Tự học suốt đờ

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 74 - 78)

Tự học suốt đời là tư tưởng tiến bộ được thể hiện khá rõ nét trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tự học là cách giúp con người có thể hoàn thiện nhân cách và khẳng định được giá trị bản thân, là hành trang không thể thiếu giúp con người bước vào đời. Tư tưởng coi trọng việc học có cơ sở từ chính thực tiễn lịch sử nước ta. Việt Nam cho đến cuối thời Pháp thuộc vẫn là một nước phong kiến, con đường học hành, thi cử để ra làm quan là mục tiêu, là khát vọng của con người, là con đường dẫn tới vinh hoa, phú quý. Và việc tuyển

chọn những người tài năng, đạo đức ra làm việc nước về cơ bản được thực hiện theo tinh thần dân chủ với các kỳ thi được thực hiện trên phạm vi cả nước. Vì thế, đông đảo quần chúng nhân dân luôn ý thức được vai trò của việc học, có khát vọng học tập để được đổi đời, những mong thoát nghèo, thoát khổ. Trong tổ chức làng xã, người có học luôn được coi trọng, được nhiều quyền lợi ưu tiên như miễn tạp dịch, được tham dự vào ban tế lễ…. Người có học mà thi đậu thì được võng lọng, chiêng trống, cờ quạt đón rước về làng, đem lại vinh dự cho bản thân và cho gia đình, dòng họ, làng nước. Đó là một trong những lí do quan trọng giải thích vì sao nhân dân ta luôn hết mực coi trọng việc học: “Học hành thì ích vào thân, Chức cao, quyền trọng dần dần theo sau”[63, tr.267]. Tuy nhiên, số người được học hành một cách chính thống, bài bản, đến nơi đến chốn không nhiều. Đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động Việt Nam là những người ít học hoặc không có điều kiện được học hành vì thế học chủ yếu là tự học suốt đời. Ngoài ra, học không những để thi thố mong đỗ đạt làm quan mà còn để có kiến thức, biết làm ăn, để tự lo liệu cuộc sống, làm chủ cuộc đời. Con người khi được sinh ra không phải tự nhiên mà biết cách làm người, kiến thức của con người không phải là cái bẩm sinh vốn có mà muốn trở thành người thực sự thì mỗi người phải học tập, trau dồi trên cơ sở tự giác, tích cực: “Làm người mà được khôn ngoan, cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay”[8, tr.126].

Tục ngữ, ca dao Việt Nam đặc biệt đề cao, coi trọng việc học, xem đó là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển con người và xã hội. Tư tưởng trọng việc học được hình thành từ lâu đời và đã trở thành nét đẹp của dân tộc ta: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí”[68, tr.793] - ngọc không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của nó; con người không được học hành thì không biết đến đạo lý, không thể hoàn thiện về nhân cách. Câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” nhằm khẳng định con người là sản phẩm tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của trời đất. Nhưng con người để trở nên có ý

nghĩa, để vượt trên muôn vật thì không có cách nào khác là phải học tập, rèn luyện. Cho nên đã là ngọc thì phải được mài dũa, đã là người thì phải học tập. Đồng thời, trong quá trình học tập đòi hỏi con người phải có quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thì mới nên người: “Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi. Con người ta có khác gì, Học hành quý giá ngu si hư đời”[8, tr.137], “Người không học như ngọc không mài”[66, tr.118], “Học hành vất vả, kết quả ngọt bùi”[8, tr.120]. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ về sự học, rèn luyện qua gian khổ của con người: “Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công”[41, tr.382]. Đây là quan điểm đúng đắn, mang tính thực tiễn bởi làm người là việc không đơn giản, đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực vươn lên, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách để tôi luyện, hoàn thiện bản thân, để trưởng thành.

Để hoàn thiện bản thân mình, cha ông ta đã khẳng định sự toàn diện trong nội dung học: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”[66, tr.85]. Đó là học cách ăn ở, nói năng, đi đứng, học cách sống, cách đối nhân xử thế, cách làm việc, học điều hay lẽ phải cho nên người. Xuất phát từ tinh thần coi trọng đạo đức vốn có của dân tộc, cùng với sự ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo nên cha ông ta luôn đặc biệt đề cao đạo đức, xem đó là giá trị cốt lõi của con người, là tiêu chí căn bản của đạo làm người. Do đó, nội dung học chủ yếu là học đạo đức, luân lý: “Học là học biết giữ giàng, biết điều nhân nghĩa biết đàng hiếu trung”[8, tr.121]. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhân dân ta coi nhẹ những giá trị khác của con người, mà học còn là để có kiến thức, để biết làm ăn: “Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi”[66, tr.112], “Học hay cày biết”[66, tr.85], “Học khôn đi lính, học tính đi buôn”[66, tr.85]. Đó chính là quan điểm tiến bộ của nhân dân ta, thể hiện tư tưởng thực tiễn về việc học. Học không chỉ để biết đối nhân xử thế mà còn để biết làm ăn, biết đứng trên đôi chân của mình, không phụ thuộc vào ai, góp phần vào sự phát triển xã hội.

Đồng thời, việc học là không có giới hạn, không có điểm dừng, đã là người và muốn là người thì phải học suốt đời: “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”[8, tr.121], “Ông bảy mươi học ông bảy mốt”[66, tr.128]. Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay thì việc học mới dừng lại, còn sống thì còn phải học bởi cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Con người muốn bắt nhịp cùng sự vận động, phát triển của cuộc sống thì không có cách nào khác, con người cũng phải luôn vận động, trau dồi, học hỏi bởi kiến thức mênh mông nên học không bao giờ là đủ. Nếu con người tự mãn với những điều mình đã có thì sẽ bị tụt hậu, không thích ứng được sự phát triển của cuộc sống. Đúng như V.I. Lênin từng nói: Học, học nữa, học mãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng. Và học ở đây là tự học là chủ yếu. Tự học suốt đời là quan điểm có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện cái nhìn khiêm nhường của cha ông ta về mọi mặt của cuộc sống, thể hiện sự nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa con người với thế giới, giữa cái hữu hạn với cái vô hạn.

Con người không những phải học suốt đời mà còn phải học suốt đời một cách chăm chỉ, chịu khó, linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở tự nguyện, tự giác. Học là một quá trình gian nan, thời gian con người dành cho việc học tập một cách chính thống là có hạn, nhưng cuộc sống lại biến đổi không ngừng, không giới hạn. Con đường chinh phục tri thức nhân loại là không có điểm tận cùng, không có giới hạn còn khả năng nhận thức và cuộc đời của mỗi con người là có giới hạn. Chính vì vậy, con người cần phải chăm chỉ, chịu khó, phải tự học suốt đời, tự trang bị kiến thức để hoàn thiện bản thân, bắt nhịp với cuộc sống, không trì hoãn, ỷ lại hay trông chờ vào ai: “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”[8, tr.131]. Đồng thời, trong quá trình học, con người không những cần chăm chỉ, chịu khó mà còn phải linh hoạt, sáng tạo để khám phá, chiếm lĩnh kiến thức: “Học một biết mười”[8, tr.34], “Nhất sự suy vạn sự”[66, tr.121]. Mỗi con người cần chủ động, sáng tạo trong việc học để mở rộng và làm phong phú

kiến thức cho bản thân mình bởi càng hiểu biết bao nhiêu thì con người càng giàu có bấy nhiêu, càng trở nên có ích bấy nhiêu. Để làm được điều đó đòi hỏi người học phải không ngừng tìm tòi suy ngẫm, không chỉ dừng lại kiến thức trong sách vở mà còn phải học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ nhiều người, nhiều nguồn khác nhau, học trong cuộc sống, trong nhân dân: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”[66, tr.69]. Đồng thời, phải gắn việc học với thực tiễn cuộc sống, với hoạt động sản xuất vật chất để phục vụ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”[8, tr.331], “Có học mới hay, có cày mới biết”[8, tr.103], “Học hay, cày biết”[33, tr.1362]. Đây là quan niệm đúng đắn, tiến bộ về việc học, nó thúc đẩy tính chủ động, tự giác, tình yêu, sự say mê của con người. Mặc dù là những đúc kết ngắn gọn nhưng những quan điểm trên đây thể hiện cái nhìn khoa học, tiến bộ của cha ông ta về việc học đối với mỗi con người trong việc hoàn thiện nhân cách, chuẩn bị tư lương để làm người và sống ở đời.

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 74 - 78)