Tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 122 - 125)

dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay

Cùng với việc khẳng định giá trị của tinh thần tự lập, tự học suốt đời, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng khẳng định giá trị của tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Cần cù, sáng tạo trong lao động chính là nguồn gốc của hạnh phúc, của trí tuệ và của mọi sự tiến bộ xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, lao động là hoạt động đặc trưng của con người, là nhân tố quyết định sự sinh tồn,

phát triển của con người và xã hội, là hoạt động nền tảng làm phát sinh, phát triển những mối quan hệ xã hội của con người, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển xã hội. Trong quá trình lao động, con người sẽ nhận ra giá trị cuộc sống và tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Lao động giúp nâng cao năng lực tư duy, khả năng nhận thức của con người. Quá trình lao động sản xuất đặt ra những những yêu cầu đòi hỏi con người phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, giải quyết. Điều đó góp phần tạo ra sự phát triển của mỗi cá nhân và là động lực của sự tiến bộ xã hội.

Tinh thần lao động cần cù, sáng tạo là thái độ tích cực, tự giác trong lao động, là khả năng bền bỉ chịu đựng khó khăn, vất vả, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, là năng lực tuy duy sáng tạo nhằm cải biến hoàn cảnh và tìm ra những biện pháp tối ưu để đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh phát triển mọi mặt đời sống xã hội, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, tinh thần đó càng được khẳng định. Nếu chúng ta không cần cù, sáng tạo trong lao động thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với các nước khác. Cần cù, sáng tạo trong lao động góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay bởi chỉ có lao động mới giúp con người có động lực vươn lên để hoàn thiện bản thân mình; chỉ trong lao động, con người mới có thể khẳng định được bản thân và tìm thấy giá trị thực sự của cuộc sống.

Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận thế hệ trẻ có lối sống hưởng thụ, ỷ lại, lười lao động, chưa nhận ra giá trị của lao động, chưa tìm thấy niềm vui, sự ham thích trong lao động, xem lao động là việc bắt buộc để kiếm miếng cơm, manh áo chính vì vậy thiếu sự sáng tạo, chủ động trong lao động, không phát huy được năng lực bản thân, lao động không hiệu quả, giá trị lao động thấp, … Chính vì vậy, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra cho chúng ta những cơ hội và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là nếu chúng ta không học tập, lao động sáng tạo, không bắt

nhịp được với sự phát triển của cuộc cách mạng này thì khoảng cách tụt hậu của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ ngày càng giãn rộng. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên (từ 1784) với phát minh ra động cơ hơi nước; lần thứ hai (từ 1870) với phát minh ra động cơ điện; lần thứ ba (từ 1969) với phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, làm biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Tinh thần của cuộc cách mạng này là sự kết nối giữa con người với vạn vật và vạn vật với nhau trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ. Muốn tham gia vào cuộc cách mạng này, điều trước tiên đòi hỏi chúng ta phải có sự kết nối về tinh thần, ý chí của tất cả mọi người trên cơ sở sự quyết tâm muốn thay đổi với tinh thần say mê lao động sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi.

Có thể nói, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mang tinh thần tiến bộ, khoa học, có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Nó định hướng cho chúng ta có nhận thức và hành động đúng đắn trên con đường lập thân, lập nghiệp để làm chủ cuộc đời mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tiễn mới của đất nước cũng như quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới trong cấu trúc nhân cách con người Việt Nam. Nhiều giá trị hiện đại mà con người Việt Nam cần có không thể lấy từ quá khứ như: tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ khoa học công nghệ, … vì thế bên cạnh việc kế thừa, tiếp thu những giá trị tinh thần truyền thống chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị hiện đại để xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. Có như vậy, chúng ta mới không đánh mất mình, không biến mình trở thành cái bóng hay bản sao của người khác. Do đó, việc trở lại với giá trị đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam để kế thừa và phát huy nó trong bối cảnh hiện nay là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 122 - 125)