3.1.2.1. Điều kiện kinh tế
Giai đoạn 2013– 2016, phát huy những tiềm năng lợi thế, nền kinh tế của quận có bước tăng trưởng nhanh, ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm luôn đạt 15 – 16% năm cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của thành phố Hà Nội, trong đó: Khu vực nông nghiệp tăng 6,50%/năm; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 14,49%/năm; khu vực dịch vụ đạt 26,3%/năm.
Thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn đạt gần 40 triệu đồng/năm cao hơn so với mức bình quân chung của thành phố.
* Nông nghiệp
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành luôn ổn định ở mức 6,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt gần 20 tỷ đồng năm 2013.
-Trồng trọt:
Tổng diện tích gieo trồng năm 2016 của quận đạt 477,20 ha, trong đó: diện tích đất trồng hoa đào là 120,7 ha, đất trồng quất cảnh 22,70 ha; diện tích đất trồng các loại hoa khác đạt 78,50 ha; diện tích trồng rau đạt 91,70 ha còn lại là diện tích đất trồng một số cây lương thực có hạt như ngô, đậu, đỗ… Sản lượng lương thực có hạt đạt 326,16 tấn.
-Chăn nuôi:
Là khu vực đô thị với mật độ dân số cao chăn nuôi không được khuyến khích phát triển ở các khu vực trong đê để giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Chăn nuôi chỉ phát triển ở khu vực ngoài đê theo quy mô hộ gia đình.
-Thủy sản:
Với lợi thế là quận có diện tích mặt nước lớn, trong những năm qua nuôi trồng thủy sản của quận khá phát triển. Sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản liên tục tăng ổn định qua các năm.
* Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng
Năm 2016, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 22,5% cơ cấu kinh tế của quận; giá trị sản xuất đạt trên 129 tỷ đồng (theo giá so sánh). Các sản phẩm từ công nghiệp trên địa bàn quận chủ yếu là đồ gốm, sứ và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu của đô thị.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn quận tăng đều qua các năm phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ.
* Dịch vụ
Năm 2016, giá trị sản xuất ngành dịch vụ của quận đạt 6.647,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 5.562,2 tỷ đồng và doanh thu từ các hộ kinh doanh cá thể đạt 1.082,2 tỷ đồng. Các loại hình dịch vụ chính trên địa bàn quận là dịch vụ tài chính, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch…
3.1.2.2. Điều kiện văn hóa – xã hội
- Giáo dục và đào tạo
Trong những năm qua cơ sở vật chất giáo dục được chú trọng đầu tư theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Công tác quản lý giáo dục có
nhiều đổi mới, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, duy trì ở mức ổn định, bền vững.
-Y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình
Hệ thống y tế được kiện toàn từ quận đến các phường. Ngành y tế của quận đã triển khai tốt công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bình quân mỗi năm ngành y tế của quận đã khám chữa bệnh cho khoảng 100 nghìn lượt người bệnh. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được quan tâm.
-Văn hóa, thông tin và thể thao
Các lễ hội truyền thống, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được khơi dậy và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tích cực triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn quận ngày càng phát triển. Hàng năm có từ 30 – 35% số hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao.
-Năng lượng và bưu chính viễn thông
Hệ thống cung cấp và phân phối điện năng của quận đã cơ bản được hoàn thiện và dần được ngầm hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn quận đã được sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt từ lưới điện quốc gia.
Hệ thống thông tin liên lạc khá phát triển với hệ thống các điểm bưu điện rộng khắp cung cấp đầy đủ các dịch vụ đến các tổ dân phố các khu dân cư đáp ứng được yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
-Hệ thống giao thông
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn quận Tây Hồ dần được hoàn thiện từng bước tạo xương sống cho phát triển đô thị, các trục đô thị chính bao gồm:
+Các trục đường ven sông Hồng gồm đường Nghi Tàm, Âu Cơ và An Dương Vương qua địa bàn của 5 phường Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An và Phú Thượng với chiều dài là 7.51 km.
+Đường Thanh Niên nối từ đường Hoàng Hoa Thám ra đường Yên Phụ; +Đường Lạc Long Quân nối đường Thụy Khuê với đường An Dương Vương và đường Xuân La mới được nâng cấp đảm bảo giao thông đô thị;
Ngoài ra, trên địa bàn quận Tây Hồ còn có nhiều tuyến giao thông quan trọng nhưđường Thụy Khuê, đường Hoàng Hoa Thám, đường ven hồ Tây,… và các đường giao thông trong các khu dân cư từng bước đáp ứng yêu cầu giao thông đô thị.