ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HÒA THUẬN, HẠNH PHÚC HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 125 - 126)

PHẦN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HÒA THUẬN, HẠNH PHÚC HIỆN NAY

Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Gia

đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Xác định được vai trò quan trọng của gia đình, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam vừa mang những nét đặc trưng của gia đình truyền thống, vừa không ngừng bổ sung, hoàn thiện những giá trị đạo đức mới phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[10, tr.77]. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nêu rõ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”[12, tr.128].

Việt Nam là một trong số những nước có truyền thống tôn trọng gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, gia đình ở nước ta cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức và bước đầu có những dấu hiệu của sự khủng hoảng. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay đã đem đến những cơ hội cho sự phát triển đất nước, đồng thời nó cũng đặt ra những thách thức đối với xã hội nói chung, gia đình Việt Nam nói riêng. Theo Nguyễn Thế Nghĩa: “Trong các giá trị truyền thống bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa nhiều nhất, thì lĩnh vực đạo đức có diễn biến phức tạp, xuống cấp và trầm trọng nhất. Truyền thống đạo đức gia đình vốn là hạt nhân của đạo đức xã hội đang có nguy cơ biến dạng”[46, tr.236-237]. Mối quan hệ giữa con người với gia đình hiện nay bên cạnh những biểu hiện tích cực, thì cũng đang có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Các mối quan hệ cơ bản trong gia đình đã có nhiều thay đổi: “Nội dung tình cảm phản ánh mối quan hệ truyền thống giữa vợ và chồng, con cái với bố mẹ, anh chị em ruột thịt với nhau… không còn như trước nữa. Đã có sự rạn nứt trong tình cảm đầm ấm giữa bố mẹ với con cái, ông bà với con cháu…” [45, tr.406-407]. Hiện nay, ở nhiều nơi mà nhất là ở các đô thị lớn, đời sống gia đình đang bị chi phối mạnh mẽ bởi lối sống thực dụng, lai căng, xa rời đạo lý làm người và truyền thống văn hóa dân tộc. Sự gắn bó với nhau giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, họ xem nhẹ hoặc không cần biết đến lòng hiếu thuận, lễ nghĩa gia đình, thiếu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, sống lạnh lùng, vô cảm với những người xung quanh. Điều đó cho thấy, đạo đức gia đình đã có biểu hiện đi xuống, đạo lý làm người dường như đang bị lãng quên. Chính vì vậy, việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Nghiên cứu đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta thấy được ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc hiện nay dựa trên việc xây dựng mối quan hệ cha - con, vợ - chồng, anh - em hòa thuận, hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 125 - 126)