Điều kiện địa lý tự nhiên

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 45 - 47)

Điều kiện địa lý - tự nhiên có ảnh hưởng tới sự hình thành văn hóa của mỗi dân tộc. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, để thích ứng với điều kiện địa lý - tự nhiên thì mỗi dân tộc đã hình thành những quan niệm, cách ứng xử khác nhau trong các mối quan hệ với bản thân, gia đình và xã hội, hình thành nên những nét riêng trong quan niệm đạo làm người.

- Điều kiện địa lý - tự nhiên Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng đã góp phần hình thành nên lối tư duy, thái độ ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, khoan hòa trong mọi mối quan hệ của con người.

Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương, với địa hình ¾ là đồi núi, còn lại ¼ là đồng bằng nhưng hầu hết là các đồng bằng châu thổ do các con sông bồi đắp thường xuyên nên rất màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau. Đồng thời, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với khí hậu mang tính chất

nóng ẩm, phân hóa theo mùa và theo độ cao rõ rệt nên hệ sinh thái nước ta rất đa dạng, mùa nào thức ấy. Điều kiện địa lý - tự nhiên của Việt Nam thống nhất trong đa dạng, bao gồm cả đồi núi và đồng bằng, đất liền và biển cả trong một xứ sở nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, có hệ sinh thái đa dạng, sản vật phong phú: “Ruộng đồng mặc sức chim bay; Biển hồ lai láng, mặc bầy cá đua”[48, tr.134], “Vì mây nên núi liền trời, Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng”[48, tr.136]. Tự nhiên, đất trời hòa hợp trong sự đa dạng đã góp phần hình thành nên đời sống tinh thần phong phú, thái độ ứng xử linh hoạt, mềm dẻo của con người.

Đồng thời, trong nhiều điều kiện tự nhiên tác động đến cuộc sống hàng ngày của con người thì môi trường sông nước được coi là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành nên lối ứng xử của người Việt Nam. Việt Nam là đất nước của sông hồ, kênh rạch, có đường bờ biển dài hàng nghìn km với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều. Theo những bằng chứng khảo cổ học, địa bàn sinh sống chủ yếu của các cư dân Việt cổ qua nhiều thiên nhiên kỷ là một địa hình chi chít sông ngòi, đầm hồ. Các địa điểm cư trú thời cổ đều nằm trên các gò bãi cao có nước bao quanh. Nước tạo nên biên giới thiên nhiên của từng vùng đất. Giao thông thời cổ - trung đại chủ yếu là đường thủy (đường sông và ven biển), sông ngòi trở thành những con đường đi lại chính với phương tiện truyền thống là thuyền bè. Điều đó đã tác động đến cuộc sống hàng ngày của con người và dấu vết của môi trường sông nước đã in sâu lên lối tư duy, ứng xử của người Việt Nam. Đó là lối tư duy, thái ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, khoan hòa, tươi mát, không để mất lòng ai trong các mối quan hệ.

- Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thường xuyên đối mặt với thiên tai đã góp phần hình thành nên tinh thần đoàn kết cộng đồng và tình yêu thương con người sâu sắc.

Bên cạnh những thuận lợi về đất đai, tài nguyên, môi trường sông nước với hệ thống sông ngòi dày đặc thuận lợi cho nền nông nghiệp lúa nước, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của thiên nhiên

(nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão lốc từ biển Đông đổ bộ vào) gây nên những tổn thất to lớn về người và của: “Lụt thì lút cả làng”[66, tr.100], “Đông chết se, hè chết lụt”[66, tr.71], “Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”, “Tháng bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy”[66, tr.143]. Điều đó đã góp phần hình thành ở nhân dân ta tinh thần đoàn kết cộng đồng để cùng chống chọi với khó khăn, thử thách, cùng nhau đắp đê, làm thủy lợi để chống lụt, chống hạn. Đồng thời, trước sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên, cuộc sống của con người trở nên mong manh, nay còn mai mất, không thể dự tính trước được vì vậy đã hình thành ở con người thái độ trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì đang có, cũng như tình yêu thương, quý trọng con người sâu sắc.

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(158 trang)
w