II. Những giải pháp chủ yếu
3. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp được nhiều địa phương quan tâm và sử dụng. Thông qua xuất khẩu lao động không chỉ giảm bớt gánh nặng về việc làm trước mắt mà hàng năm số lượng ngoại tệ người lao động gửi về làm tăng thu nhập cho bản thân người lao động, gia đình và nhà nước. Ở Malayxia thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/tháng, có nghề 5-7 triệu đồng/tháng; ở Đài Loan thu nhập 300-500 USD/tháng; Hàn Quốc thu nhập 900-1000 USD/tháng; Nhật Bản trên 1000 USD/tháng. Mặt khác thông qua xuất khẩu lao động, người lao động học hỏi và tiếp nhận được kỹ thuật hiện đại, phương pháp làm việc tiên tiến, tác phong công nghiệp. Để tiếp tục phát triển lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần tiến hành những giải pháp sau:
3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã lần lượt ban hành 4 Nghị định, đặc biệt năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Với luật này, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có một khung pháp lý vững chắc và đầy đủ để phát triển trong thời gian tới.
3.2. Đàm phán để ký kết các thoả thuận với các nước nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký các hiệp định với các nước Hàn Quốc, Malayxia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Ô-man, Qatar; đang đàm phán và chuẩn bị ký kết các hiệp định với Các tiểu Vương quốc Arập Thống Nhất, Ba-ranh, Libi, Liên bang Nga… Đối với các nước nhận lao động Việt
Nam nhưng chưa có hiệp định hoặc thoả thuận, chúng ta đã tiếp xúc, đàm phán và tạo ra sự hợp tác chính thức với Chính phủ các nước trên thực tế nhằm phối hợp quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.
3.3.Tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài.
Chính phủ Việt Nam giao cho các đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tại các các nước có nhiều lao động Việt Nam làm việc, đã thành lập các Ban Quản lý lao động trong cơ quan đại diện để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, luật pháp Việt Nam cũng quy định các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm cử đại diện các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
3.4. Hỗ trợ người lao động.
Mọi người đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng về tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật, phong tục tập quán, các ứng xử trong công việc và cuộc sống của nước sẽ đến làm việc để người lao động có đủ năng lực, kiến thức làm việc ở nước ngoài, tránh tình trạng người lao động vi phạm kỷ luật lao động nước sở tại, bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.