản tiền này sẽ được tự động nhập lãi vào gốc và tiếp tục được tính thêm một kỳ hạn nữa bằng kỳ hạn ban đầu. Ngoài lãi suất ấn định cho các sản phẩm tiết kiệm, vào các đợt huy động giấy tờ có giá như kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi do Vietcombank đều có mức lãi suất riêng hấp dẫn hơn. Các sản phẩm này giúp cho bức tranh lãi suất của NH có thêm nhiều màu sắc. Vietcombank thường linh hoạt áp dụng nhiều loại lãi suất như lãi suất bậc thang, lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc vừa cố định vừa thả nổi khi phát hành các công cụ nợ.
Đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, sự linh hoạt về lãi suất của Vietcombank ít hơn. Lãi suất tiết kiệm dành cho cá nhân cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dành cho tổ chức đặc biệt là ngoại tệ.
Trên thực tế, tại Vietcombank các kỳ hạn dưới một năm như 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng đã có những khoảng cách về lãi suất tương đối rõ ràng, cho phép khách hàng có thể so sánh và quyết định kỳ hạn gửi của mình một cách nhanh chóng. Tuy nhiên các kỳ hạn dài hơn như 24 tháng, 36 tháng hay 60 tháng thường xấp xỉ nhau cho nên chỉ thu hút được những món tiền nhỏ của khách hàng. Rủi ro của việc gửi tiền dài hạn là nguy cơ bị mất lãi nếu khách hàng rút trước hạn. Như vậy việc giải đáp bài toán lãi suất với những tham số liên quan đến kỳ hạn là hết sức khó khăn nhất là trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn như hiện nay cùng với sự thăng trầm rất khó lường của lãi suất ngoại tệ.
- Quy mô vốn huy động mở rộng, cơ cấu vốn huy động hợp lý
Nguồn vốn huy động trong những năm qua của Vietcombank đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tăng trưởng tài sản về cả quy mô, kết cấu và đem lại những kết quả khả quan. Tổng nguồn vốn huy động tăng trưởng cao, hầu hết các loại nguồn huy động đều tăng ổn định qua các năm. Trong hoạt động kinh doanh, Vietcombank đã chú trọng đến các hình thức vốn huy động trong thanh toán, vốn tiền gửi không kỳ hạn vì thế cũng tăng nhanh. Sự tăng lên của quy mô tiền gửi không kỳ hạn cũng tạo điều kiện cho NH thực hiện chiến lược hướng sang lĩnh vực dịch vụ. Hầu hết các khách hàng gửi tiền không kỳ hạn đều sử dụng nhiều dịch vụ ngoại vi mà NH cung cấp như: chuyển tiền, thu chi hộ, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ… đem lại khoản thu nhập đáng kể cho NH từ hoa hồng, lệ phí và kinh doanh ngoại tệ.
Vốn vay của Vietcombank chiếm tỷ trọng nhỏ và chỉ dùng loại nguồn này trong trường hợp vốn đầu tư cho kinh doanh thiếu hụt. Hiện nay, Vietcombank được đánh giá là NHTM có khả năng chủ động cao trong việc huy động vốn và sử dụng vốn.
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân khách quan
+ Nền kinh tế Việt Nam trong những gần đây tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Môi trường pháp lý được cải thiện rõ nét, tình hình chính trị ổn định đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
+ Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập và tích luỹ của người dân ngày càng tăng. Mặt khác người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt, số lượng cá nhân mở tài khoản tại NH ngày càng gia tăng phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế.
+ Chính sách lãi suất tuy có nhiều biến động nhưng đã được điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Kết quả là khách hàng của NH có thái độ lạc quan hơn về xu thế phát triển của nền kinh tế, an tâm khi gửi tiền vào NH.
+ Chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động đã đem lại nguồn thu lớn cho người lao động được chuyển về và gửi tại NH.
- Nguyên nhân chủ quan
+ Xây dựng chính sách khách hàng đúng đắn, tăng cường chăm sóc khách hàng thông qua sự phối hợp tích cực giữa các phòng, ban để đưa ra giải pháp tổng thể cho nhiều khách hàng có số dư tiền gửi lớn. Hiện tại, ngoài chiến lược mở rộng các phòng giao dịch tại các khu dân cư đông đúcVietcombank còn thành lập Phòng Khách hàng đặc biệt để tạo phân đoạn thị trường, thu hút vốn lớn từ các cá nhân và doanh nghiệp. Việc thu hút và duy trì quan hệ lâu dài với khách hàng luôn là vấn đề thời sự trong mọi giai đoạn phát triển của Vietcombank. Lãnh đạo Vietcombank đã phát biểu: “Tìm mọi cách để giữ được các khách hàng lớn, nếu không họ sẽ có quan hệ với các NH khác. Hoàn thiện chính sách khách hàng theo hướng vì lợi ích chung của cả khách hàng và NH…”.
+ Mở rộng mạng lưới, nhất là hệ thống các phòng giao dịch, chú trọng hơn