Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 26 - 28)

Kế thừa những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố liên quan đến luận án, tác giả luận án sẽ tiếp tục bổ sung, hệ thống hóa, làm sâu sắc hơn những nội dung sau:

Thứ nhất, luận án tiếp tục nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tác giả lược khảo quan niệm đạo làm người được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam để khái quát và đưa ra định nghĩa về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu nội dung và phân tích cơ sở hình thành đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam bao gồm điều kiện địa lý – tự nhiên, cơ sở kinh tế - xã hội và tiền đề văn hóa tư tưởng, tác giả bước đầu làm rõ một số đặc điểm cơ bản của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam.

Thứ hai, không chỉ dừng lại ở việc tuyển chọn, giải thích các câu tục ngữ, ca dao Việt Nam về đạo làm người như các công trình trước đó, luận án sẽ nghiên cứu một cách hệ thống nội dung cơ bản về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam xuất phát từ tồn tại xã hội. Đó là những yêu cầu căn bản để hoàn thiện nhân cách, là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của con người trong mối quan hệ với bản thân, với gia đình và xã hội. Từ đó, tác giả đánh giá những giá trị và hạn chế của các quan điểm này trên tinh thần khách quan, khoa học.

Thứ ba, luận án nghiên cứu làm rõ ý nghĩa của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam; với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm góp phần khẳng định, giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc trong điều kiện đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển hiện nay.

Tóm lại, những công trình đã có đều là tài liệu tham khảo bổ ích cho tác giả trong quá trình triển khai đề tài “Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam và ý nghĩa hiện thời của nó”. Tuy nhiên, do đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các công trình này chưa có điều kiện nghiên cứu một cách hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến đề tài luận án. Vì vậy, luận án sẽ kế thừa giá trị của những công trình đã có và sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn mà luận án đặt ra.

Tiểu kết chương 1

Trong chương này, tác giả luận án tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài qua các nội dung chính như: Những công trình nghiên cứu liên quan đến một số vấn đề lý luận về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam; Những công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung và ý nghĩa hiện thời của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tác giả đã đánh giá những điểm đã làm được cũng như giá trị của các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, đồng thời chỉ ra những điểm mà luận án kế thừa và những khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu.

Qua việc tổng quan tình hình nghiên cứu, tác giả thấy rằng, hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống “Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam và ý nghĩa hiện thời của nó” và việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là không hề trùng lặp. Một số công trình có nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đề tài nhưng do cách tiếp cận, do phạm vi, mục đích và đối tượng nghiên cứu nên nhiều nội dung chưa được đề cập đến hoặc đã đề cập đến nhưng còn thiếu hệ thống. Trên cơ sở kế thừa những công trình nghiên cứu có liên quan trước đó, việc nghiên cứu một cách hệ thống, làm rõ cơ sở hình thành, đặc điểm và nội dung của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, từ đó chỉ ra ý nghĩa hiện thời của nó sẽ được tác giả thực hiện trong luận án này.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 26 - 28)